|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngân hàng UOB: Giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong năm 2025

07:33 | 27/09/2024
Chia sẻ
UOB phân tích động lực chính thúc đẩy đà tăng này là chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed, dự kiến sẽ tiếp tục đến quý I/2026, đưa lãi suất quỹ Fed từ mức 5% hiện tại xuống còn 3,25%.

 

Trong báo cáo mới đây, ngân hàng UOB dự báo giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/ounce vào quý III/2025. Các yếu tố chính hỗ trợ cho dự báo này bao gồm sự suy yếu của đồng USD, lãi suất thấp hơn khi Fed cắt giảm lãi suất, cùng với nhu cầu đầu tư các sản phẩm được hỗ trợ bằng vàng.

UOB cũng dự đoán giá vàng sẽ đạt 2.700 USD/ounce vào quý IV/2024, 2.800 USD/ounce vào quý I/2025, 2.900 USD/ounce vào quý II/2025 và cuối cùng là 3.000 USD/ounce vào quýIII/2025.

UOB phân tích động lực chính thúc đẩy đà tăng này là chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed, dự kiến sẽ tiếp tục đến quý I/2026, đưa lãi suất quỹ Fed từ mức 5% hiện tại xuống còn 3,25%. 

Điều này sẽ làm suy yếu đồng USD và tạo ra một động lực lớn cho giá vàng. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang vàng khi đồng USD giảm giá và lãi suất thấp hơn, bởi vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn và là phương tiện phòng ngừa lạm phát hiệu quả.

Ngoài ra, UOB nhận định nhu cầu chung của các ngân hàng trung ương đối với việc phân bổ dự trữ vào vàng vẫn không hề suy giảm do nhu cầu đa dạng hóa dài hạn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng. Theo khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là các ngân hàng ở Thị trường mới nổi và Châu Á tiếp tục coi vàng là một nguồn lưu trữ giá trị quan trọng cho dự trữ của họ và đã chỉ ra ý định tiếp tục tăng phân bổ dài hạn của họ vào vàng.

Bất chấp các giao dịch mua quy mô lớn trong thập kỷ qua, dự trữ vàng của Trung Quốc hiện được ước tính chỉ chiếm hơn 5% bảng cân đối của PBOC. Ngược lại, theo IMF, Mỹ hiện nắm giữ khoảng 261 triệu ounce vàng dự trữ, tương đương xấp xỉ 10% quy mô bảng cân đối hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang là khoảng 7,1 nghìn tỷ USD.

Bên cạnh đó, UOB cũng chỉ ra Ấn Độ dẫn đầu nhu cầu tăng đột biến đối với đồ trang sức bằng vàng.

Các chính sách điều chỉnh thuế của Ấn Độ đã giúp tăng nhu cầu vàng trong nước. Từ tháng 7, Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống còn 6%, dẫn đến sự bùng nổ trong doanh số bán trang sức vàng và nhập khẩu vàng đạt mức kỷ lục mới trong tháng 8.

Đồng thời, đợt nới lỏng chính sách tiền tệ mới nhất do PBOC công bố dẫn đến việc cắt giảm các mức lãi suất cho vay quan trọng, cũng có thể thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất và đồ trang sức quay trở lại ở Trung Quốc. Điều này khiến vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu bán lẻ đối với vàng miếng và vàng "hạt" gia tăng.

Mặc dù có nhiều yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng giá vàng, vẫn tồn tại những rủi ro. Một trong những rủi ro lớn nhất là khả năng lạm phát bất ngờ tăng trở lại, buộc Fed phải điều chỉnh chính sách cắt giảm lãi suất, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng của đồng USD và lãi suất, gây áp lực lên giá vàng.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, vàng đã chứng minh được khả năng phục hồi trước những đợt tăng giá của USD. Bên cạnh đó, dù giá vàng tăng mạnh từ đầu năm, các đợt điều chỉnh ngắn hạn có thể xảy ra trong quá trình này.

H.Mĩ