|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát: Mỗi ngày chết trên 400 con!

06:04 | 28/09/2019
Chia sẻ
Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang chuyển biến hết sức khó lường, dịch bùng phát chóng mặt khiến mức độ thiệt hại tăng lên theo cấp số nhân.

* Nhiều nơi giấu dịch

Có nhiều nguyên do gây nên, bao gồm cả sự lơ là và thiếu trách nhiệm của chính quyền.

Dịch tăng nhanh

DTLCP trên địa bàn Nghệ An đang có chiều hướng tăng nhanh. Qua theo dõi thực tế, giai đoạn đầu bệnh chỉ xuất hiện tại một vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng những tháng gần đây lại lây lan khá nhanh và xảy ra trên phạm vi rộng.

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát: Mỗi ngày chết trên 400 con! - Ảnh 1.

Dịch tả lợn Châu Phi đang khiến ngành chăn nuôi Nghệ An điêu đứng.

Đặc biệt là mốc thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9, thời điểm ngay sau cơn bão số 4 tình hình dịch bùng phát với tốc độ chóng mặt. Số lượng lợn chết buộc phải tiêu hủy tăng theo cấp số nhân, bình quân trên 400 con/ngày.

Số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho thấy, đến 25/9 bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 9.697 hộ, thuộc 19 huyện trên địa bàn. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 43.600 con, dẫn đầu là các xã Diễn Thắng (573 con), Diễn Liên (517 con), Diễn Nguyên (331 con), Minh sơn (321 con), Hưng Tây (598 con), Quang Phong (381 con), Văn Thành (533 con), Vĩnh Thành (332 con), Liên Thành (269 con)...

Lúc này mới chỉ 63 xã công bố hết dịch, trong khi 170 xã có dịch chưa qua 30 ngày, chưa kể 61 xã khác chính thức tái dịch. Đáng nói hơn, từ 24/9 – 25/9, trong 2 ngày ngắn ngủi DTLCP đã phát sinh thêm ở 18 xã.

Nhìn chung diễn biến dịch bệnh ngày càng khó lường. Xuất phát từ nhiều yếu tố đặc thù, riêng những huyện trọng điểm có tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao như Yên Thành, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu hay Đô Lương mối lo luôn thường trực.

Thiếu trách nhiệm

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và các Sở ban ngành đã sớm vào cuộc, thành lập nhiều đoàn công tác để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc. Tuy nhiên kết quả không được như ý muốn, một phần nguy nhân xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Chi cục Chăn nuôi Thú y Nghệ An nhận định, thời gian chống dịch kéo dài khiến một số địa phương tỏ ra chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt. Nhiều vùng chưa áp dụng triệt để các giải pháp chống dịch theo QĐ số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Công tác chốt chặn chưa nghiêm túc, nhìn chung vẫn để xảy ra tình trạng vận chuyển lợn ra vào vùng dịch nhưng không tiến hành tiêu độc khử trùng, chưa kể một số nơi có hiện tượng bỏ chốt kiểm soát.

Quá trình giám sát, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, một số nơi báo cáo chậm. Nguy hại nhất là tình trạng giấu dịch đã manh nha xuất hiện, điển hình là các xã Diễn Mỹ, Diễn Hồng, Diễn Nguyên (Diễn Châu); Nhân Thành, Phúc Thành, Phú Thành, Khánh Thành (Yên Thành)...

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát: Mỗi ngày chết trên 400 con! - Ảnh 2.

Số lượng lợn chết phải tiêu hủy tăng mạnh thời gian gần đây.

Cùng với đó, việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn tại vùng dịch chưa kiểm soát triệt để. Dù đã được phổ biến sát sao nhưng người dân vẫn tự ý giết mổ khi chưa có mẫu xét nghiệm, hoặc giết mổ tại các điểm không đảm bảo vệ sinh thú y, sau đó lại bày bán sản phẩm tràn làn không qua kiểm soát. Thực trạng này xuất hiện chủ yếu tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu và Hưng Nguyên.

Chưa dùng lại ở đó, hiện công tác phòng chống DTLCP tại Nghệ An còn tồn tại vô vàn vấn đề bất cập khác, từ quá trình xử lý tiêu hủy (phương tiện vận chuyển lợn, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, sát trùng, tiêu diệt mầm bệnh), tiêu độc khử trùng; bán chạy lợn chết, không tiến hành khai báo.

Bán chạy lợn con khi lợn mẹ có dấu hiệu bị bệnh cho đến việc vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, động đến đâu vết gợn xuất hiện đến đó. Hồi chuông đang báo động với Nghệ An, tỉnh có tổng đàn lợn lớn.

“Qua thống kê, hiện đàn lợn trong nông hộ, gia trại sắp hết thời gian miễn dịch chủ động với một số bệnh như tụ huyết trùng hay dịch tả lợn cổ điển, do đó rất dễ xảy ra nhiễm bệnh ghép. Mặt khác, một số cán bộ thú y cơ sở khi tiến hành điều trị lợn ốm tỏ ra chủ quan, đến lúc thấy không khả thi mới thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm, điều này làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm.

Nhằm ngăn chặn dịch tiếp đà phát sinh, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan phải lên phương án chỉ đạo, tập trung triển khai ngay các giải pháp mang tính cấp bách, gồm có: bố trí kinh phí phòng, chống; tăng cường giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm việc quản lý, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn; khuyến cáo không vội tái đàn...

Nội dung công văn cũng nêu rõ: "Địa phương nào chủ quan, không quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng, chống khiến dịch lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát thì chủ tịch huyện đó sẽ bị phê bình trực tiếp".

Việt Khánh - Hồ Quang