Đồng Nai đủ năng lực xét nghiệm dịch tả heo châu Phi
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y (thuộc Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai) được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại cũng như nhân lựccó chuyên môn. Ảnh: B. Nguyên
Riêng chức năng xét nghiệm dịch tả heo châu Phi (ASF), do là dịch mới nên hiện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ giao cho 8 đơn vị thuộc Cục Thú y thực hiện trong toàn quốc.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y Đồng Nai đã được công nhận đủ điều kiện, đủ năng lực xét nghiệm dịch ASF là điều kiện hết sức thuận lợi cho Đồng Nai chủ động đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chống dịch ASF.
* Sẵn sàng nhận xét nghiệm ASF
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai được thành lập từ năm 2007, trụ sở đặt tại huyện Long Thành. Từ khi đi vào hoạt động, Trạm đã thực hiện tốt các chỉ tiêu xét nghiệm về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản.
Cuối năm 2018, đơn vị này dời về trụ sở của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai tại số 11, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa).
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã cấp chứng nhận Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y Đồng Nai đủ năng lực chẩn đoán, làm xét nghiệm phát hiện virus dịch tả heo châu Phi. Hiện chỉ còn chờ chỉ định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) thì sẽ đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai phải chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện tốt khi tiếp nhận các mẫu xét nghiệm dịch ASF. Tỉnh cũng cần công bố rộng rãi để các cơ quan, địa phương, ban, ngành, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh được biết Đồng Nai đủ điều kiện, chức năng xét nghiệm dịch ASF.
Khi dời về trụ sở mới, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam đã đánh giá, thẩm định lại và công nhận đơn vị này đảm bảo các tiêu chí như: phòng xét nghiệm được trang bị đầy đủ trang thiết bị; về năng lực của đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất phòng ốc đều đạt chuẩn ISO 17025:2017.
Đơn vị cũng đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để thưc hiện 27 phép thử trong chẩn đoán phòng, chống dịch bệnh gia súc; gia cầm và thủy sản.
Trong năm 2018, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y đã thực hiện trên 40 ngàn mẫu xét nghiệm các loại bệnh trên gia súc, gia cầm thủy sản. Hiện đơn vị có 11 cán bộ đang làm việc, trong đó có 2 thạc sĩ và 8 cử nhân.
Với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có, đơn vị hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm các loại dịch bệnh phức tạp, trong đó có dịch ASF.
Theo ông Nguyễn Tân Lang, Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y: “Thời gian qua, đơn vị đã thực hiện thử nghiệm việc xét nghiệm các mẫu bệnh dịch ASF. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng cả về điều kiện cơ sở vật chất với những máy móc hiện đại nhất cũng như về đội ngũ nhân lực có chuyên môn để tiếp nhận thêm chức năng xét nghiệm dịch ASF”.
* Chỉ 4 tiếng là có kết quả
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, từ khi xuất hiện dịch ASF vào cuối tháng 4 đến nay, toàn tỉnh đã gửi gần 2,5 ngàn mẫu xét nghiệm để Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm bệnh ASF.
Trước nhu cầu xét nghiệm mẫu dịch ASF khá lớn như hiện nay, ông Nguyễn Tân Lang cho biết, khi được phép triển khai việc xét nghiệm dịch ASF thì ngoài việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, xét nghiệm theo yêu cầu quản lý, xét nghiệm chứng nhận heo âm tính dịch ASF trong vận chuyển, tiêu thụ heo, trạm còn nhận xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Đơn vị đã xây dựng phương án về tăng cường đội ngũ nhân lực để vẫn đảm bảo tốt nhiệm vụ khi nhu cầu xét nghiệm về dịch ASF tăng cao.
Dự kiến, nhu cầu kinh phí để chi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Đồng Nai năm 2019 là 1.582 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã được tạm ứng 800 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí dự kiến này căn cứ vào tình hình dịch tả heo châu Phi cũng như tổng số lượng heo bị thiệt hại của từng địa phương. Trong đó, huyện Trảng Bom dự kiến cần 350 tỷ đồng, hiện đã được ứng 165 tỷ đồng; huyện Long Thành cần 321 tỷ đồng; các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu đều cần trên 200 tỷ đồng. Hiện các huyện trên đều đã được tạm ứng 150 tỷ đồng.
"Chúng tôi đảm bảo sau 4 tiếng nhận mẫu xét nghiệm dịch ASF sẽ trả kết quả. Như vậy, nếu buổi sáng nhận mẫu thì buổi chiều đơn vị trả kết quả, buổi chiều nhận mẫu thì sáng hôm sau sẽ có kết quả" - ông Nguyễn Tân Lang khẳng định.
Điều này sẽ mang lại sự thuận lợi rất lớn cho cả chính quyền và người chăn nuôi tại các địa phương của Đồng Nai trong công tác phòng, chống dịch cũng như tiêu thụ mặt hàng thịt heo.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang, Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước với tổng đàn heo, gà rất lớn. Đồng Nai lại thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức sản xuất chăn nuôi trên địa bàn.
Chính vì vậy, tình hình dịch tễ trên địa bàn hết sức phức tạp, đặc biệt dịch ASF đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Mặt khác, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi phục vụ cho thị trường trong tỉnh, thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là rất lớn, việc đảm bảo tính chính xác, kịp thời trong công tác xét nghiệm mẫu bệnh ASF và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định của Luật Thú y để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng như trong vận chuyển, tiêu thụ là hết sức cần thiết.