Lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái đã về mức lý tưởng
Ba kịch bản hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng những tháng cuối năm
Tại hội thảo trực tuyến “Đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng” chiều 10/8, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, cho biết khảo sát trong 326 doanh nghiệp xuất nhập khẩu giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay, có 20,5% doanh nghiệp hoạt động bình thường; 13% ngưng hoàn toàn, 66,5% vừa giảm công suất, ngừng sản xuất nhưng vẫn giao nhận hàng.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa qua khu vực cảng Cái Mép tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái và cảng tại TP HCM tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, trong thời gian TP HCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, sản lượng hàng hóa có biến động khác nhau.
Cụ thể, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 15 (từ ngày 31/5 đến 8/7), hàng tồn bãi tại Tân cảng Cát Lái khoảng 89%; bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 (từ 9/7 đến 14/7) giảm còn khoảng 87% và khi triển khai “3 tại chỗ”, "1 cung đường" (từ 15/7 đến 7/8) lượng hàng tồn bãi giảm xuống còn 85%.
"Hiện hàng tồn bãi tại Tân cảng Cát Lái giao động ở mức khoảng 85%. Đây là tỉ lệ “lý tưởng” cho hoạt động khai thác cảng, sản xuất cảng. Đến thời điểm này, cảng Cát Lái đã quay trở lại nhịp điệu sản xuất bình thường trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, đối với Tân cảng Cái Mép, lượng tồn bãi vẫn đang trong ngưỡng an toàn", ông Lộc nhấn mạnh.
Dự báo tình hình những tháng cuối năm, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết một số quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU sẽ phục hồi nhưng Đông Nam Á, châu Á là tâm điểm của dịch nên hoạt động giao nhận hàng hóa cảng biến sẽ phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch và tốc độ tiêm vắc xin.
Tại Việt Nam, các hiệp định thương mại sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ nhưng đà tăng trưởng chậm lại do dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Theo đó, Tân cảng Sài Gòn xây dựng ba kịch bản về hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng trong những tháng cuối năm, dựa trên tình hình dịch COVID-19.
Kịch bản 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát cuối quý III/2021, các cảng khu vực TP HCM trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 5 - 7% so với 6 tháng đầu năm và Tân cảng Cái Mép từ 12 - 15%.
Kịch bản 2, nếu dịch được kiểm soát đầu quý IV/2021, cảng TP HCM tăng từ 3 – 5% và Tân cảng Cái Mép là 15 - 17% do có sự dịch chuyển hàng hóa.
Kịch bản 3, mếu dịch được kiểm soát giữa quý IV/2021, sản lượng hai khu vực này sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
“Với các kịch bản và giải pháp được đưa ra, năng lực tiếp nhận hàng hóa tại các cảng sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng. Cụ thể cảng Cát Lái đảm bảo tồn bãi từ 85 - 86%; Tân cảng Cái Mép dưới 80%”, đại diện Tân Cảng Sài Gòn khẳng định.
Loạt giải pháp khai thông chuỗi cung cung ứng hàng hóa
Tại hội thảo, trả lời thắc mắc của đại diện doanh nghiệp về thông tin Tân Cảng Cát Lái ngưng đóng hàng xuất khẩu gạo, bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, khẳng định cảng Cát Lái đã hoạt động thông suốt nên vẫn nhận container hàng gạo bình thường.
"Trong hệ thống Tân cảng, chỉ có một số bến phải đảm bảo duy trì phòng chống dịch nên tạm ngưng đóng gạo. Tuy nhiên, các bến khác như Hiệp Phước, Nhơn Trạch, các cảng tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn hoạt động và có cung cấp dịch vụ đóng gạo tại kho khách hàng, sau đó đưa hàng ra các cảng tại Đồng bằng sông Cửu Long và chuyển về xuất khẩu tại cảng TP HCM", bà Hường chia sẻ.
Cũng theo Tân Cảng Sài Gòn, hiện tại dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ chỉ còn khoảng tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng Cát Lái.
Vì vậy nguy cơ ùn ứ ở cảng Cát Lái cũng là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này, nên tập trung xử lý ở cảng sẽ giải quyết được bài toán cạnh tranh của cụm cảng phía Nam.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, đã đưa ra nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp, các đại lý, hãng tàu vừa chống dịch vừa đảm bảo hàng ra vào cảng không bị ùn tắc.
Cụ thể, đối với container hàng nhập đang tồn bãi tại cảng Tân Cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị khách hàng nhanh chóng làm thủ tục nhận hàng hoặc chuyển cảng đích cho hàng đi các cơ sở dịch vụ khác. Tân Cảng Sải Gòn sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển và nâng hạ hai đầu về 4 cơ sở cảng/ICD là Long Bình, Nhơn Trạch, Sóng Thần, Hiệp Phước.
Đồng thời chuyển conatiner hàng tồn đọng trên 90 ngày ở cảng Tân Cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước, đẩy nhanh tiến độ thanh lý hàng tồn đọng và tái xuất đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu ra khỏi Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tân Cảng Sài Gòn tăng cường hợp tác với các cảng trong khu vực bố trí tàu vào các cảng liên kết dỡ container hàng nhập, sau đó tàu về cảng Cái Lái nhận container hàng xuất, chuyển container hàng nhập sang các cảng mà Tân Cảng Sài Gòn ký hợp đồng hợp tác.
Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với hãng tàu hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cảng bằng việc tính toán, điều chỉnh phương án khai thác tàu hợp lý để hạn chế số tuyến tàu hoặc giãn tiến độ tàu, giãn tiến độ vận chuyển container hàng nhập về cảng đặc biệt là container hàng của các khách hàng mà nhà máy đang ngưng sản xuất.
"Sau khi đã thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, nhưng tình hình tồn bãi vẫn tiếp tục tăng thì cảng sẽ định lượng giảm tỷ lệ hàng nhập cho các hãng tàu tùy theo tình hình thực tế. Cảng sẽ thông báo trước từ 3 đến 7 ngày cho các hãng tàu để triển khai thực hiện", ông Quỳ chia sẻ.