|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Trung Quốc di cư trước chiến tranh thương mại, vào Việt Nam sẽ không dễ

07:00 | 18/07/2018
Chia sẻ
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá và chất lượng thép Trung Quốc và Việt Nam gần như tương đương nhau, hoàn toàn đảm bảo việc cạnh tranh. Tỷ trọng thép Trung Quốc trong tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam dự đoán giảm xuống còn 38% trong năm nay.
nganh thep trung quoc di cu truoc chien tranh thuong mai vao viet nam se khong de Phó chủ tịch Hiệp hội thép: Không nên quá lo ngại khả năng Mỹ điều tra lẩn tránh thuế đối với thép
nganh thep trung quoc di cu truoc chien tranh thuong mai vao viet nam se khong de Phó chủ tịch Hiệp hội thép: Quyết định áp thuế thép 250% của Mỹ có thể bị vô hiệu hóa trong năm nay

Trước những lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến thép Trung Quốc ồ ạt đổ về Việt Nam, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về vấn đề này.

nganh thep trung quoc di cu truoc chien tranh thuong mai vao viet nam se khong de
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA. Ảnh: Đức Quỳnh

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày một phức tạp, ông đánh giá thế nào về khả năng Trung Quốc sẽ di dời phần nào năng lực sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để “tránh bão”?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Trung Quốc đang tìm địa điểm để đầu tư khi năng lực sản xuất trong nước đã dư thừa, cung vượt quá cầu. Điều này làm ảnh hưởng đến thị trường thép thế giới, vì vậy nhiều nước đã yêu cầu Trung Quốc ngưng xây dựng thêm nhà máy mới và cắt bớt công suất sản xuất.

Thực tế năm ngoái, nước này đã đóng cửa hàng loạt lò cảm ứng và một số nhà máy thép quy mô nhỏ, chất lượng thấp, lạc hậu, không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Trước bối cảnh này, các nhà máy Trung Quốc cảm thấy việc đầu tư trong nước không còn thuận lợi để phát triển mà tìm đến xây dựng nhà máy tại các nước như Indonesia, Malaysia. Việt Nam cũng là một trong những điểm dừng chân đang được nhà đầu tư Trung Quốc để ý do ngành thép nước ta đang phát triển mạnh.

Tuy nhiên hiện nay, năng lực sản xuất các sản phẩm của Việt Nam như thép xây dựng, tôn phủ màu, tôn mạ đã đủ thậm chí vượt so với nhu cầu trong nước. Như vậy, nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài đối với các dự án thép Việt Nam là không nhiều.

Vậy đối với ý định đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam của công ty thép Yongjin Metal của Trung Quốc thì sao, thưa ông?

Đây cũng có thể coi là một dạng chuyển năng lực sản xuất sang Việt Nam do ý định của của Công ty Yongjin Metal là đầu tư xây dựng nhà máy thép không gỉ trong khi sản lượng sản phẩm thép này của Trung Quốc chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu. Vì vậy, Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư sản xuất ở các nước khác.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam nằm trong đối tượng bị nghi ngờ là nơi trung chuyển thép Trung Quốc sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Điển hình, hôm 21/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn trọng trước ý định đầu tư của Yongjin Metal để tránh bị nước khác lấy cớ để đánh thuế lẩn tránh.

Việt Nam cần cẩn trọng

Ông nhận định thế nào về việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, hàng hóa từ Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng sắt thép sẽ “chảy” nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam?

Việc Trung Quốc xuất khẩu nhiều thép sang Việt Nam không còn là câu chuyện xa lạ. Những năm trước, năng lực sản xuất thép chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, việc nhập khẩu từ Trung Quốc được xem là yếu tố tích cực cho ngành sản xuất, xây dựng trong nước.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây khi sản lượng thép đã đáp ứng được nhu cầu trong nước, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy thép sang Việt Nam bằng mọi biện pháp từ hạ giá đến các chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Tại thời điểm đó, giá thép Trung Quốc chỉ bằng 20-30% thép Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã sử dụng rất tốt các biện pháp phòng vệ để bảo vệ ngành thép trong nước. Mặc dù mức thuế chống bán phá giá của chúng ta không cao như các nước, chỉ từ 10-30% nhưng cũng đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp thép Việt Nam do hiện nay giá và chất lượng thép Trung Quốc và Việt Nam gần như tương đương nhau, hoàn toàn đảm bảo việc cạnh tranh.

Nhập khẩu thép từ các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng giảm dần qua từng năm và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tỷ trọng thép Trung Quốc trong tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm dần từ mức 60% năm 2016 giảm xuống 40% năm 2017 và dự đoán giảm xuống còn 38% trong năm nay.

Việc nhiều công ty xây dựng Trung Quốc trúng thầu các dự án lớn của Việt Nam có coi là bàn đạp cho tiêu thụ thép nước này hay không và doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì, thưa ông?

Điều này phụ thuộc nguồn vốn dự án. Nếu nguồn vốn dự án là từ Trung Quốc, các nhà thầu sẽ có xu hướng sử dụng vật liệu từ nước họ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chúng ta nhiều lần kiến nghị các nhà thầu đồng thời sử dụng cả vật liệu từ Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư dây truyền công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để tăng tính cạnh tranh thép trong nước song song với việc tìm hiểu kỹ các luật lệ quốc tế để có ứng xử phù hợp nhất.

Xem thêm

Đức Quỳnh