'Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ nên thấp thỏm lo sợ chính sách quyết liệt của ông Biden'
Khi được hỏi liệu các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có nên lo lắng về chính quyền ông Biden không, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette đáp: "Tất nhiên!"
Theo CNBC, một vài năm trước, hoạt động khoan dầu khí từng bùng nổ mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, góp phần đưa Mỹ lên vị trí nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới năm 2018.
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ các công ty sản xuất dầu đá phiến nên lo lắng vì một số nghị sĩ Quốc hội sẽ quyết liệt theo đuổi chính sách chống biến đổi khí hậu... Tôi biết phong trào ESG (Quản trị Môi trường, Xã hội và Doanh nghiệp) đang diễn ra rất mạnh mẽ", Bộ trưởng Brouillette nhấn mạnh.
"Các công ty trong ngành đá phiến có thể khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư hơn. Chúng ta phải chờ đợi xem chính phủ mới sẽ đưa ra những chính sách môi trường nào", ông Brouillette nói thêm.
Phong trào ESG đã tăng tốc đáng kể trong vài năm gần đây. Một số nhà đầu tư lớn, đặc biệt là tập đoàn quản lí tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, đã "đặt tiêu chí bền vững trở thành một phần không thể thiếu khi xây dựng danh mục đầu tư". Theo CEO Larry Fink của BlackRock, "biến đổi khí hậu là một rủi ro đầu tư".
Tuy nhiên, chính sách về biến đổi khí hậu ở cấp chính phủ liên bang có thể là điều khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến quan ngại nhất. Ông Biden đã cam kết "tích cực giảm phát thải khí nhà kính" và theo đuổi một chương trình nghị sự thân thiện với môi trường hơn để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2018, các nhà khoa học trong chính quyền Tổng thống Trump đã công khai một bản báo cáo. Họ cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ khiến Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD hàng năm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ông Trump, người luôn ủng hộ nhiên liệu hóa thạch thay vì sự độc lập về năng lượng của Mỹ, phản hồi: "Tôi không tin bản báo cáo đó!"
Chính sách môi trường của ông Biden có thể quyết liệt đến đâu?
Ông Biden không có kế hoạch cấm hoàn toàn công nghệ fracking (khai thác dầu từ lòng đất bằng cách phá vỡ đất đá bằng nước, cát và hóa chất), hoặc cấm ngành công nghiệp dầu khí nói chung. Năm 2019, gần 1 triệu công nhân Mỹ hoạt động trong ngành dầu khí, số liệu chính thức cho thấy.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định ông Biden có mục tiêu mạnh tay kiểm soát ngành công nghiệp dầu đá phiến bằng các quy định mới.
Theo trang web chiến dịch tranh cử của ông Biden, vị tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ đã cam kết bảo vệ các công viên quốc gia và khu trú ẩn của động vật hoang dã. Đây vốn là các địa điểm mà ông Trump đã cho phép hoặc cố gắng cấp phép cho doanh nghiệp tiến hành khoan dầu.
Ông Biden còn tuyên bố sẽ cấm cho các công ty khai thác dầu đá phiến thuê đất công để triển khai hoạt động khoan dầu. Ngoài ra, ông còn hứa sẽ ban hành nhiều mức phạt (bao gồm phạt tù) đối với các công ty gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như cảnh báo sẽ buộc "các đơn vị gây ô nhiễm chịu toàn bộ phí tổn do ô nhiễm carbon mà họ thải ra".
Trong cuộc tranh luận tổng thống với ông Trump, ông Biden nói: "Tôi sẽ đưa nước Mỹ rút khỏi ngành dầu mỏ vì ngành này quá ô nhiễm. Theo thời gian, năng lượng hóa thạch phải được thay thế bằng năng lượng tái tạo".
Song, sau đó ông Biden đã điều chỉnh: "Chúng tôi sẽ không bỏ nhiên liệu hóa thách mà loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch. Phải mất một thời gian dài Mỹ mới có thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch".
Dầu khí là một trong các động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Trong năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm nhu cầu và giá dầu giảm mạnh, ngành công nghiệp này đã phải cắt giảm hơn 100.000 việc làm và đóng cửa hàng nghìn giếng dầu đá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Dan Brouillette nhận định ngành dầu khí Mỹ sẽ phục hồi trong năm 2021. Ông Brouillette lưu ý rằng giá dầu đã phục hồi đáng kể từ mức thấp kỉ lục hồi tháng 4 lên khoảng 50 USD/thùng.
"Tôi nghĩ giá dầu sẽ tiếp tục tăng và ổn định quanh vùng 50 - 60 USD nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở cửa. Nếu Mỹ phải phong tỏa, tôi nghĩ giá dầu sẽ sụt giảm nhanh chóng", ông Brouillette nhận xét.
CNBC cho rằng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden chưa hẳn là một đòn chí mạng với ngành công nghiệp dầu khí. Cần phải lưu ý là các nghị sĩ Đảng Dân chủ, nhóm tích cực ủng hộ chính sách chống biến đổi khí hậu, chiếm rất ít trong đa số Hạ viện và nhiều khả năng là tiếp tục chiếm thiểu số ở Thượng viện (tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử ở bang Georgia vào tháng 1/2021).
Tức là, tỉ lệ hiện tại sẽ ngăn các nghị sĩ Đảng Dân chủ nêu trên thông qua các dự luật có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực dầu khí, CNBC lí giải.
Hơn nữa, các chuyên gia trong ngành từng cảnh báo rằng loại bỏ năng lượng hóa thạch có thể đe dọa an ninh của Mỹ, vì nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn dầu thô từ các nước khác, bao gồm Arab Saudi.