|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Nga được hưởng chế độ gì?

15:16 | 23/03/2022
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng hàng trăm nghìn lao động tại Nga, do đó việc họ rời đi đã khiến một lượng lớn người dân rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời.

Hiện tại, có khoảng 200.000 người lao động Nga đang rơi vào tình trạng thất nghiệp sau khi các doanh nghiệp nước ngoài dừng hoạt động hoặc rời hoàn toàn khỏi xứ Bạch Dương.

Rất nhiều người đang băn khoăn liệu rằng lượng lớn người lao động này sẽ làm gì và còn được các doanh nghiệp trả lương hay không. Vừa qua, trang tin KP của Nga đã tìm hiểu về các vấn đề này.

Nếu những doanh nghiệp nước ngoài không quay trở lại

Tất cả doanh nghiệp nước ngoài có thẻ chia thành ba loại: Rời khỏi hoàn toàn, tạm dừng công việc và sẽ quay trở lại Nga.

Một số cái tên nổi bật chỉ tạm thời rời khỏi thị trường xứ Bạch Dương, có thể kể đến như công ty nhiên liệu Shell, BP, Equinor, ExxonMobil; hệ thống thanh toán Western Union, PayPal, American Express; chuỗi cà phê Dunkin Donuts và Starbucks; công ty công nghệ Luxoft DXC Technology và EPAM Systems; các tổ chức tín dụng Deutsche Bank và Commerzbank; Walt Disney, Sony Pictures, Universal Pictures và Warner Bros.

Số lượng và mức lương của người lao động trong những công ty này có thể bị cắt giảm, nhưng họ sẽ không bị bỏ lại nếu không nhận được các khoản bồi thường.

"Dù chúng tôi có mắng mỏ các doanh nghiệp phương Tây như thế nào đi nữa thì họ vẫn có quy tắc đạo đức của người sử dụng lao động. Điều này có nghĩa là người lao động vẫn sẽ được nhận lương trong ba tháng", Sergey Kharmov, Tổng Thanh tra Lao động của Liên hiệp Công đoàn Nga cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia luật lao động Olga Eroshenkova cho biết các doanh nghiệp được đề cập đã chứng tỏ trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, bà Eroshenkova vẫn nghi ngờ rằng những công ty này sẽ ép buộc nhân viên nghỉ việc.

Xét theo Luật Lao động Nga, người lao động phải nhận được thông báo bằng văn bản về quyết định cho thôi việc trước hai tháng. Trong hai tháng đó, người lao động vẫn nhận được lương.

Vào ngày cuối của hợp đồng, một người lao động sẽ nhận được tất cả những gì kiếm được vào thời điểm đó, cũng như một khoản trợ cấp cho tháng đầu tiên không có việc làm bằng số tiền thu nhập trung bình hàng tháng. Trong hai tháng tiếp theo, nếu người lao động không tìm được việc, họ sẽ nhận được khoản trợ cấp thứ hai.

Trang tin của Nga cũng nghiên cứu và theo dõi cách các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực khác nhau đối xử với nhân viên của họ.

Sản xuất đồ uống và thức ăn nhanh

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Nga được hưởng chế độ gì? - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng McDonald's tại Nga vẫn hoạt động. (Ảnh: Business Insider).

Có những sự khác biệt trong cách các doanh nghiệp đối xử với nhân viên. Chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonald's đã đóng cửa tại Nga từ 14/3, nhưng tất cả nhân viên đều được hướng dẫn tiếp tục đi làm, được đào tạo miễn phí và vẫn được trả lương. Đồng thời, một số cửa hàng vẫn hoạt động và sẽ không đóng cửa vì họ hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương mại.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với chuỗi thức ăn nhanh Burger King và KFC. Hầu hết cửa hàng vẫn mở cửa và nhân viên được tiếp tục đi làm.

Coca-Cola đã tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga, nhưng chỉ ngừng hoạt động trong mảng quảng cáo và khuyến mại. Việc sản xuất đồ uống được phụ trách bởi một đơn vị khác là Coca-Cola Hellenic Bottling, doanh nghiệp đang sử dụng 8.000 lao động. Tất nhiên, công ty không có thông báo về việc dừng sản xuất tại Nga.

PepsiCo sử dụng khoảng 20.000 lao động tại Nga. Các bộ phận sản xuất Pepsi, 7Up, Mirinda đã dừng lại, nhưng bộ phận sản xuất các sản phẩm từ sữa và thức ăn cho trẻ em vẫn hoạt động. Vì vậy, các công nhân sẽ không bị bỏ rơi.

Buôn bán

Hầu hết cửa hàng có xuất xứ từ phương Tây như Auchan, Spar, Metro,… vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga.

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Nga được hưởng chế độ gì? - Ảnh 2.

IKEA tạm dừng hoạt động tại Nga. (Ảnh: CNN).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác đã dừng hoạt động, chẳng hạn như gã khổng lồ trong ngành nội thất tới từ Thụy Điển IKEA. Cho đến ngày 31/5, nhân viên của công ty vẫn sẽ nhận được tiền lương. Các quyết định tiếp theo của ban lãnh đạo công ty tùy thuộc vào tình hình ở Ukraine.

Điều tương tự cũng diễn ra với các nhãn hàng thời trang - Adidas, Zara, Bershka, H&M. Các cửa hàng vẫn đóng cửa, nhưng nhân viên vẫn nhận được tiền lương.

Ngành công nghiệp ô tô

Ngành công nghiệp ô tô tương đối phức tạp so với những ngành khác. Hầu hết nhà sản xuất nước ngoài đã thông báo tạm dừng công việc ở Nga và chưa hẹn ngày quay lại. Chỉ một số ít đưa ra thông báo với nhân viên, chẳng hạn như Volkswagen đã thông báo rằng các công nhân đang làm việc trong nhà máy sẽ được nhận "trợ cấp ngắn hạn".

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Nga được hưởng chế độ gì? - Ảnh 3.

Volkswagen chưa hẹn ngày quay lại Nga. (Ảnh: DW).

Ngày 19/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký lệnh, phân bổ hơn 39 tỉ rúp để hỗ trợ thị trường lao động các khu vực, trước áp lực trừng phạt. Khoản tiền này sẽ được chia ra để đào tạo việc làm cho người lao động có nguy cơ bị sa thải, thực hiện các chương trình khu vực và hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận để thực hiện các khóa đào tạo. Ước tính có hàng trăm nghìn người có thể được hưởng lợi ích từ khoản hỗ trợ của chính phủ Nga.

Quốc Anh