|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành hàng không vắng khách, tháo ghế ngồi để chuyển đồ công nghệ, hải sản

23:43 | 05/09/2020
Chia sẻ
Vận chuyển hàng hóa - một trong các dịch vụ từng bị coi là nhàm chán nhất của ngành hàng không lại đang trở thành một tia sáng hiếm hoi cho các hãng bay trong đại dịch COVID-19.
Ngành hàng không thế giới thích ứng thời đại dịch: Tháo ghế ngồi, nhận chuyển đồ công nghệ và hải sản tươi sống - Ảnh 1.

Một nhân viên của Sri Lankan Airlines đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho chiếc máy bay chở khách Airbus A330 đã được chuyển đổi thành tàu bay chở hàng hóa. (Ảnh: Getty Images)

Điểm sáng hiếm hoi của ngành hàng không

Các tàu bay thương mại không chỉ vận chuyển hành khách và hành lí đi cùng mà còn chở theo nhiều hàng hóa trong khoang dưới bụng. Khi tàu bay phải nằm đất vì COVID-19 đúng lúc nhu cầu hàng hóa từ vật tư y tế đến iPhone đều tăng cao, năng lực vận tải bỗng chốc thiếu hụt và giá cước vận tải liền tăng vọt.

Khi phần đông dân số thế giới đang phải ở nhà và mua sắm trực tuyến thay vì đến trung tâm thương mại, các chuyên gia nhận thấy nhu cầu hàng hóa sẽ không giảm bớt, đặc biệt là khi mùa mua sắm lễ hội cuối năm đang đến gần.

Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Um Kyung-a tại công ty chứng khoán Shinyoung Securities (trụ sở tại Seoul) cho hay: "Vận chuyển hàng hóa sẽ là điểm sáng cho các hãng hàng không trong năm nay, vì dù các nước đóng cửa biên giới để chống đại dịch COVID-19, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua hàng".

"Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục vì công suất vận chuyển hàng hóa hiện đang khá hạn chế", ông Um Kyung-a nói tiếp.

Các loại hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không còn cho thấy diễn biến của đại dịch COVID-19. Khẩu trang và găng tay đã nhường chỗ cho chip bán dẫn và các bộ phận máy tính PC khi người tiêu dùng chuyển sang làm việc tại nhà. Lượng thực phẩm tươi sạch vận chuyển bằng máy bay cũng tăng vì mọi người ít ra ngoài ăn hơn.

Cuối cùng, khi thế giới có vắc xin, ngành hàng không sẽ hỗ trợ phân phối hàng tỉ lọ thuốc một cách nhanh chóng, trong một môi trường được kiểm soát nhiệt độ để bảo quản thuốc.

Thông thường, khoảng 60% lượng hàng hóa hàng không trên toàn cầu được vận chuyển trong khoang chứa của các máy bay chở khách.

Khi hàng trăm chiếc máy bay phải đậu trên sa mạc để chờ đại dịch đi qua, cước phí vận tải hàng không lại tăng vọt, chẳng hạn giá cước từ Hong Kong đến Bắc Mỹ hiện đã tăng gần 70% so với đầu tháng 1.

12 hãng hàng không vận chuyển nhiều hàng hóa nhất thế giới, tính theo tấn.km

Nguồn: Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)

1

Federal Express

2

Qatar Airways

3

United Parcel Service

4

Emirates

5

Cathay Pacific

6

Korean Air

7

Lufthansa

8

Cargolux

9

Turkish Airlines

10

China Southern Airlines

11

Air China

12

Singapore Airlines

Ông Nick McGlynn - Giám đốc cấp cao của Qantas Airways, cho hay: "Vào thời điểm đầu, chúng tôi vận chuyển những khối hàng nhẹ nhưng rất cồng kềnh như khẩu trang, áo phẫu thuật, găng tay và các mặt hàng tương tự vào cabin chở khách".

Ông Glynn nói tiếp, vận chuyển vật tư y tế hiện đã tạm giảm bớt và kể từ đó, Qantas Airways còn phân phối sản phẩm tươi sống từ Australia đến châu Á, như đưa cá ngừ đến Nhật Bản và cá hồi san hô đến Hong Kong.

Trên các chuyến bay trở lại Australia, máy bay của Qantas Airways thường mang theo vật tư y tế, phụ tùng xe hơi, thiết bị điện tử và linh kiện cho thiết bị khai thác của tập đoàn cơ khí Caterpillar từ Mỹ về.

Trong một sự kiện hồi tuần trước, CEO Andre Viljoen của Fiji Airways cho biết hãng hàng không này đang kiếm được thêm một khoản từ vận chuyển hải sản và hồ tiêu rễ (kava).

