Lý do thực sự phía sau việc Nvidia muốn xây trung tâm R&D tại Việt Nam và mua lại VinBrain?
Tại Việt Nam, Google Trends - công cụ hiển thị các nội dung được tìm kiếm nhiều nhất theo thời gian thực - thường xoay quanh kết quả xổ số và các trận bóng đá. Tuy nhiên, hồi đầu tháng, Nvidia, hãng sản xuất chip trị giá 3.300 tỷ USD, bất ngờ lọt vào top tìm kiếm. Điều này xảy ra sau khi CEO Jensen Huang đến Hà Nội để chốt một thỏa thuận quan trọng mà Việt Nam đã chờ đợi từ lâu.
Ông Jensen Huang đã có buổi uống bia vỉa hè cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cuộc gặp diễn ra sau khi Nvidia chính thức cam kết xây dựng trung tâm R&D đầu tiên tại Việt Nam và mua lại VinBrain với số tiền không được tiết lộ. Việc mua lại startup AI được Vingroup hậu thuẫn đã xác nhận những tin đồn kéo dài nhiều tháng qua.
Tại sao lại là VinBrain?
Sau thương vụ này, dư luận chuyển sự chú ý sang lý do Nvidia mua lại VinBrain và tác động của nó đối với ngành công nghệ Việt Nam. VinBrain được thành lập vào năm 2019 do Steven Trương (Trương Quốc Hùng) - một kỹ sư kỳ cựu từng làm việc tại Microsoft lãnh đạo.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vingroup, trước khi thương vụ diễn ra, tập đoàn này nắm giữ gần 50% cổ phần của VinBrain.
VinBrain, cùng với VinFast và VinSmart - đã ngừng hoạt động năm 2021, là một phần trong chiến lược đẩy mạnh công nghệ và sản xuất của Vingroup. Mặc dù bán VinBrain cho Nvidia, Vingroup vẫn giữ lại VinAI, một công ty tập trung vào AI tạo sinh.
Sản phẩm chính của VinBrain là DrAid, một công cụ sử dụng công nghệ thị giác máy tính để hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh. Theo công ty, DrAid đã được triển khai tại khoảng 200 bệnh viện, chủ yếu ở Việt Nam. Đây cũng là công cụ chẩn đoán X-quang ứng dụng AI đầu tiên của Đông Nam Á được FDA của Mỹ chứng nhận.
Giống như các công ty con khác của Vingroup, VinBrain đã hưởng lợi từ hệ sinh thái của tập đoàn, bao gồm hệ thống bệnh viện Vinmec trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, VinBrain vẫn chưa có lãi. Theo dữ liệu từ WiGroup, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi trong năm 2023, đạt 477.000 USD, trong khi khoản lỗ giảm 23%, còn 3 triệu USD.
Trong 4 năm qua, VinBrain đã lỗ luỹ kế gần 12,9 triệu USD, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ 24,7 triệu USD của công ty. Điều này có lẽ không phải là vấn đề lớn với Nvidia. Thương vụ này đã giúp hãng củng cố quan hệ với chính phủ Việt Nam và Vingroup.
Vingroup không chính thức công bố thương vụ bán VinBrain. Tuy nhiên, một ngày sau đó, tập đoàn đã trao giải VinFuture Grand Prize cho CEO Jensen Huang và 4 giáo sư AI vì những đóng góp trong lĩnh vực học sâu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự sự kiện này. Trước đó, khi đến thăm trụ sở Nvidia ở Thung lũng Silicon năm ngoái, ông đã mời Jensen Huang đầu tư vào Việt Nam.
Vào tháng 11, FPT đã khai trương một nhà máy AI ở Nhật Bản, sử dụng chip Nvidia.
Có nhều sự bất định
Mặc dù ông Jensen Huang đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội Việt Nam, kế hoạch tiếp theo của Nvidia tại đây vẫn chưa rõ ràng. Công ty chưa tiết lộ dự định với đội ngũ VinBrain, quy mô trung tâm R&D hay thời gian triển khai.
Khi được Tech in Asia liên hệ, cả VinBrain và Nvidia đều từ chối cung cấp thông tin.
