|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành năng lượng toàn cầu lo ngại bất ổn Trung Đông

23:15 | 07/11/2024
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo trong ngành năng lượng bày tỏ lo ngại về những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng như tác động tiềm tàng của chúng đối với nguồn cung dầu từ khu vực này.

Nhà máy lọc dầu tại Dammam, Saudi Arabia. (Ảnh: THX/TTXVN).

Báo The National News của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 4/11 đăng bài viết đánh giá rằng, căng thẳng Trung Đông là mối quan tâm lớn của các công ty năng lượng toàn cầu. Dưới đây là nội dung bài viết.

Các nhà lãnh đạo trong ngành năng lượng bày tỏ lo ngại về những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng như tác động tiềm tàng của chúng đối với nguồn cung dầu từ khu vực này.

Trung Đông đang bị lôi kéo vào bất ổn địa chính trị, với căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Israel và Iran, cùng với các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Liban. Cho đến nay, cơ sở hạ tầng năng lượng vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xung đột.

Phát biểu tại cuộc họp của những người đứng đầu ngành năng lượng bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi (Adipec) khai mạc ngày 4/11 tại Abu Dhabi (UAE), Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn BP Murray Auchincloss nhận xét: "Xung đột ở Trung Đông có lẽ là rủi ro hàng đầu đối với thế giới hiện nay. Căng thẳng địa chính trị trong khu vực là mối quan tâm hàng đầu, ngay cả khi nó là một thách thức dài hạn".

Khoảng 1/3 sản lượng dầu thô của thế giới được sản xuất ở Trung Đông. Saudi Arabia, Iran, Iraq, UAE, Kuwait và Qatar là những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu trong khu vực.

Trong khi đó, CEO tập đoàn dầu mỏ Shell (Anh) Wael Sawan cho biết ông lo ngại về những rắc rối ở Trung Đông trong ngắn hạn.

Phát biểu tại một cuộc thảo luận bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi, ông Sawan lưu ý: "Xung đột ở Trung Đông là điều khiến tôi lo lắng hơn bất cứ điều gì khác. Về dài hạn, nhu cầu năng lượng sẽ phụ thuộc vào các thị trường Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc sẽ có tác động đối với chuỗi cung ứng cũng như tổ hợp năng lượng toàn cầu".

Biến động chính trị tại Mỹ cũng sẽ tác động đáng kể đến năng lượng quốc gia và toàn cầu, cũng như những chính sách khí hậu của Mỹ. Ông Auchincloss nhận định: "Tôi cho rằng thách thức lớn mà Mỹ đang phải đối mặt ngay bây giờ là cải cách các quy định". 

Tập đoàn Shell sẽ theo dõi những thay đổi tiềm năng đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, theo đó Mỹ sẽ có hàng tỷ USD chi tiêu mới và cắt giảm thuế để thúc đẩy ngành năng lượng sạch và quyền sở hữu xe điện.

Trong khi đó, CEO tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy, ông Claudio Descalzi cho rằng kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (OPEC+) cũng như những nỗ lực gần đây của liên minh này nhằm nới lỏng kế hoạch hạn chế sản lượng đã làm gia tăng biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Ông Descalzi đánh giá: "OPEC đang đóng một vai trò lớn, nhưng khi khối này thông báo bơm thêm dầu ra thị trường, giá dầu đã ngay lập tức sụt giảm".

Ngày 3/11, 8 quốc gia thành viên OPEC+ gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman đã nhất trí gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày thêm một tháng đến cuối tháng 12/2024 giữa lúc giá dầu ngày càng giảm sút. Trước đó, các nước này đã công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện bổ sung vào các tháng 4 và tháng 11/2023.

Trong một cuộc hội thảo bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais bày tỏ tự tin về nhu cầu dầu thô trong dài hạn. Ông Al Ghais nói: "Tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vẫn đang giai đoạn khởi sắc. Bất chấp một số thách thức, bức tranh kinh tế toàn cầu không tiêu cực như một số người nhận định".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo nhu cầu về dầu, than và khí đốt của thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong bối cảnh việc sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo ngày càng tăng trên thế giới. Tuy nhiên, ông Al Ghais cho rằng nhu cầu đỉnh điểm về dầu khí sẽ không diễn ra.

Nguyễn Trường