|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những lý giải về nguyên nhân giá vàng tăng cao

06:55 | 19/04/2024
Chia sẻ
Xuất phát từ tình hình địa chính trị căng thẳng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, việc giá vàng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại dường như không khó lý giải.

Giá vàng thế giới liên tục tăng trong những tuần gần đây, vượt ngưỡng 2.300 USD/ounce hôm 4/4. (Ảnh: THX/TTXVN).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng lý do giá vàng tăng đột ngột hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Sau nhiều tháng liên tục biến động trong vùng tương đối ổn định, giá vàng bắt đầu tăng mạnh vào đầu tháng Ba, từ đó đến nay đã tăng 14% và liên tục tạo ra các đỉnh cao mới.

Tình hình địa chính trị căng thẳng, được cho là yếu tố hỗ trợ giá vàng, đã kéo dài nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm, trong khi triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất cũng đã trở nên mơ hồ hơn trong những tuần gần đây. Vậy, rốt cuộc điều gì đã tạo ra sự thay đổi? 

Ai đang mua vào?

Các chuyên gia trong ngành đã nghiên cứu kỹ các kênh giao dịch toàn cầu, bao gồm hợp đồng kỳ hạn và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) từ New York đến Thượng Hải, cũng như thị trường phi tập trung (OTC) khổng lồ ở London – một mạng lưới toàn cầu do các đại lý có thể bán vàng miếng, tiền đồng và đồ trang sức cho bất cứ ai ở khắp nơi trên thế giới tạo nên.   

Đây là một thế giới không minh bạch và phức tạp, từ trước đến nay đều rất khó thâm nhập. Tuy nhiên, thị trường và cơ quan quản lý nhiều năm qua luôn nỗ lực nâng cao mức độ minh bạch, tăng cường các kênh thu thập dữ liệu, những dữ liệu này sẽ giúp hiểu hơn về việc giá vàng bùng nổ.

Câu hỏi đặt ra là ai đang mua vào? Trước hết, đáp án dễ nhận thấy là các ngân hàng trung ương, ngoài ra còn có các tổ chức và nhà giao dịch lớn chuẩn bị cho việc giảm lãi suất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang lo lắng về lợi nhuận của các tài sản khác sụt giảm và đồng nội tệ mất giá. Trên nền tảng Reddit, các nhà sưu tập khuyến khích tích trữ vàng và tiền vàng.  

Tuy nhiên, những nhóm này đã tồn tại nhiều tháng với tư cách là động lực thúc đẩy đà tăng của vàng (thậm chí đối với các ngân hàng trung ương thì đã là động lực trong nhiều năm). Điều đáng nói là không rõ tại sao lại có người mua vào với nỗi lo ngại, lòng tham hoặc sự nhiệt tình sâu sắc hơn. Dữ liệu thị trường mà các nhà phân tích có được hoàn thiện hơn bất cứ lúc nào trước đây, nhưng đáp án tìm thấy lại mơ hồ, đó là xu hướng mua đồng thời, chứ không phải mua rải rác.

Họ đang mua cái gì?

Gần đây, các nhà đầu tư không mua vào ETF, một trong những công cụ đơn giản nhất của đầu tư vàng. Dòng tiền không ngừng chảy khỏi các ETF vàng, điều này chứng tỏ có một nhóm đối tượng lớn đã bán khống hoặc rút tiền.

Chuyên gia Nate Geraci, Chủ tịch ETF Store nhấn mạnh: “Đây là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất mà tôi từng chứng kiến trên lĩnh vực ETF. Điều đặc biệt thú vị là nhu cầu vàng trên các kênh khác luôn rất mạnh, chẳng hạn như ngân hàng trung ương, cũng như lực mua trực tiếp của cá nhân và nhà đầu tư tư nhân”.  

Đối với lý do dòng vốn ròng vào các ETF suy yếu đáng kể, lý giải của Citigroup là các nhà đầu tư dài hạn mua vào vàng trong những năm trước tiến hành chốt lãi. Chuyên gia Joe Cavatoni, người phụ trách nền tảng ETF của Hội đồng Vàng Thế giới nhấn mạnh, dòng vốn chảy ra ổn định và quy mô lớn không gây ảnh hưởng lớn hơn đối với giá cả, thực tế cho thấy nhu cầu đối với vàng miếng được bán ra là mạnh mẽ, với các ngân hàng trung ương đương nhiên là người mua.   

