Người Đức đang ngày càng quay lưng với ô tô điện
Kết quả khảo sát mới đây do ZDK tiến hành với 348 đại lí xe tại Đức cho thấy kể từ đầu năm 2024 lượng khách hàng tư nhân đặt mua ô tô điện đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2023. Đơn đặt hàng plug-in hybrid (xe sử dụng song song động cơ điện và động cơ đốt trong - PHEV) cũng đã giảm 37%. Ngược lại, nhu cầu về ô tô chạy bằng dầu diesel và xăng đã tăng 24%.
ZDK không kì vọng tình hình trên sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Theo Hiệp hội này, nguyên nhân chính khiến nhu cầu về ô tô điện sụt giảm là vấn đề giá thành cao so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Xu thế này cũng thể hiện rõ ở phân khúc xe công ty, nơi yếu tố cảm xúc đóng vai trò thứ yếu trong việc mua hàng. Chẳng hạn, 27% số đại lí được khảo sát cho biết đối tượng khách hàng doanh nghiệp bị cản trở do giá mua cao hoặc thuế cao, trong khi 23% đại lí cho rằng giá bán lại không chắc chắn của ô tô điện là một trở ngại khác.
Kết quả khảo sát càng được củng cố bằng dữ liệu đăng kí từ Cơ quan Vận tải Ô tô Liên bang Đức, khi từ đầu năm đến nay số ô tô điện đăng kí mới đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Chẳng hạn trong tháng 6, tỉ lệ ô tô điện đăng kí mới tại Đức chỉ bằng mức của năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với năm 2023.
Trước tình trạng này, các đại lí nhìn chung đều nhận định triển vọng kinh doanh xe ô tô điện trong tại Đức các tháng còn lại của năm 2024 là khá ảm đạm. 91% số đại lí đánh giá tình hình đơn đặt hàng ô tô điện thuần túy của khách hàng tư nhân trong cả năm 2024 là "tệ" hoặc "rất tệ". 79% tỏ ra bi quan với xe plug-in hybrid. Trong khi đó, đối với xe sử dụng động cơ đốt trong, chỉ có 23% dự đoán tình hình đơn hàng sẽ tồi tệ hơn trong năm nay.
Mặc dù vậy, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Công nghệ và Quản lí Sopra Steria, Frederic Munch, cho rằng số liệu thống kê không đẹp như vậy không đồng nghĩa ngành công nghiệp ô tô của Đức đang hoạt động kém hiệu quả. Theo ông Munch, tình hình khó khăn đối với ngành công nghiệp ô tô là điều ai cũng thấy rõ, tuy nhiên các nhà sản xuất đã cố gắng tăng trưởng trung bình 10% và hầu hết các nhà cung cấp đều đạt được doanh số bán hàng tốt.
Vị chuyên gia này nhìn nhận phương tiện di chuyển điện tử theo hướng tích cực hơn nhiều khi cho rằng thị trường ô tô điện không phát triển nhanh như mong đợi, động cơ đốt trong vẫn quan trọng lâu hơn dự kiến và điều này sẽ tốt cho các nhà sản xuất Đức vì họ sẽ có thêm thời gian để phát triển hơn nữa các sản phẩm của mình.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc điều hành BMW, Oliver Zipse, các đối tác ngoài châu Âu của BMW hiện không tin tưởng vào cách tiếp cận của Ủy ban châu Âu (EC) khi đặt vấn đề vì sao Liên minh châu Âu (EU) lại cấm công nghệ mà châu Âu có lợi thế cạnh tranh lớn nhất là động cơ đốt trong và liệu nhờ nhiên liệu có lượng khí thải CO2 thấp, EU vẫn có nhiều tiềm năng như hiện nay không?
Người đứng đầu BMW nhấn mạnh rằng đồng thời, cách tiếp cận của EC đối với xe điện lại tập trung vào chính công nghệ đang khiến châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thô.
Ông Zipse cũng khuyến cáo EC không nên đưa ra giải pháp sai lầm là cấm hoàn toàn động cơ đốt trong vào năm 2035, chỉ cho phép sử dụng nhiên liệu điện tử để rồi sau đó EC sẽ né tránh trách nhiệm của mình và không hành động gì để đẩy nhanh việc sử dụng nhiên liệu ít carbon. Theo ông, đây là lệnh cấm "có chủ đích" đối với động cơ đốt trong.
Tổng Giám đốc điều hành BMW khuyến nghị nếu muốn bảo vệ khí hậu một cách hiệu quả hiện nay, cần đẩy mạnh sử dụng các loại nhiên liệu phát thải thấp như eFuels, E25 hay HVO100 càng nhanh và càng trên quy mô lớn càng tốt. Theo ông, điều này sẽ ngay lập tức cải thiện lượng khí thải carbon của đội xe khoảng 250 triệu chiếc hiện nay ở EU.