|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngược chiều thị trường thế giới, giá cà phê Việt Nam có thể đạt 45.000 đồng/kg?

13:52 | 22/07/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình cơ hội cho giá cà phê nội địa lên 45 triệu đồng/tấn (tương đương 45.000 đồng/kg) là có thể xảy nhưng không phải do giá trên sàn London tăng mà nhờ VND trượt giá so với USD.

Giá cà phê Việt Nam trái chiều so với thế giới trong 7 tháng đầu năm 

Đầu tháng 7, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay, do lo ngại rủi ro tăng cao khi Ngân hàng Trung ương các nước đồng loạt nâng cao lãi suất cơ bản tiền tệ để ngăn chặn lạm phát.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 6 cho thấy nước này sẽ bước vào giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể tác động làm cản trở sự hồi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ngày 21/7, hợp đồng cà phê robusta giao trong tháng 7 giao dịch quanh mức thấp nhất trong năm 1.970 USD/tấn . So với hồi đầu năm, giá cà phê robusta giảm 14%. 

 Diễn biến giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 trong một năm qua  (Nguồn: Theice.com)

Trong khi đó, giá cà phê arabica đang có xu hướng phục hồi sau khi chạm đáy 10 tháng hôm 15/7. Hiện hợp đồng giá cà phê arabica giao trong tháng 9 giao dịch ở mức 218,15 US Cent/pound. Tuy nhiên, so với hồi đầu năm, mức giá thấp hơn khoảng 14,5%. 

  Diễn biến giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 trong một năm qua (Nguồn: Theice.com) 

Còn ở thị trường nội địa, tính đến ngày 22/7, giá cà phê nội địa giảm nhẹ khoảng 300 đồng/kg so với ngày 30/6 xuống 42.300 - 42.800 đồng/kg tuỳ khu vực. 

Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm, giá cà phê nội địa vẫn có diễn biến tích cực hơn so với thị trường thế giới khi tăng khoảng 7%.

 Diễn biến giá cà phê Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. (H.Mĩ tổng hợp)

Hiện tượng giá cà phê nội địa đi ngược so với xu hướng thế giới thể hiện rõ hơn trong tháng 6. Trong khi giá cà phê thế giới giảm khoảng 2 - 3% thì giá cà phê nội địa tăng mạnh 900 - 1.000 đồng/kg.

Theo chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá cà phê nội địa sẽ không theo giá phái sinh do các nhà kinh doanh tính lợi nhuận trên đồng ngoại tệ (USD) được giá khi thu về.  

Theo Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD tăng tới 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao.

Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng đầu năm ở mức khoảng 2.257 USD/tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Diễn biến giá xuất khẩu bình quân cà phê qua các tháng giai đoạn 2020 – 2022 (Đơn vị: USD/tấn, nguồn: Cục Xuất nhập khẩu) 

Đồng USD vẫn duy trì ở mức cao khi tăng khoảng 1,8% và so với cuối 2021, điều này gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. So với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. 

Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh kèm theo đồng USD tăng giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi.

“Giá cà phê nội địa thời gian qua lại không theo giá sàn phái sinh, giao dịch có khi trên 44 triệu đồng/tấn. Muốn bán giá cao hơn, người kinh doanh cần phải theo dõi tỷ giá USD với VND. VND càng rẻ so với USD, giá cà phê nội địa càng tăng. Hiện tượng tăng này cũng không phải vì do nhu cầu tiêu thụ mà do yếu tố tiền tệ”, ông Bình nhận định.

Thực tế, trong tháng 6, hoạt động xuất khẩu cả phê của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi sau nhiều tháng tăng trưởng mạnh khi đạt 137,4 nghìn tấn, trị giá 315,34 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng 5.

Cà phê Việt Nam có thể đạt 45 triệu đồng/tấn?

Trước diễn biến giá cà phê hiện tại, một số đặt ra câu hỏi liệu giá cà phê Việt Nam có tiếp tục ngược hướng cà phê thế giới và duy trì đà tăng trong 6 tháng cuối năm hay không?

Theo một số chuyên gia việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất là con dao hai lưỡi. Một mặt giúp các doanh nghiệp hưởng lợi khi quy đổi ngoại tệ, đặc biệt là USD về VND. Nhưng mặt khác, nhu cầu tiêu thụ tại các nước có thể sẽ giảm đi.

Ông Bình cho rằng cần phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Theo vị này, cơ hội cho giá cà phê nội địa lên 45 triệu đồng/tấn (tương đương 45.000 đồng/kg) là có thể xảy nhưng không phải do giá trên sàn London tăng mà nhờ VND trượt giá so với USD.

Còn ở thị trường thế giới, triển vọng giá khá bất định khi mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil.

Như vậy, thế giới có thể dư cung khoảng 8 triệu bao. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục suy giảm vì nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá sẽ chậm lại khi Quỹ Phòng vệ Kinh tế Cà phê của Brazil đã điều tiết nguồn vốn tín dụng để mua cà phê dự trữ và hỗ trợ cho người trồng hạn chế bán ra thị trường.

“Cả thị trường muốn giá lên chỉ biết trông chờ sương giá về các vùng cà phê hay hạn hán ảnh hưởng xấu đến sản lượng cà phê Brazil cho mùa tới. Nhưng sản lượng cà phê robusta thu hái năm 2023 hình như đã được định hình: mưa thuận lợi tại vùng cà phê trọng điểm Espirito Santo với lượng mưa 100mm trong vài ngày trở lại đây”, ông Bình nhận định.

H.Mĩ