Chuyên gia Joe Cavatoni cho rằng vẫn có các nhà đầu tư khác đang mua bán vàng giao ngay, do đó sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng gì. Vậy vàng sẽ chảy vào đâu? Nhiều khả năng là thị trường OTC.

Họ mua ở đâu, khi nào?

Trên các thị trường tương lai và OTC lớn, hoạt động giao dịch đang tăng mạnh, điều đó đồng nghĩa với việc các bên mua có tổ chức thường thấy - bao gồm ngân hàng trung ương, ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia - đang tham gia vào quá trình này. Hoạt động giao dịch quyền chọn cũng đang nóng lên, cùng với việc các nhà giao dịch quyền chọn tranh giành để bù đắp rủi ro, thị trường kỳ vọng giá vàng có thể tiếp tục tăng cao.  

Các giao dịch chủ yếu tập trung vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Mọi người đều biết rằng, thị trường vàng rất nhạy cảm đối với những thay đổi của dữ liệu kinh tế Mỹ, điều này càng đúng kể từ khi giá vàng tăng vọt vào tháng Ba. Các báo cáo kinh tế quan trọng được công bố vào những ngày này sẽ phản ánh điểm mạnh và điểm yếu của ngành sản xuất, việc làm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát, đồng thời hoạt động tập trung mua sau khi dữ liệu được công bố sẽ cung cấp manh mối quan trọng cho việc tìm ra những người tham gia thị trường có tác động lớn nhất.

Tuy nhiên, bản thân điều đó đã khiến các nhà phân tích cảm thấy bối rối vì dữ liệu gần đây rất tốt, các nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối và trái phiếu luôn đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất muộn hơn và biên độ thấp hơn hơn dự kiến vài tháng trước đó.

Về lý thuyết, điều này không có lợi đối với vàng, vì lãi suất cao sẽ khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn so với các tài sản có lãi suất như trái phiếu. Các nhà đầu tư cũng đang đẩy cao tỷ giá đồng USD khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai thị trường tiêu dùng lớn nhất.

Sự đảo ngược này có thể cho thấy, các nhà đầu tư lo lắng hiện đang đổ xô nắm giữ vàng vật chất như một hàng rào chống lại những biến động tiềm ẩn.

Vì sao họ mua vào thời điểm này?

Đây là câu hỏi then chốt. Có một lỗ hổng rõ ràng trong câu chuyện của 5 tuần qua, đó chính là mặc dù Fed vẫn dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay (điều này sẽ giúp vàng tăng giá), nhưng về thời điểm cắt giảm lãi suất thì sự chắc chắn của nhiều nhà đầu tư đã không còn lớn như những tháng trước đây.  

Có một khả năng là, một số nhà đầu tư vàng đang tập trung vào viễn cảnh nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng dựa trên dữ liệu gần đây và đang đổ xô mua vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Điều này cũng có thể giải thích cho một động thái kỳ lạ khác trên thị trường vàng trong những tuần gần đây: Mối quan hệ giữa chênh lệch giá vàng kỳ hạn và lãi suất của Fed được theo dõi chặt chẽ.

Cùng với việc giá giao ngay tăng, tỷ lệ phần trăm lợi suất giữa hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn 3 tháng trên thị trường đã thấp hơn lãi suất của Fed một cách bất thường trong những tuần gần đây. Trong lịch sử, tình trạng này chỉ tồn tại khi lãi suất ở mức thấp hoặc sắp giảm với biên độ lớn.

Chuyên gia Ole Hansen, Giám đốc bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, nhấn mạnh: “Có rất nhiều điều không bình thường về đợt tăng giá lần này, đặc biệt là khi lãi suất vẫn còn cao. Tôi cho rằng câu chuyện đang diễn biến thành lạm phát cao dai dẳng, cũng như có thể vẫn có một cuộc "hạ cánh cứng", đồng thời nhiều bất ổn địa chính trị và tình trạng phi toàn cầu hóa đã thúc đẩy nhu cầu của các ngân hàng trung ương”.

Thạch Bình