|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng trong ngày 22/4

12:08 | 19/04/2024
Chia sẻ
Ngay trong chiều nay Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Các công tác đấu thầu sẽ tiến hành trong thứ Hai tuần tới (tức ngày 22/4)

 Phát biểu tại buổi họp báo sáng ngày 19/4, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị rất kỹ công tác đấu thầu vàng. 

“Ngay trong chiều nay Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Các công tác đấu thầu sẽ tiến hành trong thứ Hai tuần tới (tức ngày 22/4)", ông Tuấn cho biết.

Như vậy là sau 11 năm, kể từ phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào năm 2013, thì đến nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ quay trở lại việc tổ chức đấu thầu vàng miếng. 

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.  Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Thông tin cụ thể hơn về hoạt động đấu thầu vàng lần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ gửi thông báo đấu thầu trước 1 ngày đấu thầu. 

Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. 

Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. 

Một tiếng sau khi đóng thầu cơ quan này sẽ công bố kết quả. 

Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

Với chính sách quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng về tổng kết Nghị định 24. 

“Chúng tôi đã lấy ý kiến của các bộ ngành và trình lên Thủ tướng về chủ trương sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Thời gian qua, các chuyên gia, nhà kinh tế cũng đã đánh giá tích cực vai trò của Nghị định trong việc chống vàng hoá kinh tế nhưng cũng đã đến lúc cần xem lại sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

"Trong Nghị định 24 hiện nay, với những doanh nghiệp, sản xuất, xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện điều này rồi. Những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công với nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn đang được thực hiện tại các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước, không có khó khăn vướng mắc gì", ông Tuấn nói. 

Giới chuyên gia nhận định việc tăng nguồn cung vàng không chỉ làm thu hẹp khoảng cách vàng trong nước và thế giới mà còn giảm sức ép đối với tỷ giá. 

Trao đổi với chúng tôi, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết ngoài câu chuyện xung đột, cần phải đặt tổng thể câu chuyện tỷ giá trong mối quan hệ giữa USD và các đồng tiền khác. 

"Trong thời gian vừa qua, giới quan sát cho rằng tỷ giá giữa USD và VND có tương thích với biến động của USD Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với một số ngoại tệ chủ chốt khác", ông nói. "Vừa rồi, do Fed chần chừ trong việc giảm lãi suất nên USD trên thị trường thế giới tăng cao".

Chuyên gia thông tin thêm rằng ban đầu, thị trường dự báo lần cắt giảm đầu tiên là tháng 6/2024, nhưng đến nay kỳ vọng đã chuyển sang tháng 9. Theo ông, diễn biến của USD trên thị trường thế giới tạo ra tâm lý kéo USD đi lên, dù NHNN vẫn giữ tỷ giá trung tâm  không tăng quá nhiều. 

Theo ông Phước, yếu tố thứ hai tác động đến tỷ giá có liên quan đến vàng: "Trong mấy tháng trở lại đây, chênh lệch giá vàng  trong nước và quốc tế cao, Chính phủ đã có công điện yêu cầu hạ chênh lệch.

Đầu tuần này, NHNN cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, NHNN quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. 

Theo chuyên gia, đấu thầu vàng giúp tăng cung cho thị trường và với một mức cầu không đổi, chắc chắn giá giảm. 

"Tôi nghĩ quyết định đấu thầu vàng là quá tốt", ông nói. "Mặc dù chưa thể khẳng định nhưng một sự chênh lệch 18 - 20 triệu/lượng vàng so với quốc tế là yếu tố và cơ hội để cho hiện tượng dùng ngoại tệ để nhập khẩu  vàng". Như đã phân tích ở trên, hoạt động nhập khẩu vàng có thể là nguyên nhân khiến tỷ giá chợ đen tăng nhanh và tạo áp lực tâm lý đẩy tỷ giá chính thức đi lên theo. 

"Với nghi vấn như vậy, việc tăng cung vàng sẽ kéo chênh lệch trong nước - thế giới thấp xuống và tạo ra một tâm lý rất quan trọng để tỷ giá hối đoái không chịu sức ép về mặt tâm lý", ông Phước nhận định.

 

H.Mĩ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.