Nghề môi giới giúp người hâm mộ gặp được thần tượng
Tối 5/9, trả lời tờ Tuổi trẻ, Jack - J97 (tên thật là Trịnh Trần Phương Tuấn) cho biết anh đã phải chi một khoản tiền không nhỏ cho môi giới để có thể gặp được thần tượng Lionel Messi, không phải đi ké như thông tin xuất hiện trên mạng xã hội.
Phản hồi trước thông tin trên Tuổi trẻ, ông Phạm Ngọc Quốc Cường - người được cho là đã môi giới cho Jack gặp Messi thừa nhận đây không phải là cuộc gặp "0 đồng". "Đối với tôi, chi phí đó mà để gặp được Messi thì rất nhỏ, bởi nó chưa đến một phần mười của con số 60 tỷ đồng", ông Cường nói.
Nhu cầu gặp thần tượng của người hâm mộ là rất lớn. Có thể nhìn thấy từ hiện tượng "sốt vé" trong dịp ban nhạc Blackpink đến biểu diễn tại Hà Nội trong tháng 7 vừa qua. Dù giá vé cao hơn nhiều so với các thị trường khác, song hàng chục nghìn người vẫn chấp nhận trả giá để được gặp thần tượng ngoài đời.
Nhiều người sẵn sàng rút hầu bao để có những cuộc gặp gỡ riêng tư với thần tượng. Dĩ nhiên, có cung ắt có cầu. Luôn có những dịch vụ có thể đáp ứng cho nhu cầu của người hâm mộ.
Bỏ ra một khoản tiền để có thể mua được thời gian của người nổi tiếng là một dịch vụ không hề mới trong ngành giải trí. Trong ngách nhỏ này, có nhiều công ty đang hoạt động và đã giúp đỡ rất nhiều khách hàng rủng rỉnh, bạo chi được thỏa mãn khao khát ăn tối cùng thần tượng.
Năm 2015, tờ Bloomberg từng có bài viết về ngành kinh doanh béo bở từ việc cung cấp dịch vụ tổ chức gặp gỡ người nổi tiếng.
Bài báo lấy dẫn chứng với công ty XM Concierge dưới sự điều hành của Simon David cùng đội ngũ, đã đưa ra các gói dịch vụ với giá từ 20.000 đến 150.000 USD giúp khách hàng có được những cuộc gặp gỡ với những ngôi sao nhạc pop đình đám nhất như Drake, Ed Sheeran hoặc Mariah Carey.
Bloomberg đánh giá hoạt động tổ chức gặp gỡ thần tượng là một ngành đang phát triển và có khả năng sinh lợi. Dĩ nhiên, việc tạo ra một trải nghiệm như vậy là không dễ, quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, không chỉ để sắp xếp cuộc hẹn và điều phối lịch trình mà còn là hướng dẫn cách giao tiếp với ngôi sao.
Theo CEO David lúc bấy giờ, những cuộc gặp gỡ được trả phí này đã trở thành công việc của người nổi tiếng. "Những việc như thế này gần như không còn là thứ xa xỉ nữa, chúng là nhu cầu của một số người nhất định. Những khách hàng giàu có, rủng rỉnh hầu bao và muốn trải nghiệm những điều không dễ đạt được.” - David nói với Bloomberg.
Nữ ca sĩ Lady Gaga từng tạo ra một lịch trình dành riêng cho người hâm mộ ở châu Âu khi họ có thể trả 900 bảng Anh (khoảng 1.350 USD)/người để có thể cùng trò chuyện với nữ danh ca. “Cô ấy nói suốt 40 phút, hơi giống một giáo viên tiểu học,” một người tham dự tiết lộ.
“Sau đó, cô ấy gặp gỡ, chào hỏi cá nhân, trò chuyện và chụp một bức ảnh gửi qua email cho bạn trong vòng 48 giờ", người này nói thêm. Ước tính, nếu trừ đi thuế và các chi phí khác, nữ ca sĩ nhận được khoảng 80% phí, kiếm được khoảng 50.000 bảng Anh từ hoạt động này.
Ngoài XM Concierge, BidKind cũng là một đơn vị cung cấp dịch vụ gặp gỡ riêng tư của một người nổi tiếng nhưng độc đáo hơn. Họ tổ chức đấu giá các cuộc gặp và số tiền thu được sẽ chuyển tới các tổ chức từ thiện đã được chỉ định. Dĩ nhiên, BidKind duy trì hoạt động kinh doanh bằng việc thu 20% phí từ các cuộc gặp gỡ.
Ngoài hoạt động từ thiện, có một số lý do khiến những người nổi tiếng sẵn lòng hợp tác với các dịch vụ do các công ty như XM Concierge cung cấp. Theo đó, các đơn vị này cung cấp cho ngôi sao một nguồn thu nhập bổ sung và thường lớn hơn so với hợp đồng chính của họ.
Ngoài ra, những cuộc gặp gỡ riêng tư này cũng có thể cải thiện đáng kể vị thế xã hội của người nổi tiếng, giúp họ tăng lượng người theo dõi trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, Vine và Twitter.
Chương trình khuyến mãi riêng tư – Gói VIP dành cho các buổi hòa nhạc bao gồm các buổi gặp gỡ và chào hỏi riêng tư có bán vé với các ngôi sao trước hoặc sau buổi biểu diễn đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Chỉ cần gặp gỡ và trò chuyện nhưng vẫn thu về những khoản tiền lớn sẽ hấp dẫn ngay cả những ngôi sao giàu có nhất. Đã có thời, hoạt động chào đón người hâm mộ sau buổi ra mắt phim hoặc buổi hòa nhạc đã từng chỉ là một công cụ quảng cáo thuần túy. Nhưng, khi sự nghiệp của những người nổi tiếng rơi vào nốt trầm thì đây được xem là một phương tiện tiếp thị để thúc đẩy các nguồn doanh thu phụ trợ.
Thực tế, nhiều câu lạc bộ bóng đá cũng thường tung ra các gói dịch vụ dành cho nhóm hâm mộ giàu có với nhiều ưu đãi đặc biệt, trong đó có việc gặp mặt các cầu thủ của đội.
Đơn cử, CLB bóng đá Chelsea đang chơi tại giải Ngoại hạng Anh, có gói Diamond Club với các ưu đãi đi kèm dành cho fan hâm mộ sử dụng gói này như dùng bữa tối 4 món (soup, khai vị, món chính và tráng miệng), thưởng thức rượu Champagne, tham quan phòng truyền thống và sân vận động, có vị trí ngồi xem trận đấu riêng biệt.
Gói này giúp người hâm mộ có thể gặp mặt với một cầu thủ trong đội hình chính. Gói dịch vụ có giá từ 840 bảng Anh (hơn 25 triệu đồng), các yêu cầu riêng khác sẽ có phí cộng thêm. Ngoài ra, tùy vào tính chất của trận đấu mà giá có thể thay đổi.
Với một đội bóng khác là CLB Arsenal, gói Hero Experience sẽ cung cấp cho người hâm mộ trải nghiệm được gặp cầu thủ, ký tặng. Tất cả hành khách tham dự sẽ được chụp ảnh cùng thành viên của đội 1 và ban huấn luyện. Gói dịch vụ này của Arsenal dành cho nhóm 4 người và có giá từ 8.940 bảng Anh (hơn 270 triệu đồng).