Đến nay, Nvidia đã đăng tuyển 11 vị trí việc làm tại Việt Nam, tất cả đều là làm việc từ xa, và một nửa số công việc không yêu cầu địa điểm cụ thể. Điều này cho thấy Nvidia chưa thiết lập văn phòng chính thức tại Việt Nam.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cập nhật ngày 13/12, ông Mark Hoose, Giám đốc thuế của Nvidia, đã trở thành Chủ tịch VinBrain. Ông Steven Trương vẫn giữ vai trò CEO.
Ông Nguyễn Xuân Tài, Chủ tịch kiêm CEO Naiscorp, nhận xét: “Các tập đoàn thường có kế hoạch rõ ràng sau các thương vụ mua bán và sáp nhập. Nhưng trong trường hợp của Nvidia, có vẻ như họ chưa hoàn thiện kế hoạch và chỉ công bố trong chuyến thăm của CEO.”
Truyền thông đưa tin Nvidia sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu AI cùng trung tâm R&D tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông báo chính thức từ công ty không đề cập đến kế hoạch này.
Khi Nvidia bắt đầu xây dựng cơ sở R&D tại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2023, cơ quan chức năng địa phương công bố kế hoạch đầu tư 540 triệu USD và tuyển dụng 1.000 nhân viên trong vòng 5 năm. Đài Loan là trung tâm sản xuất chip quan trọng toàn cầu và cũng là quê hương của CEO Jensen Huang.
Việt Nam là điểm dừng chân thứ hai của Huang trong chuyến công du Đông Nam Á, sau Thái Lan. Tại đây, ông đã quảng bá về AI có chủ quyền, tức các hệ thống AI được phát triển, triển khai và kiểm soát trong phạm vi một quốc gia.
Tránh lạc quan thái quá
Dù chưa lớn như ở Đài Loan, thỏa thuận này vẫn là bước tiến lớn với hệ sinh thái công nghệ Việt Nam.
Theo ông Vinnie Lauria, nhà sáng lập quỹ Golden Gate Ventures, quyết định của Nvidia chứng minh rằng kỹ sư Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các kỹ sư ở Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, ông cũng nhận xét việc ứng dụng AI trong các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng như Singapore.
Ông Nguyễn Xuân Tài, CEO Naiscorp, cho rằng sự chú ý mà Nvidia mang đến sẽ tạo cơ hội cho các startup Việt. Ông tin rằng các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm nhiều hơn đến kỹ sư và startup tại đây, đặc biệt khi lãi suất giảm vào năm tới.
Dù vậy, tình hình gọi vốn cho startup ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất từ năm 2018. Theo Tech in Asia, các startup Việt Nam chỉ huy động được 200 triệu USD trong năm 2024, giảm 60% so với năm trước.
Một số người trong ngành cho rằng cần thận trọng trước những kỳ vọng quá cao. Ông Hoàng Minh Phương, CEO GraphicsMiner, cho rằng sự hiện diện của Nvidia chưa tác động ngay lập tức đến các startup AI. Ông cũng chia sẻ rằng các nhà máy AI của FPT, sử dụng chip Nvidia, chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Để giảm chi phí, công ty của ông đã chọn tự xây dựng hệ thống máy chủ.
Ông Tài cho biết công ty đang sử dụng dịch vụ đám mây nước ngoài để huấn luyện AI. Việt Nam hiện không có trung tâm dữ liệu AI quy mô lớn đạt tiêu chuẩn do thiếu nguồn điện ổn định. Những trung tâm này cần ít nhất hai nguồn điện độc lập, trong khi Việt Nam chỉ phụ thuộc vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thị trường nội địa nhỏ cũng là một thách thức. Điều này khiến các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu trong nước khó cạnh tranh về giá với các tập đoàn lớn như AWS, Microsoft Azure hay Google Cloud.
Ông Dương Minh Tâm, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, hy vọng trung tâm R&D của Nvidia sẽ giúp nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư Việt Nam. Tuy nhiên, ông không quá lạc quan về những thay đổi lớn trong lực lượng lao động công nghệ, vì phần lớn các công ty trong nước vẫn tập trung vào các dự án gia công.
“Chúng ta có thể mất hàng thập kỷ để bắt kịp các quốc gia tiên tiến về nguồn nhân lực công nghệ cao,” ông Dương nhận xét. Ông từng tham gia đàm phán đưa Intel đầu tư vào TP.HCM cách đây gần 20 năm.