Người nuôi heo châu Á nếm vị đắng trong năm heo vàng
Alland San Juan, một nông dân nuôi heo ở tỉnh Bulacan, phía bắc Manila (Philippines), biết rằng thảm họa sắp xảy ra vào tháng 8 khi heo tại trại xung quanh bắt đầu chết hàng loạt, buộc họ phải vứt xác vào các ao dá da trơn ở địa phương.
Đến đầu tháng 9, tất cả 250 con heo của ông San Juans cũng đã chết vì bệnh dịch này và - với những cái ao nuôi đá đã đầy - gia đình đã thuê một chiếc máy xúc để đào một cái hố và chôn những con heo chết trong trang trại của họ.
"Chúng tôi đã khóc hết nước. Giấc mơ của chúng tôi đã tan thành mây khói", vợ ông San Juans, một sinh viên luật bán thời gian và mẹ của 6 đứa con, chia sẻ.
Theo lịch âm của người phương Đông, 2019 là năm con heo, một biểu tượng của sự giàu có ở Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác.
Tuy nhiên, năm nay sẽ được ghi nhớ là năm mà dịch tả heo châu Phi (ASF) tàn phá ngành chăn nuôi heo tại châu Á, tạo ra điều mà các chuyên gia đang gọi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với ngành chăn nuôi và thịt toàn cầu trong nhiều thập kỉ.
Kể từ khi dịch ASF bùng phát tại Trung Quốc vào giữa năm 2018, khoảng một phần tư số heo thế giới đã chết vì bệnh dịch hoặc bị tiêu huỷ để ngăn chặn sự lây lan của nó.
Trung Quốc nuôi khoảng một nửa số heo thế giới và tiêu thụ khoảng một nửa số thịt heo thế giới, theo Financial Times.
"Chúng ta đang nói về tác động chưa từng có. Chúng ta đang nói một bệnh dịch mà chúng ta chưa từng thấy ở qui mô này", ông Justin Sherrard, chiến lược gia toàn cầu về protein động vật tại Rabobank, nhận định.
Khi dịch ASF lan sang Đông Nam Á trong năm nay, nó đã kéo giá thịt heo và các loại thịt khác tăng vì người tiêu dùng châu Á chuyển sang các nguồn protein khác.
Các chuyên gia cho biết bệnh dịch sẽ biến đổi ngành chăn nuôi và thương mại thịt toàn cầu vào những năm 2020.
"Vì hiện không có vắc-xin chống lại virus ASF và có lẽ sẽ không có trong tương lai gần, chúng tôi có thể coi rằng cuộc khủng hoảng hiện tại là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với ngành chăn nuôi trong nhiều thập kỉ, Tổ chức Thú y Thế giới có trụ sở tại Paris nói với Financial Times trong một email.
Virus ASF không truyền bệnh cho con người nhưng các chuyên gia về bệnh thú y không khuyến khích ăn thịt từ những con heo bị nhiễm bệnh.
Tại Philippines, một quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn, một số người tiêu dùng đã dừng ăn thịt heo.
Tại La Loma, thành phố Quezon - được biết đến với các nhà hàng phục vụ lechon, hay heo sữa - người đứng đầu hiệp hội nhà hàng heo sữa địa phương cho biết kinh doanh đã giảm gần một nửa kể từ tháng 10, bất chấp giấy chứng nhận từ hiệp hội thú y địa phương khẳng định rằng thịt phục vụ tại các nhà hàng là an toàn để ăn.
Các chuyên gia tin rằng virus ASF đến Trung Quốc từ Nga nhưng việc nhận thức và báo cáo về căn bệnh này ban đầu thấp, khiến nó lây lan nhanh.
Đàn heo của Trung Quốc đạt 191 triệu con vào tháng 10, giảm 41% so với tháng 8/2018, khi căn bệnh này được báo cáo lần đầu tiên. Sự suy giảm thực sự có thể lớn hơn, vì nhiều thành phố đã giảm số lượng heo thiệt hại để cắt trợ cấp phải trả cho người nông dân.
Giá thịt heo ở Trung Quốc đạt kỉ lục vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, giá đã hạ nhiệt kể từ đó sau khi các quan chức đẩy mạnh nhập khẩu và xuất thịt đông lạnh từ kho dự trữ, dù vậy giá vẫn tăng hơn một nửa trong năm nay.
Lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất 7 năm ở 3,8% trong tháng 10 và tại Việt Nam, nó đã tăng gần 1 điểm % trong tháng 11 so với tháng trước, chủ yếu vì giá thịt heo và thịt chế biến tăng.
Yang Zhenhai, một giám đốc của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nói với các nhà báo vào tháng trước rằng chính phủ muốn đưa đàn heo của nước này trở lại 80% mức trước khi dịch ASF bùng phát vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định sự phục hồi sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Theo Erir Cui, một nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, cần chắc chắn tất cả trại nuôi heo thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh và không ai có thể đảm bảo điều đó.
Tại Philippines, các quan chức cho biết những trường hợp nhiễm bệnh mới đang giảm dần sau khi các biện pháp kiểm soát thú y nghiêm ngặt được đưa ra giữa các tỉnh.
Mặc dù vậy, họ đã thận trọng khi nói sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi đã được ngăn chặn.
Gia đình ông San Juan cho biết đã nghĩ đến việc chuyển sang nuôi vịt một khi họ có tài chính. Trong khi đó, họ đã chuyển đổi trang trại của mình thành một doanh nghiệp phân loại nhựa và chất thải khác.