Bộ NN&PTNT dự báo Việt Nam có thể thiếu 200.000 tấn thịt heo
Theo Báo Tin Tức, tại phiên họp quý III của Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành giá 9 tháng năm 2019, bàn phương hướng các tháng cuối năm và định hướng năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt cho biết do tác động của bệnh dịch tả heo châu Phi, đến nay tổng đàn heo giảm đến 17-18% nhưng về sản lượng và giá trị chỉ giảm 9%.
Trong khi đó, sản lượng trâu, bò, sữa, gia cầm, trứng đều tăng. Nhìn vào cơ cấu trong chăn nuôi thì heo giảm nhưng các loại chăn nuôi khác tăng nên bù đắp được, không ảnh hưởng đến giá cả.
Ông Việt nhận định trong ba tháng tới, có khả năng thiếu nguồn cung thịt heo nhưng không nhiều. Bộ NN&PTNT dự báo chỉ thiếu hụt 4 - 5%, tức khoảng 200.000 tấn thịt heo.
Giá thịt có khả năng tăng nhưng không tăng cao vì từ nay đến cuối năm không có xuất chính ngạch mà chỉ có tiểu ngạch và qua con đường này sẽ rất ít, đó là cơ hội để bình ổn giá trong nước.
Để giảm thiếu hụt, Bộ NN&PTNT cho rằng cần phải kiểm chế dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm…
Bộ cũng thúc đẩy sản xuất trong chăn nuôi, tăng sản lượng gia cầm 13,5% - 15% để bù đắp, tăng đàn trâu, bò, sữa.
"Với mức độ tăng vừa phải như hiện nay sẽ đảm bảo được giá cũng như thị trường, sẽ giảm áp lực về giá và thiếu hụt đối với heo", Bộ nhận định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT cần tính toán, đánh giá thận trọng hơn, có kịch bản rất chi tiết, bởi hiện nay Trung Quốc đang lo khủng hoảng thịt heo vì thiếu hụt đến 20 triệu tấn, tình trạng gom thịt heo của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bắt đầu gia tăng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần có tính toán cụ thể và việc lấy thịt trâu, bò, gia cầm để bù cho thịt heo không đơn giản do thói quen tiêu dùng của người châu Á nói chung.
"Không đơn thuần lấy thịt trâu, bò, gia cầm để thay cho thịt heo được. Với người châu Á nói chung, thịt heo là mặt hàng thực phẩm quan trọng… Việc tăng đàn trâu, bò, gia cầm, sản phẩm khác chỉ là bù cho thiếu hụt và bù giảm mức tăng trưởng GDP, còn nói bù cho cung cầu là phải đánh giá thận trọng hơn", Phó Thủ tướng nhận định.