|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành công nghiệp thép đang rệu rã bỗng hồi sinh nhờ giá thép cao kỷ lục

09:49 | 19/07/2021
Chia sẻ
Một thập kỷ trước, các nhà sản xuất thép trên thế giới từng phải đóng cửa nhiều lò cao vì nhu cầu thấp khiến họ phải hoạt động dưới công suất. Giờ đây, nhu cầu bùng nổ và giá thép tăng mạnh đang thổi hơi thở mới vào ngành công nghiệp thép toàn cầu.

Ngành công nghiệp thép bừng tỉnh

Ngành công nghiệp thép đang trải qua một giai đoạn thuận lợi hiếm có, Bloomberg nhận xét.

Giá thép bùng nổ trên toàn thế giới, xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Nhu cầu công nghiệp tăng cao đang thúc đẩy đà tăng của giá thép, các nhà máy luyện thép bước vào guồng quay sản xuất sau thời gian dài nằm im trong đại dịch.

Ngoài ra, hai cường quốc là Trung Quốc và Nga còn đang nỗ lực hạn chế xuất khẩu thép ra nước ngoài để hỗ trợ các ngành công nghiệp tại quê nhà. Nguồn cung lại càng bị siết chặt thêm.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg, ông Carlo Beltrame, quản lý của hãng thép lâu đời AFV Beltrame, cho hay: "6 tháng trước, nếu bạn hỏi đâu là triển vọng tích cực nhất của ngành công nghiệp thép trong nửa đầu năm 2021, tôi nghĩ rằng mình không thể dự đoán sát với thực tế hiện nay được".

Trước tình hình khả quan, AFV Beltrame có kế hoạch xây dựng một nhà máy thép mới trị giá 250 triệu euro (tương đương 295 triệu USD) ở Romania, công suất khoảng 600.000 tấn một năm.

Ngành công nghiệp thép đang rệu rã bỗng hồi sinh nhờ giá thép cao kỷ lục - Ảnh 1.

Thái độ lạc quan quan của ngành thép bây giờ khác xa so với một thập kỷ trước, khi các nhà sản xuất thép phương Tây phải ồ ạt đóng cửa và cắt giảm nhân công do nhu cầu xuống thấp, khiến các cơ sở này phải hoạt động dưới công suất. Riêng năm ngoái, 72 lò cao đã phải tạm dừng hoạt động, UBS Group thông tin.

Năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chi tiêu mạnh tay cho hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước, và Liên minh châu Âu (EU) muốn đầu tư lớn để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Nucor, U.S Steel và SSAB là ba trong số các hãng thép phương Tây được dự đoán là sẽ báo lãi trong năm nay. Khá nhiều nhà phân tích dự đoán lợi nhuận của ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất bên ngoài thị trường Trung Quốc, sẽ vượt các ông lớn như McDonald's hay PepsiCo.

Chuyên gia vững niềm tin về giá thép

Không nhiều chuyên gia tin tưởng đà tăng của giá thép sẽ kéo dài đến năm 2022. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán rằng đợt tăng này có thể báo hiệu điềm lành cho ngành công nghiệp thép trong dài hạn, giá thép cuối cùng sẽ ổn định ở một mức bền vững hơn so với trong quá khứ.

Ông Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum Capital (London), cho hay: "Các công ty thép bên ngoài Trung Quốc có thể sắp bước vào thời kỳ phục hưng. Ngành công nghiệp thép ở các nơi khác có thể đón cột mốc mới, vì các nền kinh tế này chỉ cần thép do trong nước sản xuất [thay vì thép Trung Quốc]".

Bloomberg lưu ý rằng các diễn biến mới ở Trung Quốc vẫn đóng vai trò then chốt, do đất nước tỷ dân sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới. Bắc Kinh dường như không còn muốn chịu gánh nặng môi trường của hoạt động luyện thép, vì vậy chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách hạn chế sản lượng thép thông qua nhiều biện pháp khác nhau.

Chuyên gia Tomas Gutierrez của hãng tư vấn Kallanish Commodities nhận định: "Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ ban hành các lệnh hạn chế ngành thép. Các nhà máy sản xuất thép ở nước ngoài có thể an tâm hơn một chút về triển vọng giá thép khi nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế".

Ngoài ra, tâm lý lạc quan còn đến từ việc chính phủ Mỹ và EU quan tâm tới kích thích tài khóa và đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Biden đang quyết tâm xây những con đường, cầu cống mới cho nước Mỹ; trong khi EU nhấn mạnh rằng năng lượng sạch là một phần của gói cứu trợ kinh tế và Thỏa thuận Xanh.

Hai mục tiêu này đều cần rất nhiều thép. Hãng tư vấn CRU Group (London) ước tính, kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden có thể thúc đẩy nhu cầu thép hàng năm tăng khoảng 5 triệu tấn trong 5 năm đầu tiên.

Tuy nhiên, nhà phân tích Andrew Cosgrove của Bloomberg Intelligence cho biết, đến cuối năm 2022, sản lượng thép hàng năm của Mỹ dự kiến chỉ có thể đạt khoảng 4,6 triệu tấn.

Ngành công nghiệp thép đang rệu rã bỗng hồi sinh nhờ giá thép cao kỷ lục - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Đáng chú ý, ngay cả khi nhu cầu tăng mạnh, các hãng thép phương Tây vẫn không mặn mà mở rộng sản xuất. Hồi tháng 4 năm nay, CEO David Burritt của U.S. Steel cho biết công ty không có kế hoạch khởi động lại hai lò cao đã ngừng hoạt động vào năm ngoái.

Cleveland-Cliffs, nhà sản xuất thép lớn thứ hai tại Mỹ, chuẩn bị phá bỏ nhà máy Ashland ở bang Kentucky, cũng như một lò cao ở Indiana Harbour West. CEO Lourenco Goncalves đang ưu tiên chi trả nợ hơn là quay lại sản xuất.

Các nhà máy tại châu Âu cũng không muốn mở rộng sản xuất sau khi phải đau đớn giảm công suất trong thập kỷ qua. Tại buổi công bố kết quả kinh doanh gần nhất, ArcelorMittal cho biết họ đang ưu tiên lợi nhuận của cổ đông.

Bình luận về tương lai, ông Carlo Beltrame của AFV Beltrame bày tỏ: "Tôi tin tưởng siêu chu kỳ giá thép sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa. Thế giới đang cần thêm gạch, cần thêm xi măng và cần thêm thép..."

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.