|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành điều chật vật giữ vị trí ngôi vương xuất khẩu thế giới

15:06 | 11/08/2021
Chia sẻ
Ngành điều Việt Nam có giữ được vị trí xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới hay không phụ thuộc vào các yếu tố như tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, doanh nghiệp được sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Xuất khẩu điều chững lại vài nhịp

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7, xuất khẩu điều đạt 26 nghìn tấn tương đương 168,5 triệu USD giảm 12% về lượng, giảm 9% về giá trị.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu điều của thị trường châu Mỹ, châu Âu rất cao nhưng doanh nghiệp Việt lại không thể sản xuất và giao hàng đúng thời hạn vì dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) đang chờ nguồn điều từ Việt Nam.

Trước đó, AFI cũng gửi thư tới Thủ tướng đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm Việt Nam để xuất khẩu điều sớm trở lại quỹ đạo.

Trao đổi với người viết, ông Cao Thúc Uy, Uỷ viên Ban Thường vụ, Giám đốc công ty TNHH Cao Phát cho biết thông thường 6 tháng cuối năm là cao điểm xuất khẩu ngành điều nhưng năm nay mọi thứ đều chững lại do dịch COVID-19.

Đặc thù các doanh nghiệp ngành điều thường nhận các hợp đồng kỳ hạn, nay mới chỉ tháng 7 nhưng các công ty lớn có nhiều đơn hàng giao năm 2022.

"Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ cố gắng sản xuất để giải quyết các đơn hàng cũ và không dám nhận đơn hàng mới vì không ai biết được khi nào hết dịch COVID-19.

Hôm nay doanh nghiệp có thể sản xuất 3 tại chỗ nhưng ngày mai có thể dừng hoàn toàn vì phát hiện ca lây nhiễm chéo. Mọi thứ đang rất bấp bênh, vô định".

Ông Uy cho biết dù hạt điều có lợi thế về bảo quản hơn so với trái cây, nông sản tươi nhưng điều cũng là thực phẩm và có thời hạn bảo quản nhất định.

Sau thu hoạch, hạt điều cần sơ chế, chế biến sớm mới giữ được chất lượng. Chỉ cần chất lượng giảm một chút, các thị trường xuất khẩu điều chính là châu Âu, Mỹ, Nhật có thể từ chối, không nhận cả lô hàng.

Bên cạnh đó, xuất khẩu điều sang các thị trường cũng bị đứt gánh, chậm tiến độ khi các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm công suất và nhiều cảng phía Nam ùn ứ, hàng hóa ra vào đều rất khó khăn.

Trước phản ánh của hội viên, Hiệp hội Điều cũng có văn bản gửi đến các khách hàng nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Hầu hết, khách hàng đều cảm thông và đồng ký cho doanh nghiệp giao chậm hơn so với thỏa thuận.

"Tuy nhiên, các đối tác cũng đang khan hàng cung cấp cho các siêu thị. Họ có thể đồng ý trì hoãn đơn hàng tháng 8 sang tháng 9 nhưng nếu không xác định thời điểm giao hàng, trì hoãn vô thời hạn thì buộc doanh nghiệp phải bỏ hợp đồng và tìm kiếm nguồn cung mới.

Việt Nam không phải nước độc quyền về điều và doanh nghiệp không có ràng buộc gì phải chờ đợi mình", ông Uy nói.

Ngành điều chật vật giữ vị trí ngôi vương xuất khẩu thế giới - Ảnh 1.

Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới trong 15 năm liên tiếp (Ảnh: Cashew Export)

Trước đó, vào năm 2006 Việt Nam soán ngôi Ấn Độ, "cường quốc cây điều" để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Tính đến nay, Việt Nam đã ngồi vững trên ngôi vị này 15 năm, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 3,5 – 4 tỷ/năm.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp điều chỉ cần tạm dừng sản xuất, xuất khẩu trong 1 tháng, vị trí số 1 về xuất khẩu điều nhân của Việt Nam sẽ bị lung lay bởi theo quy luật thị trường này yếu đi thì thị trường khác mạnh lên.

