Người Nhật Bản có thể sắp phải chia tay với thời kì dùng tài khoản ngân hàng miễn phí
Nguồn: Bloomberg
Theo Bloomberg, các ngân hàng có thể sẽ bắt đầu tính phí duy trì tài khoản tiền gửi nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục giảm lãi suất từ mức âm 0,1%, theo nhà phân tích Rie Nishihara của JPMorgan Chase&Co.
Một thành viên hội đồng quản trị BoJ cũng cảnh báo vào tháng trước rằng các ngân hàng có thể sẽ phải xem xét một sự thay đổi như vậy.
Mặc dù các khoản phí này là những khoản phí thông thường tại các thị trường như Mỹ nhưng các ngân hàng Nhật Bản từ lâu đã cảm thấy có nghĩa vụ phải "gánh" thay cho khách hàng vì đã giữ tiền của họ trong tài khoản.
"Cho đến nay, điều này rất cấm kị nhưng nếu việc cắt giảm lãi suất xảy ra, tôi cho rằng ít nhất là một cuộc thảo luận về việc tính phí tài khoản tiền gửi sẽ xảy ra", ông Nishara nói.
Kể từ khi lãi suất âm được đưa ra vào năm 2016, cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản đã suy yếu khi lợi nhuận cho vay của họ giảm dần. Chuyên gia Nishihara ước tính một mức giảm lãi suất tiếp theo có thể lấy đi 500 tỉ yen (tương đương 4,6 tỉ USD) lợi nhuận các ngân hàng, mặc dù hàng năm họ có thể kiếm được 300 tỉ yen nếu tính phí 1.000 yen trên mỗi tài khoản mỗi năm.
Không chỉ riêng ở Nhật Bản, các ngân hàng khác trên thế giới cũng đang vật lộn với lãi suất âm. Một số nhà băng ở Châu Âu đã có bước đi quyết liệt khi chuyển nó sang những người gửi tiền. Vào ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất tiền gửi từ mức âm 0,4% xuống âm 0,5%.
Trong khi đó tại Nhật, cuộc gặp của các quan chức NHTW trong tuần tới đang báo hiệu có một điều gì đó sắp xảy ra.
Nếu lãi suất cho vay tiếp tục giảm, các tổ chức tài chính sẽ không còn chịu được áp lực sụt giảm về lợi nhuận và có thể bắt đầu thu phí và hoa hồng đối với tiền gửi. Điều đó sẽ làm cho lãi suất tiền gửi triệt để là âm", Hitoshi Suzuki - Thành viên của BoJ phát biểu vào tháng 8.
Ngân hàng Nhật Bản không 'mặn mà' tính phí tài khoản khách hàng
Một số ngân hàng ở Nhật Bản cũng tính phí khách hàng để giữ những tài khoản không hoạt động hoặc có số dư nhỏ nhưng trên thực tế là rất hiếm.
Trong số những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, người phát ngôn của Mizuho Financial Group cho biết công ty luôn tiến hành nhiều nghiên cứu khác nhau về dịch vụ của mình, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Sumitomo Mitsui Financial Group cũng chưa quyết định bất cứ điều gì về phí tài khoản, bao gồm cả việc họ sẽ giới thiệu chúng hay không. Đại diện của Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. lại từ chối bình luận về vấn đề này.
Trước đó vào năm 2017, ông Hiroshi Nakaso - Phó Thống đốc PBoC thời điểm đó nhận định những khoản phí như vậy có thể giúp giải quyết số lượng tài khoản cao bất thường của Nhật Bản, giảm chi phí cho các ngân hàng.
Trung bình mỗi người trưởng thành Nhật Bản có khoảng 7 tài khoản ngân hàng, lớn nhất trên thế giới, theo thống kê của International Money Fund.
Theo ông Nakaso, các ngân hàng Nhật cũng không "mặn mà" về việc áp dụng phí bảo trì tài khoản vì hai lí do chính. Thứ nhất là lịch sử cạnh tranh huy động tiền gửi xuất hiện sau Thế chiến II và thứ hai là văn hóa cung cấp tài khoản như một dịch vụ.
"Có lẽ, thói quen lịch sử ở Nhật Bản là không nên thu phí khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc người dân Nhật Bản nên thảo luận nhiều hơn về việc trả tiền cho các dịch vụ trung gian tài chính", ông nói.
Một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Fujitsu, phí thu từ tài khoản có thể trở thành nguồn thu ổn định cho các ngân hàng và có vốn để đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng số để duy trì tính cạnh tranh và tạo ra các dịch vụ mới.