|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành dệt may Bangladesh lo mất khách về tay Việt Nam vì không còn được trợ cấp

17:03 | 06/02/2024
Chia sẻ
Bangladesh đã bắt đầu quá trình dỡ bỏ các chương trình trợ cấp và chuẩn bị thoát khỏi danh sách Quốc gia Kém Phát triển nhất (LDC) vào năm 2026. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối từ ngành may mặc.

Theo Nikkei Asia, chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử với kết quả Thủ tướng Sheikh Hasina giành được nhiệm kỳ 5 năm tới, ngân hàng trung ương đã tuyên bố cắt giảm các ưu đãi xuất khẩu, đặc biệt nhắm vào ngành đem lại nguồn thu lớn là may mặc. Theo thông tư của ngân hàng, bước đi này nhằm tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, trong đó nghiêm cấm các biện pháp trợ cấp khi một quốc gia thoát khỏi nhóm kém phát triển nhất.

Sự thay đổi này nằm trong nỗ lực của quốc gia 170 triệu dân trong việc tái định vị nền kinh tế. 

Bangladesh đã đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt từ 1% đến 20% giá trị xuất khẩu đối với 43 sản phẩm. Tuy nhiên, ưu đãi dành cho hàng may mặc đã giảm từ 1% xuống 0,5%, trong khi ưu đãi dành cho sản phẩm da - mặt hàng có nguồn thu xuất khẩu lớn thứ 2 - đã giảm từ 10% xuống 0%.

Hiện nay, phạm vi ưu đãi tổng thể là 0,5% đến 15%. Ngoài ra, các khoản hỗ trợ khai phá các mặt hàng mới như đay, cá đông lạnh và nông sản cũng bị cắt giảm từ 4% xuống 3%.

Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với các nhà sản xuất hàng may mặc, vốn đang phải vật lộn với việc tăng lương, suy giảm đơn hàng và đồng tiền biến động. 

Ông Siddiqur Rahman, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) nhấn mạnh rằng chính phủ không nhất thiết phải làm điều này ngay bây giờ.

Ông nói: “Chính phủ có thể tiếp tục duy trì toàn bộ các ưu đãi thêm ít nhất một năm nữa. Việc cắt giảm các chương trình ưu đãi trong thời điểm khó khăn như hiện tại đang tác động tiêu cực cho chúng tôi”.

Trong tháng 1, các công ty may mặc đã  tăng lương bắt buộc 56% cho công nhân của họ. 

Ông nói, ngoài việc xuất khẩu chậm lại, "hiện chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng lên nhiều lần do xung đột Biển Đỏ. Làm sao chúng tôi có thể duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu nếu cắt giảm các chương trình hỗ trợ?”

Dữ liệu từ Cục Xúc tiến Xuất khẩu Bangladesh (EPB) cho thấy các sản phẩm may mặc chiếm phần lớn ưu đãi bằng tiền mặt - gần 65%, tương đương khoảng 750 triệu USD - trong năm tài chính vừa qua.

Chủ tịch BGMEA, ông Faruque Hasasn phát biểu trong một cuộc họp báo rằng việc cắt giảm ưu đãi có thể ảnh hưởng "nghiêm trọng" đến khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, với một lượng lớn đơn đặt hàng sẽ đến tay các đối thủ như Việt Nam và Ấn Độ. 

Các công ty có thể sẽ phải tăng giá bán để duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này lại đem đến lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh.

Tương tự như vậy, các nhà xuất khẩu da cũng phàn nàn rằng có thể sẽ xảy ra một cú sốc lớn. 

Ông Shaheen Ahmed, chủ tịch Hiệp hội thợ thuộc da Bangladesh (BTA), cho biết: “Chính phủ liên tục thúc đẩy chúng tôi tăng xuất khẩu để họ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào một sản phẩm. Nhưng bây giờ họ đã cắt giảm hoàn toàn các ưu đãi dành cho da. Điều đó thật khó hiểu."

