Ngân hàng và cuộc chiến xử lý nợ xấu ở 12 dự án thua lỗ
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu bằng các giải pháp thị trường | |
Thống đốc NHNN giao loạt nhiệm vụ xử lý nợ xấu |
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền. Ảnh: pvtex |
Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết trả lời chất vấn từ kỳ họp trước mà 12 dự án thua lỗ của ngành công thương là “điểm nóng” kéo dài hai kỳ họp gần đây.
Theo đó, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ nay đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận ước đạt 147,68 tỉ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận ước đạt 527,24 tỉ đồng. Bốn dự án còn lại từng bước giảm lỗ so với cùng kỳ năm trước: Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ 203 tỉ đồng (giảm lỗ 210 tỉ đồng). Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 110,78 tỉ đồng (giảm lỗ 324,98 tỉ đồng); Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 701,85 tỉ đồng; Công ty đóng tàu Dung Quất (DQS) lỗ 61,61 tỉ đồng.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền. Hai dự án còn lại đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại khi thị trường thuận lợi (dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước).
Ba dự án xây dựng dở dang, ngoài dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.
Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Do đó, đến thời điểm 30/6/2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20.943 tỉ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn ở các dự án, doanh nghiệp đã giảm 124 tỉ đồng (so với thời điểm ngày 31/01/2018).
Đa số các dự án, doanh nghiệp đều đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ và điều chỉnh lãi suất cấp tín dụng đối với các khoản vay cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với các khoản vay tại các ngân hàng thương mại của các dự án, ngoại trừ dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, dự án Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn giữ nguyên nợ nhóm 1, các dự án, doanh nghiệp còn lại đều đã phát sinh nợ xấu.
Đến 30/6/ 2018, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp là 5.536 tỉ đồng, tăng 427 tỉ đồng so với dự phòng đã trích tại thời điểm 31/1/2018 do các ngân hàng thực hiện chuyển nhóm nợ và thực hiện trích lập dự phòng theo quy định.
Hiện nay, có tất cả 17 ngân hàng thương mại và một công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án với tổng số dư cấp tín dụng 20.943 tỉ đồng (30/6/2018), tăng 96 tỉ đồng so với thời điểm hết tháng 1/2018 do một số ngân hàng giải ngân, thu hồi nợ đối với các khoản cho vay dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 (Hải Phòng) . Trong tổng số 20.943 tỉ đồng, có 17.211 tỉ đồng nợ trung hạn (chiếm 82%), 3.732 tỉ đồng là nợ ngắn hạn (chiếm 18%).
Riêng ngân hàng phát triển (VDB) , cho vay 7/12 dự án: đã giải ngân 14.665 triệu đồng, 2,598 triệu đô la Mỹ. Hiện VDB đã thu được 30,9% nợ gốc tiền đồng, 34,9% nợ bằng đô la Mỹ và các khoản lãi lũy kế. Dư nợ gốc của các doanh nghiệp nói trên tại VDB còn: 10.118.846 triệu đồng và 1.690.842 đô la Mỹ.
Hiện mới chỉ có dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 (Hải Phòng) đã trả xong toàn bộ vốn và lãi vay cho VDB vào tháng 9 vừa qua, theo đúng hợp đồng.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên: VDB đã gia hạn thời hạn cho vay vốn của dự án lên 15 năm, tuy nhiên do dự án vẫn đang dừng thi công và chưa có phương án cụ thể để tái khởi động nên VDB chưa có căn cứ để tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ cho dự án.
Đối với 2 dự án của Công ty QDS: VDB đã thực hiện tạm khoanh nợ đối với dự án từ ngày năm 2012 cho đến khi có phương án xử lý mới.
Do Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án cho dù ở nhiều dự án hầu hết cổ đông lớn nhất là các tập đoàn, tổng công ty dùng vốn nhà nước, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn về vốn lưu động. Đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Hiện các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất, dẫn đến khó khăn, thiếu hụt vốn sản xuất của dự án; giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng cao.
Một số dự án, doanh nghiệp đã giãn khấu hao và tái cơ cấu các khoản nợ vay, tuy nhiên vẫn còn một số các dự án, doanh nghiệp chưa được xử lý nên tiếp tục gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn tài chính cho các hoạt động để xử lý các tồn tại, vướng mắc cũng như sắp xếp vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi...).
Một số dự án, doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh (dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước, dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS).