|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người nuôi heo Philippines gặp khó khi dịch ASF bùng phát

08:16 | 30/09/2019
Chia sẻ
Giống như sự bùng phát tại các quốc gia khác, dịch tả heo châu Phi (ASF) đang gieo rắc khủng hoảng cho người chăn nuôi tại Philippines.

Josephine Evenglista là một người chăn nuôi heo nhỏ tại Payatas, một khu đô thị phía bắc của Metro Manila, Philippines. Bà và chồng đã nuôi heo được 10 năm, và việc kinh doanh đã giúp họ sinh tồn và cho 7 đứa còn đến trường.

Tuy nhiên, sinh kế của hai vợ chồng đang đối mặt với một mối đe dọa. 

Đầu tháng 9, Bộ Nông nghiệp Philippines xác nhận rằng virus ASF đang lây lan và giết chết heo ở nhiều khu vực khác nhau trên cả nước, buộc chính quyền địa phương phải tiêu hủy hơn 15.000 con heo kể từ ngày 23/9.

Số lượng các khu vực bị ảnh hưởng đã tăng lên đến 12, và Payatas là một trong số đó. Theo bà Evenglista, đàn heo của bà không có nhiễm virus ASF, nhưng cũng phải giết như một phần của giao thức để ngăn chặn virus lây lan.

Chính phủ đang viện trợ 3.000 peso (tương đương 58 USD) cho mỗi con heo bị tiêu hủy. Bà Evenglista cho biết chưa nhận được tiền và số tiền này không thể trang trải toàn bộ thiệt hại.

Trả lời phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Noel Reyes, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Philippines, cho hay chính phủ đã ngăn chặn virus, và sự lây lan của dịch ASF được xem là có tác động tương đối nhỏ đối với ngành chăn nuôi heo trị giá 5 tỉ USD của quốc gia Đông Nam Á.

"Chúng tôi chỉ có 15.000 trường hợp heo chết ở các khu vực bị ảnh hưởng như Bulacan, Rizal và Thành phố Quezon (trên đảo Luzon). Nếu chúng tôi chia số đó cho tổng cộng 12,7 triệu con heo trên cả nước, thì chưa đến 1% của ngành", ông nói.

fbfdf2a2-d898-11e9-80eb-3aa57b6d2433_image_hires_143231

Ảnh: South China Morning Post.

Những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh

Chính quyền địa phương ở Cebu và Bohol trên đảo Visayas, miền trung Philippines, đã áp lệnh cấm bao chùm đối với thịt heo sống và các sản phẩm thịt heo chế biến từ đảo Luzon để bảo vệ ngành chăn nuôi heo của họ. 

Điều này dẫn đến sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu, khiến việc tiêu thụ bị ảnh hưởng, bất chấp virus chỉ truyền sang heo chứ không ảnh hưởng tới con người.

Các tỉnh Davao Oriental và Negros Oriental ở miền nam Philippines đã báo cáo bày tỏ ý định áp đặt lệnh cấm tương tự.

Hiệp hội các nhà chế biến thịt Philippines (PAMPI) đã kêu gọi chính phủ đưa ra phán quyết thống nhất về cách xử lí lô hàng xuất khẩu sau trường hợp ở tỉnh Ilocos Sur, nơi các lô sản phẩm thịt heo của hai chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng bị chặn tại trạm kiểm dịch.

Các điểm kiểm dịch là một phần của giao thức được thi hành của cả chính quyền quốc gia và địa phương để ngăn chặn virus. 

Ở các khu vực bị nhiễm dịch, các trạm kiểm soát được thiết lập trong bán kính 1 km từ các trang trại nghi ngờ nhiễm virus ASF. Cho dù có nhiễm bệnh hay không, tất cả heo trong khu vực đều bị tiêu hủy. 

Việc vận chuyển động vật trang trại trong bán kính 7 km cũng bị hạn chế và theo dõi chặt chẽ. 

Mặc dù tuyên bố ngăn chặn virus, PAMPI nhấn mạnh các ngành công nghiệp liên quan đến chăn nuôi heo, như sản xuất thịt và sản xuất thức ăn cho heo, bị thiệt hại hàng tỉ peso mỗi ngày và quốc gia này không bị loại bỏ hoàn toàn được virus.

10.000 người lao động, dự kiến được thuê làm việc tại các xưởng sản xuất thịt trong mùa Giáng sinh, sẽ không có việc làm.

Trong nỗ lực bình thường hóa tiêu dùng, chính phủ đang tăng cường các chiến dịch truyền thông để nhắc nhở người dân rằng dịch ASF không phải là mối đe dọa sức khỏe đối với con người và thịt heo bán ở các thị trường công cộng được Cơ quan Kiểm tra Thịt Quốc gia (NMIS) kiểm tra kĩ lưỡng.

"Chúng tôi hiểu rằng hình ảnh những con heo bị tiêu hủy có thể khiến người dân sợ hãi nhưng chúng tôi đảm bảo dịch ASF không truyền được cho con người. 

Tuy nhiên, họ có thể là người mang mầm bệnh. Việc loại bỏ hoặc tiêu huỷ những con heo là một phương pháp hiệu quả được quốc tế công nhận để ngăn chặn sự lây lan của virus", theo ông Rieldrin Morales của NMIS.

Trong khi đó, PAMPI dự đoán sản phẩm làm từ thịt heo được bán tại các nhà hàng thức ăn nhanh sẽ bắt đầu giảm dần trong những tuần tới, một trở ngại rất lớn đối với người tiêu dùng thịt heo lớn thứ 10 thế giới.

Lyly Cao