Ngành Y tế Việt cực kỳ hấp dẫn nhưng nhà đầu tư muốn xuống tiền' không dễ!
Đây là ý kiến chung của hầu hết các diễn giả tại hội thảo chuyên đề: “Ngành Y tế cần làm gì để thu hút đầu tư” do Hội Y học TP.HCM và Hội Hành Nghề Y Tư Nhân TP.HCM phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty DG Medical tổ chức cuối tháng 3/2019.
Tiềm năng tăng trưởng cao
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh, tại TP. HCM, năm 2018 có hơn 45,3 triệu lượt khám ngoại trú, chiếm hơn 1/4 tổng lượng khám cả nước; hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú, chiếm 1/10 lượt nằm điều trị của cả nước, tăng rất cao so với năm trước đó. 85% số giường bệnh phục vụ điều trị là của bệnh viện công lập.
Trong khi đó, cả nước có hơn 80% dân số có bảo hiểm y tế, 5% dân số có bảo hiểm tư nhân, 73% dân số trả một phần hoàn toàn bộ viện phí bằng tiền mặt, tỷ lệ bệnh viện công – tư vẫn ở giai đoạn tăng trưởng. Hơn nữa, người Việt Nam đã phải chi ra khoảng 2,5 tỷ USD/năm để khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Các diễn giả tại hội thảo chuyên đề: "Ngành Y tế cần làm gì để thu hút đầu tư" do Hội Y học TP.HCM và Hội Hành Nghề Y Tư Nhân TP.HCM cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty DG Medical tổ chức cuối tháng 3/2019.
Số liệu của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe so với GDP ngày càng tăng. Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN và đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách, đồng thời Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế.
Trong 9 năm qua, Chính phủ đã ưu tiên ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để có bước đầu tư đột phá cho hệ thống khám chữa bệnh (KCB). Chính phủ đã đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện. Cơ sở KCB tư nhân phát triển nhanh, từ chỗ không có bệnh viện tư, năm 1993 tới nay đã có 206 bệnh viện tư nhân với 15.475 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân.
Chia sẻ tại hội thảo, Bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn của DG Medical - nhà cung cấp các giải pháp y khoa toàn diện tại Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình đã chi nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Vì vậy nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa, hoạt động M&A trong ngành y tế bùng nổ
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, hiện tất cả các bệnh viện công lập ở TP. HCM đã chuyển sang mô hình tự chủ tài chính, vì vậy có sự cạnh tranh lành mạnh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
TP.Hồ Chí Minh cũng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh hiện đại, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ y bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Tiêu biểu của tiến trình xã hội hóa ngành y tế ở TP. Hồ Chí Minh là hợp tác giữa Bệnh Ung bướu Thành phố và Bệnh viện Hồng Đức, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Sự hợp tác này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định giúp người dân được khám chữa bệnh bởi đội ngũ bác sĩ công lập có trình độ cao, người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ ngang hàng với bệnh viện tư.
Ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh khi có được sự kết nối giữa bệnh viện công – bệnh viện tư sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Việc kết nối cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các bệnh viện tư nhân, đúng như chủ trương xã hội hóa y tế của thành phố.
Không chỉ dừng lại ở hợp tác đầu tư Bệnh viện, từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng nóng với rất nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị đã được công bố.
Nha khoa Mỹ đã sáp nhập vào Sun Medical Center hay Taisho, một công ty chế tạo thuốc của Nhật Bản đã mua 35% vốn CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) sẽ chi ra ước tính hơn 3.400 tỷ đồng để gom cổ phiếu DHG nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 35% lên 56,68%.
Trước đó, năm 2009, VinaCapital cùng DWS Vietnam Fund của Deustche Bank chi 20 triệu USD để nắm giữ 44% vốn của bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ (2 năm sau VinaCapital đã thoái vốn khỏi Hoàn Mỹ). VinaCapital cũng đầu tư vào CTCP Y khoa Tâm Trí, CTCP Dược Hậu Giang (đã thoái vốn), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco….
Xu hướng M&A hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai khi mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Traphaco, Domesco Đồng Tháp, CTCP Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.Hồ Chí Minh … Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại trong ngành y tế mà các nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định rót vốn.
Nhà đầu tư muốn “xuống tiền” nhưng không dễ!
Theo ông Dilshaad Ali, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế Việt, nhưng họ mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thuận tiện cho họ khi muốn bỏ vốn vào các ngành, trong đó có ngành y tế. Một khi các thủ tục đầu tư được đơn giản, thuận tiện, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn.
Ở góc độ nhà quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh mong muốn, việc thu hút đầu tư vào ngành y tế dù thế nào cũng phải lưu ý ba yếu tố: tối ưu hóa đầu tư, tối đa hóa hiệu quả và phân bố rủi ro hợp lý.
Từ góc nhìn các chủ thể trong ngành y, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hành lang pháp lý của Nhà nước đối với việc đầu tư vào ngành y tế vẫn chưa thật sự rõ ràng, cụ thể (đặc biệt là quy định về việc sau khi thoái vốn của nhà đầu tư hay việc nhà đầu tư được sử dụng lợi nhuận thu được từ đầu tư vào bệnh viện) để có thể chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư khiến họ e dè khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.
Hơn nữa, ngoài hành lang pháp lý, để thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào y tế hoặc sự phối hợp công – tư, Nhà nước cũng cần mở rộng thêm mức chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với các cơ sở y tế tư nhân. “Chính sách Bảo hiểm y tế cũng cần mở rộng đến các đối tượng là các phòng khám tư nhân bởi đây là mạng lưới y tế giải quyết rất hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân” - bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân TPHCM bày tỏ quan điểm.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Vinacapital chia sẻ, VinaCapital thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực y tế là không khó, vì lợi nhuận ở ngành này dù không cao như các lĩnh vực hàng tiêu dùng hay xây dựng, nhưng rủi ro cũng thấp hơn.
Ông Andy Hồ đồng tình với ý kiến của các bác sĩ rằng, chính sách nhà nước cần thay đổi, các khung luật phải thay đổi để phù hợp hơn để nhà đầu tư thấy an toàn hơn khi đầu tư vào lĩnh vực y tế dưới hình thức PPP.
Nhà nước cũng cần xem xét lại bảo hiểm y tế (nhà nước và tư nhân) - hiện không phù hợp với tình hình phát triển của ngành. Hoạt động R&D phải phát sinh từ các trường Đại học, nên Nhà nước cần có quỹ để đầu tư vào R&D của trường Đại học. Một khi 3 yếu tố nói trên thay đổi, ngành y tế Việt Nam sẽ thu hút được nhà đầu tư đầu tư vào cũng như tái đầu tư vào ngành còn cao hơn nữa.