|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng và những 'phát súng' đầu tiên về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019

16:10 | 15/07/2019
Chia sẻ
Trải qua một nửa chặng đường năm 2019 và hiện tại là thời điểm các ngân hàng lần lượt công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm. Đã có 7 ngân hàng công bố con số lợi nhuận sơ bộ.
istockphoto-686727704-612x612

Ảnh minh hoạ (Nguồn: istockphoto.com).

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh

TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh 58% so với cùng kì năm trước với 1.620 tỉ đồng và đạt 50,6% kế hoạch năm.

Có cùng mức tăng trưởng lợi nhuận cao với TPBank phải nhắc đến VIB, ngân hàng công bố báo cáo tài chính sớm nhất với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.820 tỉ đồng, bằng 53,5% kế hoạch cả năm. 

Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 19%, đạt 114.484 tỉ đồng, tổng tài sản của ngân hàng cũng tăng gần 18% đạt 163.856 tỉ đồng. Trong khi đó tỉ lệ nợ xấu của VIB lại giảm từ mức 2,3% hồi đầu năm xuống còn 1,94%.

Mặc dù không phải là sớm nhất nhưng con số lợi nhuận của Vietcombank lại tiếp tục gây ấn tượng mạnh nhất với mức kỉ lục 11.280 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 40% so với cùng kì 2018, thực hiện 55% kế hoạch năm (20.000 tỉ đồng).

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của các ngân hàng Việt trong 6 tháng đầu năm từ trước tới nay. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt trên 697.240 tỉ đồng, tăng 9,7% trong khi hạn mức tăng trưởng cả năm là 15%.

Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019.

Cũng không chịu thua kém về tăng trưởng, Sacombank ra thông báo sơ bộ về kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.500 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kì năm 2018, tương đương 55% kế hoạch năm.

Screen Shot 2019-07-15 at 17

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, Tổng Giám đốc MBBank ông Lưu Trung Thái cũng tiết lộ kết quả sơ bộ của MBBank với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.820 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kì năm trước. 

Ông cũng cho biết hiện MBBank đang lên kế hoạch bán 7,5% vốn cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.

Trong một cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư gần đây, đại diện ACB cũng cho biết lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của ngân hàng ước đạt 3.620 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì, bằng 49,7% kế hoạch cả năm.

Trái ngược với con số khá tích cực tại các ngân hàng trên, con số lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank lại không có nhiều thay đổi so với năm trước khi đạt hơn 148 tỉ đồng, bằng 48,3% kế hoạch năm (306 tỉ đồng).

Gia tăng đột biến từ các nguồn thu ngoài lãi

Có thể nhận thấy các khoản thu ngoài lãi của nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng đột biến về lãi thuần, đặc biệt là khoản thu nhập từ hoạt động từ dịch vụ.

Tại VIB, hoạt động dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh của năm trước với mức lãi thuần thu về đạt 764 tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kì năm trước. Mảng hoạt động này tại TPBank cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kì mang về 605 tỉ đồng cho ngân hàng.

Không quá đột biến như tại VIB và TPBank nhưng mảng dịch vụ của Sacombank cũng tăng trưởng mạnh mang về gần 1.400 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì. 

Tại Kienlongbank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận tăng trưởng hơn 19% mang về hơn 30 tỉ đồng cho ngân hàng. Trong khi đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng đột biến đạt 16,4 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kì năm trước (3,2 tỉ đồng).

Tích cực xử lí nợ xấu

Cùng với tăng trưởng mạnh từ lợi nhuận, những ngân hàng trên còn cho thấy một sự tích cực trong quá trình xử lí nợ xấu 6 tháng đầu năm.

Nổi bật nhất phải kể đến Sacombank với việc thu hồi và xử lí hơn 11.000 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong nửa đầu năm. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm nhẹ từ 2,11% xuống 1,96%.

Số dư nợ xấu của VIB tăng nhẹ 0,8% trong khi tăng trưởng cho vay cao (19%) đã kéo tỉ lệ nợ xấu của VIB giảm từ mức 2,3% hồi đầu năm xuống còn 1,94%.

Trong cùng khoảng thời gian, mặc dù tỉ lệ nợ xấu của TPBank tăng nhẹ từ 1,12% cuối năm 2018 lên 1,47% nhưng vẫn giữ ở mức thấp. Đồng thời, TPBank cũng tích cực trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC, thêm 224 tỉ đồng trong 6 tháng. Ngân hàng dự kiến xử lí toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2019.

Tại Vietcombank cũng đã thu hồi được 1.942 tỉ đồng nợ ngoại bảng, đạt 55,5% kế hoạch năm 2019. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng khoảng 180%.

Diệp Bình