|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Burger King muốn đóng ngay 800 cửa hàng tại Nga nhưng bất lực vì đối tác không chịu, lại còn muốn mở thêm

08:29 | 20/03/2022
Chia sẻ
Burger King cùng nhiều chuỗi nhượng quyền khác đang phải đối mặt với một vấn đề vô cùng nan giải.
Tiến thoái lưỡng nan: Burger King muốn đóng cửa 800 cửa hàng ở Nga nhưng bất lực - Ảnh 1.

Một cửa hàng nhượng quyền của Burger King ở Nga. (Ảnh: Business Insider).

Theo Business Insider, công ty mẹ của Burger King, Restaurant Brands International (RBI) muốn đóng cửa hàng trăm cửa hàng ở Nga, nhưng không thể.

Chủ tịch David Shear nói với các nhân viên trong một bức thư hôm 17/3. "Chúng tôi có muốn đình chỉ tất cả các hoạt động của Burger King ngay lập tức ở Nga không? Đúng vậy. Chúng tôi có thể thực hiện việc đình chỉ hoạt động ngay hôm nay không? Không", ông Shear cho biết kèm một trích dẫn "quy trình pháp lý phức tạp." 

Công ty trước đó đã công bố kế hoạch ngừng hỗ trợ cho các cửa hàng của Nga sau khi xảy ra xung đột với Ukraine. Chủ sở hữu thương hiệu Burger King đã lên kế hoạch ngừng đầu tư tiền, không chi thêm cho các chiến dịch marketing cũng như hỗ trợ chuỗi cung ứng. 

Tuy nhiên, việc đóng cửa các nhà hàng thực tế không đơn giản như vậy. Giống như nhiều chuỗi thức ăn nhanh khác, Burger King không sở hữu phần lớn các nhà hàng của mình. Thay vào đó, các thỏa thuận nhượng quyền thương mại được chọn để phủ rộng địa bàn hoạt động của thương hiệu. 

Khi Burger King vào Nga cách đây 15 năm, công ty đã hợp tác với nhiều đối tác ở Nga. Hiện tại, RBI sở hữu 15% cổ phần của doanh nghiệp Nga, vì vậy họ không thể đơn phương đóng cửa tất cả các địa điểm.

Chủ tịch Shear cho biết nỗ lực thực thi hợp đồng và rút khỏi hoàn toàn sẽ yêu cầu sự hợp tác từ các nhà chức trách Nga, điều này "thực tế sẽ không sớm xảy ra". McDonald's là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn đầu tiên của Mỹ rút khỏi Nga vào ngày 8/3 và các chuỗi lớn khác cũng nhanh chóng làm theo. 

McDonald's ở vị trí thuận lợi hơn khi đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Nga vì 84% do công ty điều hành và sở hữu. Có thể hiểu rằng McDonald's không phải đối mặt với vấn đề đối tác nhượng quyền không tuân thủ. Tuy vậy, tỷ lệ sở hữu của McDonald's tại Nga lại cao một cách bất thường, so với toàn cầu khi 93% cơ sở của McDonald's thuộc sở hữu của những đối tác nhượng quyền. 

Papa John's cũng gặp phải vấn đề tương tự khi đối tác nhượng quyền không muốn đóng cửa. Christopher Wynne, một người Mỹ đến từ Colorado, sở hữu một công ty điều hành 190 địa điểm của Papa John ở Nga. Ông không có kế hoạch ngừng hoạt động tại các nhà hàng của mình, mặc dù Papa John's International đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh của Nga. 

Ông thậm chí còn lên kế hoạch mở thêm 20 đến 40 địa điểm, nếu chính phủ Nga không có bất kỳ động thái trả đũa nào đối với các thương hiệu Mỹ. 

Các thỏa thuận nhượng quyền thương mại là tiêu chuẩn trong thức ăn nhanh và có thể mang lại lợi nhuận cho các công ty đồng thời bảo vệ họ khỏi trách nhiệm pháp lý trong nhiều trường hợp. 

Song, ở tình hình hiện tại, quyền tự quyết của thương hiệu gần như không có, Burger King và Papa John's là những ví dụ nhãn tiền.

Vượng Phát