Bản đồ fintech Việt Nam 2021: Mảng thanh toán, chuyển tiền chiếm ưu thế về số lượng
Sau Singapore và Indonesia, Việt Nam được xem là "chiến trường" công nghệ tài chính (fintech) tiếp theo ở Đông Nam Á. Theo tính toán của TechInAsia, với khoảng 70% dân số chưa tiếp cận được hoặc đang tiếp cận một cách hạn chế dịch vụ ngân hàng, cơ hội tại Việt Nam vẫn rộng mở cho những công ty có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, trong số các công ty fintech đang hoạt động tại Việt Nam được thống kê, mảng thanh toán, chuyển tiền vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất.
Các công ty fintech như MoMo và VNPay là nhóm startup nhận được nhiều thương vụ đầu tư "khủng" nhất Việt Nam trong năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên đầu tư vào startup Việt Nam (741 triệu USD) vượt qua con số đầu tư cho Singapore (693 triệu USD), theo báo cáo của Cento Ventures. Dù vậy, cục diện lại đang giảm tốc trong năm 2020 khi tỷ trọng nhận vốn của startup Việt chỉ chiếm 4% tổng lượng vốn đầu tư vào Đông Nam Á.
Dù câu chuyện đang thay đổi, các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan vào triển vọng ngành fintech tại Việt Nam. Các công ty thanh toán số cần tìm ra cách để đa dạng hoá dịch vụ cung cấp tới khách hàng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ có thể lặp lại được thành công tương tự như của Alipay và WeChat Pay tại Việt Nam?
Thực tế, đây là thách thức mà rất nhiều công ty fintech cũng đang gặp phải ở Đông Nam Á. Việc tồn tại dựa trên một mô hình kinh doanh "ví điện tử thuần nhất" ngày càng trở thành một điều không thể, theo chia sẻ của ông Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia.
Điều này có phần đúng tại thị trường Việt Nam, nơi có tới khoảng 40 nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử đang cạnh tranh. Để thúc đẩy người dùng, các ví điện tử đang "đốt tiền" cho hoạt động chiết khấu song đây không phải một hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ví điện tử ở Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhóm người dùng chưa phải khách hàng của ngân hàng do ví cần được liên kết tới một tài khoản ngân hàng.
Ngân hàng thương mại và các nhà mạng cũng đang chuyển dịch nhanh để cạnh tranh trong cuộc đua chuyển đổi số. Thực tế, chỉ có 3 ví từ các công ty công nghệ nằm trong top 10 ứng dụng thanh toán được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam trong năm 2020, theo dữ liệu của TechinAsia.
Hiện tại, nhiều "ánh mắt" đang đổ vào phân khúc dịch vụ màu mỡ tiếp theo: cho vay trên nền tảng số. Dù vậy, quy định hiện hành ở Việt Nam chưa cho phép các tổ chức phi ngân hàng được trực tiếp cho vay. Vì vậy, các công ty fintech sẽ phải tìm đến các đối tác để có thể triển khai được dịch vụ này.