|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thực phẩm leo thang tại châu Á dấy lên lo ngại về cú sốc giá toàn cầu

12:29 | 28/11/2019
Chia sẻ
Giá thực phẩm đang tăng nhanh chóng tại các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, dấy lên mối đe dọa tiềm tàng về lạm phát sau nhiều tháng kìm hãm.

Hai nền kinh tế đang phát triển lớn nhất của châu Á phải đối mặt với sự tăng vọt về giá sản phẩm thiết yếu, như thịt heo tại Trung Quốc và hành tại Ấn Độ.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria, vấn đề nguồn cung đang kéo chi phí tăng cao, trong khi dữ liệu từ Mỹ cho thấy giá thực phẩm toàn cầu tháng 10 tăng với tốc nhanh nhất trong hơn 2 năm.

Mặc dù sự tăng vọt này tác động mạnh tới người tiêu dùng nghèo, đà tăng vẫn chưa chạm tới mức có thể thuyết phục các ngân hàng trung ương dừng nới lỏng chính sách tiền tệ, vì họ vẫn tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới đang chậm lại.

Tỉ lệ lạm phát trung bình trên khắp các thị trường mới nổi vẫn ở mức thấp nhất mọi thời đại, theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bloomberg.

Cú sốc giá

Mặc dù vậy, mối đe dọa về một cú sốc giá là có thật. Các chuyên gia kinh tế của Nomura Holdings gần đây cảnh báo ba nguyên nhân tiềm năng dẫn tới chi phí thực phẩm cao hơn, gồm cú sốc liên quan tới thời tiết, giá dầu cao và đồng USD mất giá.

Theo Nomura, các thị trường mới nổi và cận biên có mức rủi ro cao nhất kể từ khi chi phí thực phẩm chiếm phần lớn thu nhập của người tiêu dùng.

Chìa khóa sẽ là liệu sự gia tăng này có bắt đầu "ăn" vào dự báo lạm phát dài hạn của người tiêu dùng, điều có thể kéo tiền lương và lạm phát lõi tăng, ông Sonal Varma, chuyên gia kinh tế trưởng của Nomura tại Ấn Độ và châu Á (không tính Nhật Bản).

Dưới đây là những hiện tượng nổi bật được Bloomberg tổng hợp trên các thị trường mới nổi chính:

Trung Quốc

Giá thịt heo đã tăng gấp đôi trong tháng 10 sau khi lượng lớn đàn gia súc bị tiêu hủy để chống lại dịch tả heo châu Phi. Đây là nguyên nhân khiến lạm phát tiêu dùng lên tới 3,8%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2012.

Chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức 5 - 6% vào tháng 1 năm sau, trước khi dần suy yếu.

Lạm phát ở mức có thể cản trở những nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu nội địa yếu.

Đồng thời, dịch tả heo châu Phi đang vượt qua biên giới, với Việt Nam tiêu hủy gần 6 triệu con heo để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết CPI tháng 11 của Hà Nội tăng 0,75% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cùng kì năm trước và 4% so với tháng 12/2018.

CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 3,64% so với bình quân cùng kì năm 2018.

Theo báo cáo, trong tháng này, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với mức tăng 2,34%. Trong nhóm này, giá thực phẩm tăng 3,34% do giá thịt heo tăng mạnh 17,07% so với tháng trước.

Giá thịt heo tăng cũng khiến giá một số loại thực phẩm được sử dụng thay thế thịt heo "leo thang" như thịt bò tăng 1,68%, thịt gia cầm tăng 2,06%...

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, nơi sự tăng vọt của giá hành đã dấy lên khủng hoảng xã hội trong những năm qua, giá rau tăng 26% so với năm trước đã kéo lạm phát tháng 10 vượt mức của ngân hàng trung ương là 4% lần đầu tiên trong 15 tháng.

Điều này đã cản trở dự định nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng của ngân hàng trung ương Ấn Độ.

Dữ liệu, dự kiến công bố vào ngày 29/11, có thể cho thấy tăng trưởng GDP của quốc gia châu Á đạt 4,6% trong giai đoạn tháng 7 - tháng 9, tốc độ chậm nhất kể từ đầu 2013, theo khảo sát của Bloomberg.

Thổ Nhĩ Kỳ

Lạm phát thực phẩm neo gần 30% vào quí đầu và duy trì trên 15% trong hầu hết năm nay, vì khủng hoảng tiền tệ hồi tháng 8/2018 cùng với vấn đề chuỗi cung ứng và phụ thuộc lớn vào tưới tiêu tự nhiên.

Chính phủ đã mua sản phẩm trực tiếp từ nôgn dân và bán chúng tại các thành phố.

Hạn hán gần đây tại các tỉnh sản xuất ngũ cốc đã làm gia tăng lo ngại về những hạn chế nguồn cung tiềm năng trong năm sau, với ngân hàng trung ương dự báo lạm phát lương thực ở mức 11% vào cuối 2020.

Châu Phi

Hạn hán cũng đã làm giảm sản lượng lương thực tại một số quốc gia Nam Phi. Với sự gia tăng của chi phí sản xuất ngô, tăng trưởng giá thực phẩm đã kéo lạm phát của Zambia lên cao nhất trong ba năm, và lạm phát thực phẩm hàng tháng tại Zimbabwe đạt gần 50% vì thiếu cung.

Tại Nigeria, giá gạo nhập khẩu đã tăng 7,3% kể từ tháng 8 sau khi Tổng thống Muhammadu Buhari yêu cầu đóng cửa biên giới, một phần vì tình trạng buôn lậu thực phẩm ngày càng gia tăng.


Lyly Cao