|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người dùng fintech nguy cơ mất cả tỷ USD trước những rủi ro từ nền tảng này

07:28 | 02/06/2021
Chia sẻ
Gian lận giao dịch số, rò rỉ dữ liệu hay sự biến tướng của các nền tảng cho vay và đầu tư trực tuyến là những rủi ro người sử dụng fintech đang phải đối mặt.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), những người dùng các sản phẩm fintech phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn so với các sản phẩm tài chính truyền thống, do lỗ hổng pháp lý trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại một số quốc gia.

Cụ thể, những rủi ro này thường đến từ việc các tổ chức fintech rũ bỏ trách nhiệm trong việc giải quyết các rủi ro hoặc khung pháp lý tại một số quốc gia không áp dụng cho các sản phẩm fintech. Do đó người tiêu dùng không được bảo vệ khi rủi ro xảy ra ngay cả khi các sản phẩm này có bản chất y hệt các sản phẩm tài chính truyền thống.

Lỗ hổng trong nền tảng công nghệ

Ngoài khoảng trống trong khung pháp lý, World Bank cho biết  mức độ thiệt hại của người dùng cũng tăng nếu nền tảng fintech không đáng tin cậy hoặc dễ bị tấn công bởi các mối đe dọa bên ngoài.

Theo đó, người dùng vẫn phải chịu các rủi ro từ lỗi hệ thống khi sử dụng các sản phẩm tài chính truyền thống, nhưng mức độ rủi ro này có thể trở nên đặc biệt cao đối với fintech.

Một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) chỉ ra rằng: “Nền tảng fintech dễ bị tấn công hơn các ngân hàng, điển hình là rủi ro trong không gian mạng (cyber-risks). 

Người dùng fintech nguy cơ mất cả tỷ USD trước những rủi ro từ nền tảng này - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Một yếu tố có thể làm ra tăng rủi ro trên đó là việc nền tảng fintech phụ thuộc quá nhiều vào các bên thứ ba. Điều này làm giảm thiểu độ tin cậy và gây ra tác động tiêu cực đến người tiêu dùng,  có thể kể đến như dịch vụ được cung cấp yếu kém và bất tiện, thậm chí gây tổn thất tiền do những gian lận từ bên thứ ba hoặc cơ sở dữ liệu bị đánh cắp.

Báo cáo cũng đưa ra các ví dụ cụ thể như lỗi trong giao dịch tiền điện tử (e-money), các khoản thanh toán đến hạn đối với các loại hình cho vay ngang hàng (P2PL) không được xử lý kịp thời. Cụ thể, các lỗi nền tảng P2PL xuất hiện trên diện rộng ở Trung Quốc đã khiến gần 900.000 người, kể cả cá nhân lẫn các nhà đầu tư mất số tiền tương đương 7,6 tỷ USD.

Gần đây nhất là vụ lừa đảo quy mô lớn ở Uganda, các tin tặc đã ngang nhiên đột nhập vào hệ thống của Pegasus Technologies, nơi xử lý các giao dịch toàn bộ tiền di động cho các tổ chức như MTN Uganda, Airtel Money và Stanbic.

Rủi ro đến từ phía nhà cung cấp dịch vụ

Theo World Bank, người dùng hoàn toàn có nguy cơ mất tiền nếu các tổ chức fintech mất khả năng thanh toán hoặc dừng hoạt động, đặc biệt là với các tổ chức mới tham gia vào nền tảng này.

Theo đó nếu một nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử bị “vỡ nợ”, người tiêu dùng sẽ khó có thể lấy lại khoản đầu tư, do tiền điện tử không được coi là tiền gửi nên không được bảo vệ theo luật ngân hàng hay nhận bảo hiểm tiền gửi.

Để giảm thiểu rủi ro này, ở Tanzania, các ngân hàng yêu cầu tổ chức phát hành tiền điện tử phải mở một “tài khoản đặc biệt” để duy trì các khoản tiền được gửi bởi các khách hàng sử dụng dịch vụ tiền điện tử.

Để bảo vệ các khoản tiền gửi của khách hàng sử dụng tiền điện tử trong ngân hàng, một số quốc gia khác yêu cầu các khoản tiền này phải được giữ ở nhiều ngân hàng theo một ngưỡng quy định. 

Ví dụ, ở Kenya, nếu số tiền điện tử vượt quá 100 triệu KSh, thì tổ chức liên quan phải gửi tối đa 25% vào tối thiểu là hai ngân hàng được xếp hạng mạnh.

Bất cân xứng thông tin 

World Bank nhận định người tiêu dùng đang phải đối mặt với những thông tin không đầy đủ hoặc không rõ ràng về giá cả khi mua các sản phẩm fintech

Một cuộc khảo sát năm 2015 ở 15 quốc gia đang phát triển cho thấy sự hạn chế thông tin về chi phí là mối quan tâm lớn nhất của các cơ quan quản lý tín dụng vi mô.

Theo đó, thông tin về giá cả cho các sản phẩm công nghệ tài chính thường không đầy đủ và không minh bạch. Do vậy, người tiêu dùng khó tiếp cận được đầy đủ thông tin về chi phí của một sản phẩm để đưa ra so sánh giữa các nhà cung cấp.

Ngoài ra, các loại phí và lệ phí liên quan cũng không được thông báo rõ ràng, ví dụ như lệ phí liên quan đến các dịch vụ được cung cấp bởi nền tảng P2PL hay phí giao dịch tiền điện tử.

Người dùng fintech nguy cơ mất cả tỷ USD trước những rủi ro từ nền tảng này - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Topbank.

Bên cạnh đó, các thông tin cần thiết để người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn tốt nhất (bao gồm tính năng sản phẩm, giao dịch có sẵn, điểm dịch vụ hay giới hạn giao dịch) cũng không được cung cấp đầy đủ, từ đó khiến người dùng lựa chọn những sản phẩm không phù hợp.

Chính quyền Anh bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này khi khách hàng thường xuyên bị lừa dối bởi những tuyên bố không rõ ràng về chi phí và bỏ lỡ các dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của họ.

Để hạn chế rủi ro, ở Dubai, chính phủ yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính phải đảm bảo rằng một khách hàng không đầu tư nhiều hơn 50.000 USD trong 1 năm khi sử dụng nền tảng của tổ chức này.

Việc thực hiện giới hạn tiền tệ trên nền tảng P2PL cũng được phổ biến rộng rãi trong Liên minh Châu Âu. Cụ thể, ở Pháp, giới hạn cho giữa người cho vay và nhà đầu tư cá nhân là 2.000 EUR nếu trả lãi hoặc 5.000 EUR nếu áp dụng miễn lãi. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha đã quy định giới hạn cho mỗi khoản vay và tổng số tiền cơ sở hàng năm tương ứng là 3.000 EUR và 10.000 EUR.

Việt Nam hiện tại chưa có quy định nào được đưa ra đối với hoạt động của loại hình fintech, đặc biệt là hình thức cho vay ngang hàng, do đó những rủi ro phát sinh như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin chưa được kiểm soát đầy đủ.  

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các công ty fintech đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016, với khoảng 100 công ty P2P lending. Hiện nay, NHNN đang trong quá trình hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Phương Nga