'Ngôi sao' giao đồ ăn của Thái rời cuộc chơi
Robinhood - ứng dụng giao đồ ăn từng gây tiếng vang trong thời kỳ giãn cách xã hội ở Thái Lan, vừa tuyên bố đóng cửa từ 31/7 tới, sau khi lỗ luỹ kế hơn 5 tỷ baht (140 triệu USD). Đây là "nạn nhân" mới nhất trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường giao đồ ăn Thái Lan, nơi các người chơi khác cũng đã lỗ hàng tỷ baht, theo Nikkei Asia.
Robinhood ra đời năm 2020 và nhanh chóng nổi tiếng nhờ thương vụ đầu tư từ Ngân hàng Thương mại Siam. Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, từ 2020 tới 2023, Robinhood lần lượt báo lỗ là 87 triệu baht (2020), 1,3 tỷ baht (2021), 1,9 tỷ baht (2022) và 2,1 tỷ baht (2023).
Một chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn nhận định: "Trường hợp của Robinhood cho thấy khó khăn trong việc tạo lợi nhuận, dù dịch vụ giao đồ ăn ngày càng phổ biến và tăng trưởng hàng năm".
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng giao đồ ăn. Tổng giá trị thị trường Thái Lan tăng từ 50 tỷ baht năm 2020 lên 87 tỷ baht năm 2023. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn dự báo thị trường sẽ giảm khoảng 1% xuống còn 86 tỷ baht trong năm nay.
Với dự báo thị trường sẽ co hẹp lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ rút lui khi người dùng quay lại thói quen ăn uống bên ngoài sau khi nỗi lo về COVID-19 đã lắng xuống.
Hiện nay, các dịch vụ giao đồ ăn vẫn phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp do cạnh tranh gay gắt. Nhu cầu giảm khiến việc tạo lợi nhuận càng khó khăn hơn. Trong số các đối thủ còn lại, Grab Food chiếm 47% thị phần và LINEMAN chiếm 36%. Cả hai đều hoạt động không chỉ ở Bangkok mà còn ở các điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Mai và Phuket.
Grab và LINEMAN cũng đối mặt với khoản lỗ lũy kế lớn, nhưng thị phần cao giúp họ tạo ra nhiều doanh thu hơn. Grab lỗ 284 triệu baht năm 2020, tăng lên 325 triệu baht năm 2021, nhưng đã có lãi 576 triệu baht năm 2022 và 1,3 tỷ baht năm 2023. Năm ngoái, LINEMAN báo giảm lỗ xuống còn 253 triệu USD. Trước đó, công ty này lần lượt lỗ 1,1 tỷ baht (2020), 2,4 tỷ baht (2021), 2,7 tỷ baht (2022).
Trong bối cảnh chiến tranh giá và nhu cầu giảm, mỗi doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược, đổi mới và áp dụng công nghệ mới để mở rộng khách hàng đồng thời cắt giảm chi phí.
Grab hướng đến phân khúc cao cấp, phục vụ khách hàng có khả năng chi trả cao. Công ty ra mắt thương hiệu con Exclusivity với thực đơn cao cấp chỉ có trên Grab.
Ngược lại, LINEMAN áp dụng chiến lược giảm giá nhằm giữ thị phần ở phân khúc đại chúng, đồng thời đa dạng hóa dịch vụ để phục vụ du khách nước ngoài. Đầu năm nay, công ty đã tích hợp LINEMAN Mini App vào WeChat của Trung Quốc, nhắm đến khách du lịch Trung Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm, Thái Lan đón 14,8 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 2,9 triệu khách Trung Quốc. Dự kiến con số này sẽ tăng mạnh, có thể đạt mức kỷ lục 11 triệu lượt như năm 2019, trước đại dịch.
Theo Grab và LINEMAN, hơn 20 triệu người vẫn còn giữ ứng dụng giao đồ ăn trên điện thoại, nhưng chỉ một phần nhỏ còn sử dụng thường xuyên sau khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ và thói quen tiêu dùng trở lại bình thường. Một chuyên gia từ Asia Plus Securities nhận xét: "Mọi người đã quay lại văn phòng và ăn uống tại các khu ẩm thực, nhà hàng và quán ăn đường phố. Họ không còn sử dụng ứng dụng giao đồ ăn nhiều, khiến nhu cầu giảm mạnh".
Dự kiến sẽ có thêm nhiều đối thủ phải rút lui, chỉ còn lại một số ít doanh nghiệp lớn tiếp tục cuộc chiến giá cả.
Xét trên phạm vi toàn cầu, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á vẫn có vai trò quan trọng. Tổng giá trị thị trường của các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực dự kiến đạt 17,1 tỷ USD năm 2023, tăng 5% so với năm trước. Indonesia dẫn đầu với giá trị thị trường 4,6 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan với 3,7 tỷ USD, theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore.