|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cạn kiệt tiền và niềm tin vì đối tác cướp thương hiệu: Bài học khởi nghiệp đắt giá của doanh nhân bán máy hỗ trợ điều trị ung thư

09:35 | 22/05/2019
Chia sẻ
Nhận thấy tiềm năng rất lớn của máy tạo nước ion kiềm tươi trong hỗ trợ điều trị ung thư ở Việt Nam, một doanh nhân nhập khẩu máy từ nước ngoài để phân phối, nhưng đối tác vận chuyển cướp thương hiệu khi hàng chưa về nước.

Hành trình khởi nghiệp từ bệnh ung thư của cha

Cha của Hồng Phúc từng mắc bệnh ung thư trực tràng. Trong quá trình người cha điều trị trong bệnh viện, anh tìm hiểu các biện pháp và biết tới nước ion kiềm tươi OH – (loại nước có độ kiềm cao). Sau một thời gian sử dụng nước ion kiềm tươi OH- và kết hợp với những phương pháp khác (bao gồm cả Đông y và Tây y), sức khỏe của người cha cải thiện rõ rệt. Một năm sau, các tế bào ung thư biến mất.

Lúc ấy, anh đặt câu hỏi: Vì sao một loại nước kỳ diệu như vậy lại không phổ biến ở Việt Nam? Sau đó anh tự tìm ra câu trả lời: Phần lớn người dân Việt Nam chưa thể tiếp cận nước ion kiềm tươi vì giá của nó quá cao. Ngoài ra, nó còn chưa nằm trong danh mục bảo hiểm của các bệnh viện. Để mua một máy tạo nước ion kiềm tươi OH- ở Nhật Bản, anh sẽ phải chi từ 4.000 tới 8.000 USD.

Cạn kiệt tiền và niềm tin vì đối tác cướp thương hiệu: Bài học khởi nghiệp đắt giá của doanh nhân bán máy hỗ trợ điều trị ung thư - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Phúc, người sáng lập công ty cổ phần đầu tư Phúc Nguyễn. Ảnh: ionwater.com.vn

Tiếp tục tìm hiểu, Phúc phát hiện một công ty ở Hàn Quốc cũng chế tạo máy sản xuất nước ion kiềm tươi với giá chỉ bằng 1/3 so với máy ở Nhật Bản mà chất lượng tương đương. Đó là EOS Hitech. Ngay lập tức, Phúc quyết định thành lập công ty cổ phần đầu tư Phúc Nguyễn và mua một lô máy móc của EOS Hitech để mang về Việt Nam.

Bài học đắt giá từ hai lần mất thương hiệu

Trong lúc chờ hàng về nước, Phúc nhận tin một doanh nghiệp khác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu mà anh chọn. Khi đó Phúc đã chi rất nhiều tiền để thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu, in các tấm áp phích, biển hiệu quảng cáo và tài liệu.

Không còn cách nào khác ngoài việc làm lại từ đầu, Phúc vay tiền, rà soát kỹ lưỡng rồi chọn thương hiệu mới là Watapi. Khi chiếc máy đầu tiên về tới Việt Nam, anh lập tức để nhiều người bệnh dùng thử. Kết quả cho thấy sức khỏe của họ tiến triển tích cực.

Dù đang rất phấn khởi, Phúc vẫn nhận ra một thực tế: Nếu muốn nhiều người bệnh có điều kiện uống nước ion kiềm tươi, anh phải đưa máy vào các bệnh viện. Muốn đưa máy vào bệnh viện, anh cần giấy phép của Bộ Y tế.

"Nước ion kiềm tươi chưa nằm trong danh mục bảo hiểm của các bệnh viện nên tôi không thể biết khi nào Bộ Y tế sẽ cấp giấy phép", Phúc kể.

Trong lúc chưa tìm ra giải pháp để đưa máy vào bệnh viện, Phúc nhận thêm hung tin: Một pháp nhân đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Watapi. Đau đớn thay, pháp nhân ấy chính là đối tác mà Phúc thuê vận chuyển hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam và anh rất tin tưởng họ. Phúc rơi xuống vực thẳm của sự chán nản và mất niềm tin. Anh không biết phải giải thích thế nào với cha, các đại lý, khách hàng và cả những người cho anh vay tiền.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình kinh doanh của Phúc xoay chuyển chóng mặt. Anh phải đối mặt 3 vấn đề: Mất quyền sở hữu thương hiệu; khả năng xin giấy phép đưa máy vào bệnh viện rất xa vời; cạn kiệt niềm tin, sức lực và tiền. Đó là bài học đắt giá trong hành trình khởi nghiệp của anh.

Giải pháp vượt khó khăn

Cuộc sống của gia đình Phúc trở nên căng thẳng, nặng nề vì cú sốc kinh doanh. Nhiều lúc anh muốn buông xuôi vì suy kiệt về cả thể xác lẫn tinh thần. Sau khi thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, anh tìm hiểu các trường hợp tranh chấp thương hiệu và những luật liên quan, đồng thời gặp một chị bạn am hiểu về thương hiệu, bản quyền để tham vấn. Nhờ nỗ lực không ngừng, anh đã tìm ra hướng đòi lại thương hiệu dựa vào những sai sót trong hồ sơ xin bảo hộ bản quyền của đối tác vận chuyển. Thứ nhất, họ chỉ trình lên cơ quan chức năng logo nhưng không có bản giải trình về ý nghĩa và những khía cạnh khác của logo. Thứ hai, họ không có hợp đồng thiết kế logo theo quy định.

"Khai thác những sai sót ấy, chúng tôi nộp đơn kiện để đòi lại thương hiệu và đã thành công", anh nói.

Cạn kiệt tiền và niềm tin vì đối tác cướp thương hiệu: Bài học khởi nghiệp đắt giá của doanh nhân bán máy hỗ trợ điều trị ung thư - Ảnh 2.

Một máy tạo nước ion kiềm tươi mang thương hiệu Watapi của công ty Phúc Nguyễn. Ảnh: ionwater.com.vn

Cũng trong giai đoạn Phúc mở chiến dịch pháp lý để đòi thương hiệu, một số chuyên viên của Bộ Y tế cũng nỗ lực tìm giải pháp để cấp giấy phép cho máy tạo nước ion kiềm tươi mà anh nhập khẩu từ Hàn Quốc sau khi họ hiểu tâm nguyện của anh. Lợi thế của Phúc là Bộ Y tế Hàn Quốc đã công nhận máy tạo nước ion kiềm tươi của EOS Hitech theo những tiêu chuẩn quốc tế. Nếu Phúc có giấy chứng nhận từ đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, anh sẽ có giấy phép ở Việt Nam.

"Đầu năm 2019, đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc trao cho tôi giấy chứng nhận máy tạo nước ion kiềm tươi mà công ty nhập từ Hàn Quốc là thiết bị y tế đạt chuẩn toàn cầu", Phúc nói.

Hiện nay, công ty Phúc Nguyễn đã đưa máy tạo nước kiềm tươi vào nhiều bệnh viện, lập chi nhánh ở cả 3 miền, với hơn 20 đại lý chăm sóc khách hàng. Thị trường đã tiêu thụ gần 1.000 máy tạo nước kiềm tươi của công ty. Không chỉ những khách hàng trong nước, mà nhiều Việt kiều ở Australia, Mỹ, Pháp và những nước khác cũng mua máy.

"Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp mang nước ion kiềm tươi về Việt Nam để góp phần nâng cao sức khỏe của nhiều gia đình", anh thổ lộ.

Nhạc Dương