Nếu Ấn Độ giải quyết được bài toàn vắc xin, họ có thể vươn lên, giành lại vị trí ngôi vương", ông Uy chia sẻ.

Do đó, xuất khẩu điều nhân có giữ được vị trí dẫn đầu thế giới hay không phụ thuộc vào các yếu tố như tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, doanh nghiệp được sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Chi phí bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu container khiến chi phí logistics tăng cao trong khi giá điều xuất khẩu nửa đầu tháng 7 chỉ đạt 6.484 USD/tấn, không biến động so với cùng kỳ tháng trước.

Đại diện VINACAS cho biết giá cước vận chuyển container 20 feet đi Mỹ hiện đạt 4.000 USD/cont, container đi châu Âu khoảng 6.000 – 7.000 USD/cont, tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch.

Cước tàu tiếp tục tăng cao hơn trong tháng 8. Hãng tàu Cosco vừa ra văn bản chỉ chấp nhận container hàng có tải trọng 12 tấn trong khi container điều nhân khoảng 16,5 tấn.

Khách hàng đồng ý cho giao hàng chậm nhưng chi phí logistics người bán phải chịu. Điều này cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp khi giá cước vận chuyển tăng lên từng ngày và tìm kiếm các hãng tàu phù hợp.

Bên cạnh đó, việc phong tỏa Chỉ thị 16 khiến nhiều nhà máy không lấy được hóa đơn (bill) tàu để trình ngân hàng thanh toán. Tàu chậm nhiều ngày so với lịch dự kiến nên các nhà máy phải chờ đợi rất lâu từ ngày chất hàng cho đến ngày lấy được bill tàu.

Ngoài chi phí logistics, chi phí tổ chức 3 tại chỗ cũng đang nhấn chìm lợi nhuận doanh nghiệp ở mức cực thấp, thậm chí âm. Nhiều doanh nghiệp không đủ tài chính, điều kiện 3 tại chỗ phải tạm thời đóng cửa, máy móc đắp chiếu.

Theo ông Uy, trong thời buổi vật giá leo thang, chi phí tổ chức sản xuất 3 tại chỗ cho 320 công nhân vượt qua cả số tiền công ty Cao Phát trả lương cho 650 công nhân trước đây trong khi công suất nhà máy giảm 50%, hàng hóa không xuất đi được.

"Trong điều kiện này, doanh nghiệp sản xuất không phải để kiếm lời mà làm để giữ cho hoạt động bộ máy và thị trường xuất khẩu. Nếu chuỗi cung cứng đứt gãy thì sẽ rất khó để khởi động lại", ông Uy nói.

Ngoài ra, một thực trạng ở công ty Cao Phát và nhiều doanh nghiệp điều khác là công nhân không muốn tiếp tục tham gia sản xuất 3 tại chỗ vì lực lượng chủ yếu là lao động địa phương, thời vụ, việc làm việc xa gia đình chưa có tiền lệ.

Hết ngày 15/8, nếu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục giãn cách xã hội, công ty sẽ buộc phải đóng cửa nhà máy, cho công nhân về nhà.

Do đó, ông Cao Thúc Uy kiến nghị địa phương ưu tiêm tiêm vắc xin cho công nhân ngành điều hoặc cho phép doanh nghiệp mua vắc xin để sớm sản xuất bình thường trở lại.

Bên cạnh đó, công ty Cao Phát cũng kiến nghị sau khi công nhân được tiêm vắc xin, tỉnh sẽ nới lỏng quy định sản xuất 3 tại chỗ, cho phép người lao động địa phương đi về giữa nhà máy và nhà. Doanh nghiệp sẽ đứng ra quản lý, cam kết địa phương về đảm bảo an toàn cho công nhân theo hướng 1 cung đường 2 điểm đến.

Như vậy, người lao động mới có thể yên tâm sản xuất, doanh nghiệp mới có thể xuất các đơn hàng cho thị trường quốc tế, góp phần giữ vững vị trí ngôi vương xuất khẩu điều của Việt Nam.

Hoàng Anh