|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch PNJ: Nhiều lúc chúng tôi phải hạ công suất vì giá vàng quá cao

12:10 | 17/04/2024
Chia sẻ
Chủ tịch PNJ cho biết việc mua vàng nguyên liệu ở thời điểm biến động giá mạnh như hiện tại là điều rất khó khăn. Bên cạnh đó, công ty gặp những thách thức lớn trong việc thu mua vàng có nguồn gốc rõ ràng.

 Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết giá vàng liên tục tăng cao đang tạo ra thách thức cho lớn cho công ty. 

“Nhiều cổ đông nói giá vàng tăng, tài sản PNJ cũng tăng nhưng thực ra lại tạo ra thách thức lớn trong việc bảo toàn tài sản nếu giá vàng đi xuống. Điều này rất căng thẳng đối với ban điều hành và dự báo giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới”, bà Dung nói. 

Theo bà, giá vàng thời gian qua liên tục tăng do những bất ổn địa chính trị trên thế giới, gần đây nhất là xung đột giữa Iran và Israel. Kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng, nhất là Trung Quốc. Còn tại Châu Âu, tình hình vẫn rất khó khăn. Lãi suất của Mỹ được kỳ vọng giảm từ tháng 6 nhưng bây giờ không còn nữa. 

“Những điều đó tác động đến giá vàng và hoạt động của công ty. Hàng ngày ban lãnh đạo phân tích thông tin để đối phó”, bà cho biết. 

Theo chủ tịch của PNJ, giá vốn của công ty biến động theo giá nguyên liệu, vốn chiếm khoảng 50%. Khi giá nguyên liệu biến động 5%, công ty sẽ điều chỉnh giá thành phẩm. 

Lượng vàng sản xuất hàng năm của PNJ hàng năm trên 10 tấn, trong khi giá biến động trong từng giờ. 

“Do đó, chúng tôi phải tính toán khi nào mua nào? và mua bao nhiêu? để đảm bảo được giá vốn. Có những ngày chấp nhận giảm công suất vì giá đã quá cao, không có hàng sản xuất. Giá vàng lên xuống bấp bênh nên kinh doanh vàng cần phải có kỹ năng phân tích tốt. Ví dụ trong ngày Vía Thần tài, chúng tôi phải mua dự trữ từ tháng 10 của năm trước đó với lượng rất lớn. Nhưng có những lúc gần sát ngày Vía Thần tài không thể mua thêm vì giá quá cao. Do đó phải tính toán đầu ra và giá cả”, bà Dung nói.

Bà Dung cho biết công ty phải mua từ nhiều nguồn như người dân, các nhà bán lẻ và có kê khai, hoá đơn chứng minh nguồn gốc. Đây cũng là điều khó khăn cho ban điều hành bởi "đôi khi có vàng nhưng cũng không dám mua vì nguồn gốc chưa rõ ràng". 

Giá vàng SJC và vàng nhẫn liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Theo đó, giá vàng nhẫn đạt kỷ lục hơn 78 triệu đồng/lượng, tăng so với mức chỉ khoảng 62 triệu đồng/lượng hồi đầu năm. 

Còn với vàng miếng SJC, giá tăng từ mức khoảng 72 triệu đồng/lượng lên mức cao nhất lịch sử trên 84 triệu đồng/lượng. 

 Nguồn: Wichart, Doji (H.Mĩ tổng hợp)

Trong năm 2024, ban lãnh đạo PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng, đều là các con số kỷ lục nếu đạt được. 

Phía công ty đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô còn đối mặt với nhiều khó khăn. Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi là một nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động bán lẻ tiêu dùng, sức mua chung có thể chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm nay.

Năm ngoái, PNJ là một trong số ít các công ty bán lẻ vẫn giữ được đà tăng trưởng trong lợi nhuận. Dù doanh thu giảm nhẹ 2% còn 33.137 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế vẫn tăng gần 9% lên mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng, nhờ chuyển dịch cơ cấu dòng hàng để cải thiện biên lợi nhuận.   

Năm qua công ty cũng đã mở thêm được 48 cửa hàng, nâng tổ số lên 400 vào cuối 2023. Trong 2 tháng đầu năm nay, công ty tiếp tục mở thêm 2 cửa hàng nâng tổng số lên 402.

CEO của PNJ ông Lê Trí Thông cho biết lợi nhuận năm nay tăng 6% thì doanh thu phải tăng trưởng khoảng 12%. Đặc thù năm nay là khách hàng mua sản phẩm 24K, vàng miếng cao hơn so với vàng trang sức.

"Nhu cầu mua vàng để phòng thủ tăng lên so với những năm thuận gió. Do đó, tỷ trọng vàng 24K cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trung bình sẽ giảm đi bởi hiện nay nay biên lợi nhuận kinh doanh vàng miếng chưa đến 1% trong khi vàng trang sức lên đến hai chữ số", ông Thông nói. 

 

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.