Tranh thủ từng phút một

Bloomberg Intelligence dự đoán phải đến năm 2022 thì công suất vận chuyển hàng hóa trên các máy bay chở khách mới trở về mốc trước đại dịch COVID-19. Không phải hãng hàng không nào cũng có thể xoay sở để thích ứng trước tình huống mới, tuy nhiên các hãng có năng lực lại không lãng phí thời gian.

Tại Mỹ, United Airlines gần đây đã khai thác chuyến bay chỉ chở hàng thứ 5.000. Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa của United Airlines đã tăng hơn 36% trong quí II lên 402 triệu USD.

Trong khi đó, American Airlines đã khởi động lại các dịch vụ chỉ chở hàng sau 35 năm gián đoạn. Vào tháng 9, hãng này dự kiến sẽ khai thác hơn 1.000 chuyến bay thân rộng chỉ chở hàng, chủ yếu là những chiếc Boeing 777 và 787 tới 32 điểm đến ở Mỹ Latin, châu Âu và châu Á.

Tại châu Á, vào tháng trước, hãng hàng không giá rẻ Scoot Air của Singapore Airlines đã loại bỏ ghế hành khách khỏi một trong các máy bay Airbus A320s để giải phóng thêm không gian phục vụ vận chuyển hàng hóa.

Theo Bloomberg, Korean Air Lines cũng đang chuyển đổi máy bay chở khách thành phương tiện chở hàng. Trong quí II vừa qua, Korean Air Lines và Asiana Airlines có lợi nhuận nhỏ nhờ vận chuyển linh kiện công nghệ để đáp ứng nhu cầu đồ gia dụng.

Ngành hàng không thế giới thích ứng thời đại dịch: Tháo ghế ngồi, nhận chuyển đồ công nghệ và hải sản tươi sống - Ảnh 3.

Trong buổi diễn tập của Vietnam Airlines hồi tháng 4, các nhân viên mặt đất thực hiện chằng chống hàng hóa trong khoang khách tháo ghế theo đúng qui trình. (Ảnh: TT/Vietnam Airlines)

Từ tháng 4, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã diễn tập nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế để các cơ quan, chuyên gia liên quan đánh giá.

Sau đó, Vietnam Airlines đệ trình Cục Hàng không Việt Nam bộ hồ sơ tài liệu cho phương án vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế.

Đến ngày 14/4, thông qua việc kí 7 văn bản ban hành tài liệu cho Vietnam Airlines, Cục HKVN đã chấp thuận cho hãng khai thác, vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế, tạo cơ hội mới để Vietnam Airlines vượt qua khó khăn trước mắt.

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng cho biết đã khai thác 300 chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay nhằm tận dụng tối đa công suất đội bay.

Emirates - hãng vận chuyển hàng hóa lớn thứ 4 thế giới sau Federal Express (FedEx), Qantas Airways và United Parcel Service (UPS), cho biết họ "phản ứng rất nhanh".

Cụ thể, hãng hàng không này đã mở rộng mạng lưới vận chuyển hàng hóa lên khoảng 50 điểm đến vào đầu tháng 4, lên 75 điểm đến hồi giữa tháng 5 và 100 điểm đến vào đầu tháng 7.

"Chúng tôi đã có thể kết nối với hơn 115 điểm đến và vận chuyển hàng hóa theo lịch trình", Phó Chủ tịch Nabil Sultan của Emirates cho hay. "Chúng tôi làm việc ngày đêm, không chỉ sử dụng đội máy bay chở hàng mà còn chuyển đổi cả máy bay chở khách", ông Sultan nói tiếp.

Dù vậy, ngành hàng không toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Các hãng đang phải trang trải nhiều chi phí để đậu và bảo trì máy bay, đồng thời sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Tuy nhiên, trong một môi trường khắc nghiệt như hiện nay, mọi thứ đều có giá trị. Hãng hàng không PT Lion Mentari Airlines thậm chí còn vận chuyển các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm khó hư hỏng bằng máy bay trên khắp đất nước Indonesia.

Giám đốc điều hành Daniel Putut của PT Lion Mentari Airlines nói: "Thực phẩm đóng hộp, loại mặt hàng bạn thường mua tại tiệm tạp hóa, đang được vận chuyển bằng đường hàng không vì đây là cách hiệu quả để phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Khi lượng khách bay giảm mạnh, chúng tôi phải tìm cách tạo ra doanh thu mới".

Ông Guillaume Halleux - Giám đốc phụ trách mảng vận chuyển hàng hóa của Qantas Airways, nhận định: "Thế giới là một ngôi làng và vận chuyển hàng hóa theo đường hàng không là lối đi chính. Hàng không là huyết mạch của thế giới, và các hãng hàng không có chiến lược mạnh mẽ cùng khả năng thích ứng tốt có thể trụ vững dễ dàng".

Khả Nhân