Tuy nhiên, chính phủ có một quan điểm khác.

Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, ông A.H.M Ahsan, Cục phó Cục Xúc tiến Xuất khẩu, thừa nhận rằng rằng chính phủ sẽ khó khăn một khi Bangladesh mất vị thế LDC - một phân loại của Liên Hợp Quốc miễn thuế cho các quốc gia nghèo nhất đối với hàng xuất khẩu sang các nước phát triển. 

Tuy nhiên, Bangladesh đã đáp ứng được các tiêu chí để thoát khỏi vị thế là một trong những nước nghèo nhất.

Ông Ahsan nói: “Chỉ còn hơn hai năm nữa là Bangladesh thoát khỏi vị thế là một trong những nước nghèo nhất. Vì vậy, thay vì giành lấy ưu đãi trước mắt, chúng tôi đang chuẩn bị dần dần cho các nhà xuất khẩu”.

Ông cũng cam kết rằng chính phủ sẽ tìm cách giúp đỡ các nhà xuất khẩu thông qua các phương tiện thay thế ngay cả sau khi LDC mất đi. 

“Bộ Thương mại đang nghiên cứu cách các nước đang phát triển khác trợ cấp cho lĩnh vực xuất khẩu của họ để định hình các chiến lược hỗ trợ trong tương lai.”

Bất chấp sự phản đối từ các nhà sản xuất hàng may mặc, các nhà phân tích coi việc cắt giảm trợ cấp là một sự thay đổi cần thiết. Họ cho rằng những khoản trợ cấp trước đây chủ yếu có lợi cho người người mua và người tiêu dùng phương Tây hơn là sự phát triển của chính Bangladesh.

Ông Zahid Hussain, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại văn phòng Dhaka của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Tôi tin rằng đây là một bước đi đúng hướng”. "Sau năm 2026, Bangladesh sẽ mất đi sự đối xử đặc biệt với tư cách là một nước LDC cho phép trợ cấp xuất khẩu. Do đó, điều quan trọng là phải bắt đầu dỡ bỏ trợ cấp."

Ông Hussain cho biết các nhà xuất khẩu đã được hưởng lợi từ sự mất giá lớn của đồng taka, đồng nội tệ, trong hai năm qua mặc dù việc điều chỉnh tỷ giá chính thức chưa theo kịp tỷ giá thị trường. Ông nói: “Chế độ trợ cấp dù sao cũng cần hợp lý hóa vì nó không đạt được mục tiêu đa dạng hóa xuất khẩu”.

Ông Akhter Mahmood, một nhà kinh tế học ở Washington, cho biết ông không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp Bangladesh phàn nàn về việc cắt giảm ưu đãi. "Ai lại không muốn nhận trợ cấp, đặc biệt nếu những khoản trợ cấp này không kèm theo kỷ luật thực hiện?" ông nó. 

Ông cho biết sự hỗ trợ như vậy phải có điều kiện về hiệu quả hoạt động và mang lại sự thay đổi như mong muốn chứ không chỉ duy trì hiện trạng.

Ông nói: “Thay đổi có nghĩa là cải thiện năng suất, đổi mới, phát triển sản phẩm, đa dạng hóa xuất khẩu cả về thị trường mới và sản phẩm mới, đồng thời áp dụng các thực hành xã hội và môi trường tốt”.

Về lâu dài, ông hy vọng rằng "việc rút trợ cấp có thể tạo ra động lực để các công ty hoạt động hiệu quả và đổi mới hơn".

Ông Mahmood nói: “Trở nên hiệu quả và đổi mới hơn sẽ là cách tốt nhất để cạnh tranh trên thế giới. Vì vậy, việc rút lại trợ cấp thực sự sẽ là điều tốt. Điều này cũng giúp loại bỏ một số công ty hoạt động kém hiệu quả.”

H.Mĩ