|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giám sát chặt, kịp thời xử lý các vi phạm về kinh doanh vàng

21:34 | 17/04/2024
Chia sẻ
Lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi biến động mặt hàng vàng, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm.

Lực Lượng Quản lý Thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước tình trạng giá vàng liên tục nhảy múa, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 23/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã đẩy mạnh việc quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi biến động với mặt hàng vàng. Cùng đó, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Gần đây thị trường vàng lại nổi sóng khiến giá vàng liên tục trồi sụt, giá vàng trong nước tăng cao cùng với đà tăng của thị trường thế giới. Không những vậy, mặt hàng này lại không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng nhưng việc vàng tăng giá mạnh gây ra nhiều hệ luỵ không chỉ với nền kinh tế mà còn khiến người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong kinh doanh vàng tại Việt Nam, ngày 19/12/2023 Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành văn bản số 2909/TCQLTT-CNV chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, giám sát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng hàng không... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán, vận chuyển trái phép vàng vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, ngày 21/3/2024 Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục ban hành văn bản số 587/TCQLTT-CNV chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý vàng.

Do vậy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi biến động mặt hàng vàng, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế hoạt động kinh doanh vàng tại địa bàn Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động rà soát, xây dựng, triển khai thực hiện ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng vàng; chú trọng kiểm tra về điều kiện kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ...

Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố còn lại, tùy theo diễn biến thị trường tại địa phương tiến hành xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng vàng (nếu cần thiết).

Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường khẩn trương tăng cường giám sát, phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm về kinh doanh mặt hàng vàng; nhất là đăng ký kinh doanh và điều kiện kinh doanh; chấp hành quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Kiểm tra hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử (nếu có).

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hàng hoá vi phạm tại cơ sở kinh doanh vàng bạc Ngọc Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Cần Thơ, Quảng Ninh... đã liên tục tiến hành kiểm tra nhiều điểm kinh doanh vàng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Hoạt động kiểm tra nhằm triển khai chỉ đạo tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Tương tự, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đã đồng loạt kiểm tra ba điểm kinh doanh vàng, bạc nằm trên địa bàn thành phố như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Phúc Thành Hà Nội, số 276 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vàng Bảo Tín Lan Vỹ, số 84A Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vàng bạc Chiến Minh, số 119 Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng đã xác định một số hành vi vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, niêm yết giá, vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử...

Thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn.

Theo đó, các Đội Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn các quận, huyện. Qua kiểm tra, doanh nghiệp xuất trình đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân theo quy định.

Bước đầu, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm như bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa. Ngoài ra, các mặt hàng (bông tai, mặt dây chuyển, lắc tay...) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Do vậy, lực lượng đã lập biên bản và đang làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, sau khi Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đồng loạt tiến hành kiểm tra việc kinh doanh vàng tại các cơ sở kinh doanh, bất ngờ nhiều cửa hàng đã đóng cửa không rõ nguyên do. Đơn cử, tại chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh Vàng bạc đá quý Hồng Kim Ngọc (đường Nguyễn Duy Dương, phường 9, quận 5) đã treo biển đóng cửa từ 1/4 đến 18/4.

Còn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vàng bạc đá quý Tuấn Anh An Đông, chi nhánh Kim Dung (19 An Dương Vương, phường 8, quận 5), Trung tâm kim hoàng 87-98, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vàng bạc đá quý Ngọc Thắm Lành, doanh nghiệp tư nhân Vàng bạc đá quý Ngọc Trang, cửa hàng vàng Diệp Trang (cùng ở đường Nguyễn Duy Dương, phường 9, quận 5)... cũng đều đóng kín cửa.

Theo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, việc các cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa trong thời gian qua bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có một số chỗ di dời địa điểm, một vài cửa hàng xin sửa chữa, nhiều địa điểm đã đóng cửa nhiều tháng nay. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng loạt triển khai kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng vừa kiểm tra 2 cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý thuộc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Lê Cương có địa chỉ số 12, Lê Quý Đôn, Phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long.

Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở kinh doanh đang bày bán các sản phẩm trang sức kim loại vàng, kim loại bạc, đá các loại; trong đó, có 6 sản phẩm (bông tai, vòng tay, mặt dây chuyền, nhẫn) mang nhãn hiệu Chanel và 3 sản phẩm (vòng tay, mặt dây chuyền) mang nhãn hiệu LV (Louis Vuitton).

Đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: lực lượng Quản lý thị trường đã tạm giữ hàng hóa để xác minh và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo Cục đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xử phạt doanh nghiệp 90 triệu đồng, xử lý tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Lê khẳng định: việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng. Đặc biệt, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra về chất lượng vàng cũng như các hành vi đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng vàng của các tổ chức, cá nhân.

Uyên Hương

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.