|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng trong bối cảnh đại dịch - Bài 3: Thúc đẩy tiến trình hồi phục bằng giải pháp tín dụng

12:43 | 16/12/2021
Chia sẻ
Còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2021 - năm thứ 2 đại dịch COVID-19 để lại quá nhiều tổn thất đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Trong giai đoạn nước rút này, hầu hết doanh nghiệp đều đang căng sức, tập trung đẩy nhanh tiến độ  sản xuất, mong bù đắp những thiệt hại hoặc khắc phục tình trạng thua lỗ do phải ngưng hoạt động trong thời gian dài để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. 

Tiến trình hồi phục gấp rút của doanh nghiệp kéo theo nhu cầu tín dụng tăng vọt. Tuy nhiên, việc đứt gãy dòng tiền, tình hình kinh doanh khó khăn khiến cơ hội tiếp cận dòng vốn vay từ ngân hàng đang trở nên mong manh.

Thông tin từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mặc dù, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc gia hạn, giảm các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2022, đồng thời, cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn có hiệu lực thi hành ngay để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID - 19. 

Cũng như việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, không vì thế mà tiến trình hồi phục của số đông doanh nghiệp trở nên dễ dàng, thuận lợi và được thúc đẩy nhanh hơn. 

Thậm chí, trong nhiều lý do dẫn đến việc hơn 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2021 cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và khó tiếp cận nguồn vốn cho vay để trả lương cho người lao động.

Đây là hai mặt của một vấn đề. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sau thời gian "ngấm đòn" từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã suy yếu sức khỏe tài chính, không đủ điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn vay tín dụng. 

Trong khi đó, phía cho vay là ngân hàng thương mại thì rủi ro nợ xấu treo lơ lửng và buộc phải đảm bảo an toàn hệ thống dẫn đến thận trọng trong các quyết định giải ngân; đặc biệt là khó khăn, ngặt nghèo hơn với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp ngành đã triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cần tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để đáp ứng các nhu cầu cấp bách khi nền kinh tế mở cửa.

Thực tế, các doanh nghiệp bị mất cân đối về dòng tiền, thu không có, chi vẫn phát sinh mỗi ngày, nhưng nguồn tiền để tiếp tục phục hồi sản xuất là vấn đề vô cùng khó khăn. Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn rất thận trọng cho vay mới.

Vì thế, để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn này cho sản xuất kinh doanh, không thể thiếu là sự đồng hành, chia lửa của ngân hàng để thấu hiểu, nắm bắt doanh nghiệp khó gì, cần gì, từ đó có phương án xử lý nhanh gọn, linh hoạt hoặc đưa ra những gói giải pháp thiết thực, phù hợp với nhu cầu tài chính của doanh nghiệp theo từng giai đoạn khác nhau,

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Võ Đại Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Trung Hậu chia sẻ, công ty đã đầu tư một khu du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế từ 4 năm trước, từ các khâu chuẩn bị đất đai, giải tỏa đền bù và được cấp giấy phép xây dựng cuối năm 2020. 

Nhưng đến nay, khi tới giai đoạn bắt đầu triển khai dự án thì phía ngân hàng, dù đã đi cùng doanh nghiệp từ giai đoạn đầu vẫn "do dự" xem có nên cho vay hay không, khiến doanh nghiệp đang vô cùng "khó xử".

Tương tự với Công ty cổ phần Sài Gòn Triển Vọng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc cho biết, đại dịch đều khiến các ngân hàng thận trọng hơn khi một doanh nghiệp đệ trình phương án vay vốn. 

Ngoài vấn đề tài sản thế chấp, ngân hàng còn định giá một cách dè dặt để đảm bảo khả năng thanh khoản nếu doanh nghiệp không trả nợ được. Còn vay tín chấp ở thời điểm này càng bị hạn chế so với trước đây.

Đánh giá thực trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay, Phó Giáo sư. Tiến sĩ. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính phân tích, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đã kiệt quệ, không còn đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu cấp tín dụng của các ngân hàng do liên tục bị thua lỗ, nợ xấu hoặc không còn tài sản đảm bảo. 

Tuy nhiên, để phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn mới. Do đó, ngoài việc tận dụng, phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh, Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện gấp việc tái cơ cấu các quỹ này trở thành cầu nối dẫn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. 

Song song đó, phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng linh hoạt chính sách điều tiết tín dụng trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn về vay vốn trung- dài hạn để cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch. Bởi vậy, nếu lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung- dài hạn vẫn được giữ nguyên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng, khi mà nguồn vốn huy động đã và đang tăng trưởng thấp. 

Dù việc giảm thiểu dùng vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn sẽ giúp bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, vẫn nên xem xét lùi thời hạn áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Bởi đây đang là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cần dành mọi nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình hồi phục, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cũng đưa ra một số khuyến nghị. Đó là, cần hiểu rõ các tiêu chí đánh giá khoản vay, sẽ giúp các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng khả năng vay vốn thành công.

Bên cạnh những tiêu chí rất rõ ràng như lịch sử tín dụng, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm,... thì việc đầu tiên và không kém phần quan trọng là doanh nghiệp phải hiểu rõ về mục đích sử dụng khoản vay mong muốn. Những mục đích sử dụng này cần được liệt kê rõ ràng, chi tiết, kèm theo đó là sự chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cụ thể, giúp minh chứng cho ngân hàng hiểu và tin tưởng vào mục đích vay vốn của mình.

Trước những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp, ngân hàng cũng nên đưa ra nhiều phương án tài chính khác nhau, cùng sự điều chỉnh phù hợp với thực tại, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị.

Ngọc Quỳnh