Giới tài phiệt Nga: Được ươm mầm từ hàng chục năm trước, phất lên nhanh chóng nhờ các tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước
Để đối phó với hành động quân sự của Nga tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã cố gắng siết chặt các ngân hàng, công ty và giới tài phiệt Nga, những người sở hữu các siêu du thuyền khổng lồ và bất động sản rộng rải rác trên toàn cầu. Điều này đặt ra câu hỏi liệu thứ gì có thể biến một người trở thành một nhà tài phiệt, và làm thế nào họ trở nên giàu có như vậy?
Giới tài phiệt Nga làm giàu từ thời kỳ hậu Liên bang Xô Viết
Elise Giuliano, giảng viên khoa khoa học chính trị tại Đại học Columbia, người tập trung nghiên cứu nước Nga thời kỳ hậu Liên bang Xô Viết cho biết: "Giới tài phiệt thường được kết nối cá nhân với các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của một quốc gia, mặc dù không phải lúc nào điều này cũng đúng".
Định nghĩa cổ điển về một nhà tài phiệt sẽ bao gồm một số ảnh hưởng đến chính trị, nhưng rõ ràng kể từ khi xung đột xảy ra, hầu hết tỷ phú Nga có rất ít hoặc không có sự tác động với Tổng thống Vladimir Putin.
Giới tài phiệt Nga đã làm giàu vào những năm 1990 trong thời kỳ hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ, vì tài sản nhà nước được chuyển giao cho các nhà thầu tư nhân, thường là trong các giao dịch tham nhũng. Trong thời kỳ tự do hóa thị trường này, các doanh nhân khá giả, cựu quan chức và những người may mắn đã mua lại cổ phần trong các công ty của Nga hoạt động trên lĩnh vực dầu khí, kim loại và khai thác mỏ, đường sắt và vận tải, nông sản và các ngành công nghiệp cốt lõi khác.
Một nhóm tài phiệt mới hơn trở nên giàu có nhờ quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin, người đã cai trị nước Nga kể từ năm 2000. Ông Putin luân phiên giúp đỡ và trừng phạt các nhà tài phiệt, coi các ông trùm và doanh nghiệp của họ như con tốt trong các trận đấu cờ chính trị của mình, theo Forbes.
Mikhail Khodorkovsky từng là tỷ phú giàu nhất nước Nga, đã bị bắt vào năm 2003 vì các tội danh về thuế sau khi ủng hộ đối thủ chính trị của ông Putin. Tuy nhiên, nhiều nhà tài phiệt ngày nay là quan chức đương nhiệm hoặc cựu quan chức dưới thời ông Putin. Yuri Kovalchuk, một người bạn lâu năm và là cố vấn của nhà lãnh đạo Nga, đã có được cổ phần trong các công ty viễn thông và ngân hàng nhờ mối quan hệ với Tổng thống Nga.
Mặc dù mức độ thân cận của các nhà tài phiệt đối với Putin khác nhau, nhưng tất cả đều dựa vào sự bảo trợ của ông. Brian Taylor, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse cho biết: "Cấu trúc nền kinh tế Nga ít nhiều đều phụ thuộc vào nhà nước. Các nhà tài phiệt không phải là những tác nhân kinh tế tự chủ".
Sự tăng lên nhanh chóng của giới tài phiệt Nga
Hạt giống của giới tài phiệt Nga đã được gieo từ năm 1992 đến năm 1994, khi Liên bang Nga mới độc lập tiến hành một nỗ lực tư nhân hóa chứng từ. Theo chương trình, cổ phiếu của khoảng 15.000 công ty quốc doanh đã được cung cấp cho người mua cá nhân. Mục đích là cho phép nhiều người Nga mua cổ phiếu. Tuy nhiên, các doanh nhân có mối quan hệ tốt đã mua lại hàng tá cổ phiếu, qua đó được trao phần lớn cổ phần hoặc quyền kiểm soát trong các công ty. Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 1999, khoảng 2/3 tổng số cổ phần tư nhân hóa thuộc quyền sở hữu của những người trong công ty tại Nga .
