|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao Apple, Facebook,... lại dễ dàng từ bỏ thị trường Nga không một chút do dự?

21:08 | 20/03/2022
Chia sẻ
Theo một ước tính, Apple, Google, Meta và Netflix sẽ mất từ 1-2% doanh thu nếu họ ngừng tất cả các dịch vụ của mình tại Nga.
Tại sao Apple, Facebook,... lại dễ dàng từ bỏ thị trường Nga không một chút do dự? - Ảnh 1.

Facebook đã loại bỏ các kênh truyền thông của Chính phủ Nga khỏi nền tảng của mình. (Ảnh: AP).

Các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đang ở vị thế dễ dàng dứt áo khỏi Nga trong làn sóng các doanh nghiệp rời bỏ thị trường này liên quan đến xung đột Ukraine. Và có một lý do để giải thích tại sao, theo Politico.

Thị trường Nga chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu hàng năm của các công ty công nghệ. Điều này trái ngược hoàn toàn với các công ty dầu khí, quốc phòng hay dịch vụ tài chính, bởi những công ty này sẽ mất đi nguồn doanh thu khủng cùng các đối tác quan trọng nếu họ từ bỏ thị trường Nga.

Theo ước tính của một nhà phân tích, Apple, Google, Meta và Netflix sẽ mất từ 1 đến 2% trong tổng doanh thu hàng tỷ đô la mỗi năm nếu họ ngừng tất cả các dịch vụ của mình tại Nga.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội hiếm có để các công ty công nghệ Mỹ xoa dịu các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới, bao gồm ở Mỹ và châu Âu, mà không cần phải làm tổn hại quá nghiêm trọng đến lợi nhuận của họ.

Google, Facebook, Apple và Amazon đều đang phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ lưỡng đảng Mỹ khi các nhà lập pháp xem xét yếu tố độc quyền và vai trò của những công ty này trong việc lan truyền các thông tin sai lệch. Động thái dứt áo với Nga sẽ giúp họ tăng thêm cảm tình trong mắt các cơ quan chức năng.

"Các công ty công nghệ sẽ giành được điểm chính trị khi họ chứng minh được lập trường coi trọng nghĩa vụ quyền con người của mình", Steven Feldstein - một thành viên tại Carnegie Endowment for International Peace, nhận xét.

"Quan điểm chống lại Nga và sự phản đối công khai là điều quan trọng với những công ty này, hơn tất cả bất kỳ khoản doanh thu nhỏ nào có thể mất đi từ thị trường Nga", ông nói thêm.

Dan Ives, một nhà phân tích ngành công nghệ của công ty đầu tư Wedbush Securities, cho biết các công ty công nghệ lớn từ lâu đã chỉ "nhón chân vào thị trường Nga". Ives đã tính toán phần trăm doanh thu mà các công ty này sẽ mất nếu họ rời Nga.

"Đối với những công ty này, Nga giống như một miếng vụn bánh trên bàn ăn, so với miếng bánh tổng thế. Các nhà đầu tư sẽ chào đón những công ty này khi họ cắt đứt hoàn toàn với Nga", Ives nói.

Nói đi cũng phải nói lại, các công ty công nghệ vẫn đang kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm ở Nga. Google có sự hiện diện lớn nhất với văn phòng đặt tại Moscow và hơn 100 nhân viên. Dịch vụ YouTube là mạng xã hội hàng đầu tại Nga, số người dùng vượt qua cả WhatsApp, Instagram hay VK.

Google chỉ nhận được ít hơn 0,5% doanh thu từ thị trường Nga trong năm 2020, khoảng 800 triệu USD. Để so sánh, họ đã kiếm được 2,4 tỷ USD tại Vương quốc Anh trong cùng năm - quốc gia có dân số bằng 1/2 Nga.

Khác với Nga, tại một số thị trường như Trung Quốc, các hãng công nghệ lại không dám cứng rắn. Đơn cử Apple không thể nào cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh, bất chấp những lời kêu gọi ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở nước này. Hay như sẽ có hậu quả nghiêm trọng khi Đài Loan xảy ra xung đột bởi hơn 90% vi mạch tiên tiến hàng đầu thế giới đến từ hòn đảo này - nơi Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Về phía Nga, ông Kazaryan thuộc Viện Nghiên cứu Internet cho biết cả Apple, Google và Facebook đều là những công ty hướng tới người tiêu dùng. Người Nga sẽ bị ảnh hưởng nếu những công ty này rời thị trường.

"Hiện tại, sự phụ phụ thuộc phần mềm nước ngoài rất lớn nên mọi thứ có thể sụp đổ nếu những công ty Mỹ rời bỏ Nga". Ông nói thêm rằng các dịch vụ này quan trọng hơn nhiều đối với nền kinh tế Nga.

Thiên Trường

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.