Năm 1995, kế hoạch cho vay lấy cổ phần của Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin đã tạo ra một số nhà tài phiệt giàu có nhất đất nước. Để đổi lấy việc cho chính phủ Nga vay khoản tiền đang bị thâm hụt và hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tái tranh cử của ông Yeltsin, một số doanh nhân giàu có đã nhận cổ phần của 12 công ty khai thác và năng lượng thuộc sở hữu nhà nước dưới hình thức "cho thuê". Hợp đồng thuê sẽ chuyển thành quyền sở hữu, tùy thuộc vào việc ông Yelstin có thắng cử hay không.
Daniel Treisman, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California chia sẻ: "Nếu nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Gennady Zyuganov chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1996, mọi người đều mong đợi rằng ông ấy sẽ đơn giản hóa việc quốc hữu hóa các công ty này và lấy lại cổ phần đã được bán".
Sau khi Yeltsin thắng thế, Vladimir Potanin, một trong những người tham gia thỏa thuận, đã nắm cổ phần kiểm soát tại Norilsk Nickel, nhà sản xuất niken tinh chế lớn nhất thế giới. Hai tỷ phú khác là Khodorkovsky và Roman Abramovich cũng được hưởng lợi liên quan đến ngành dầu khí.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 của Nga là một bước lùi tạm thời đối với các nhà tài phiệt. Giá hàng hóa tăng vọt và sự hội nhập kinh tế của Nga vào phương Tây trong những năm 2000 đã tạo ra hàng chục ông trùm mới. Năm 2001, Nga có 8 tỷ phú với tổng trị giá tài sản ròng đạt 12,4 tỷ USD. 10 năm sau, quốc gia này đã có 101 tỷ phú sở hữu tổng giá trị tài sản ròng 432,7 tỷ USD, theo dữ liệu của Forbes.
Các nhà tài phiệt sớm nhận ra sự giàu có của họ có điều kiện là phải tuân theo ông Putin. Họ không thể nhìn xa hơn tấm gương của Khodorkovsky, người đã phải ngồi tù 10 năm. Một nhà tài phiệt khác, Boris Berezovsky, người đã thăng tiến nhanh dưới thời Yeltsin và chỉ trích ông Putin, cũng phải bán cổ phần của mình trong công ty truyền thông Nga và sống lưu vong.
Lợi ích chính trị của quốc gia và lợi ích tài chính của giới tài phiệt phải được hòa hợp
Các nhà tài phiệt đã nhận được thông điệp. Các lợi ích chính trị của nước Nga và lợi ích tài chính của họ cần phải hòa nhập với nhau.
Đối với một số nhà tài phiệt, điều này có nghĩa là phải bán lại công ty của họ cho chính phủ. Tỷ phú Roman Abramovich đã bán cổ phần của mình trong công ty dầu khí Sibneft cho Gazprom thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2005. Mikhail Fridman và Viktor Vekselberg, những người đã trở thành những nhà tài phiệt khi nắm quyền sở hữu Tyumen Oil vào năm 1997, đã bán công ty của họ cho Rosneft, một tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu của nhà nước vào năm 2013.
Khi Tổng thống Putin củng cố quyền lực và khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, một thuật ngữ mới có tên "silovarch" đã xuất hiện. Thuật ngữ này do Treisman đặt ra, là một từ ghép chỉ sự kết hợp giữa giới tài phiệt và "siloviki", một từ tiếng Nga để chỉ giới tinh hoa quân sự và an ninh của đất nước.
Stanislav Markus, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Nam Carolina chia sẻ: "Thuật ngữ "silovarchs" là giới tinh hoa, những người đã tận dụng mạng lưới của họ trong FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) hoặc quân đội để tích lũy tài sản cá nhân. "Silovarchs" thường là cổ đông lớn trong các công ty thuộc các lĩnh vực mà lợi nhuận phụ thuộc vào sự ưu ái của chính phủ".
Giới tài phiệt Nga đang đối mặt với tương lai đầy chông gai khi Mỹ, Anh và các nước phương Tây đồng loạt đưa ra các lệnh trừng phạt. Tính đến ngày 14/3, đã có khoảng 20 tỷ phú Nga bị Mỹ và các đồng minh đưa ra lệnh trừng phạt cá nhân. Họ đã chứng kiến tài sản của mình bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine.