|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia: Đấu thầu vàng miếng sẽ giúp giá vàng giảm mạnh nhưng chưa xử lý được vấn đề 'một mình một chợ'

15:19 | 16/04/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc NHNN đấu thầu vàng sẽ khiến giá vàng trong nước giảm mạnh, thu hẹp khoảng cách với vàng thế giới nhưng không xử lý được câu chuyện giá vàng SJC 'một mình một chợ' vì vẫn độc quyền.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy, sau 11 năm,  lần đầu tiên NHNN có kế hoạch mở trở lại kênh đấu thầu vàng miếng SJC.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới nới rộng, những ngày gần đây giá vàng đang cao kỷ lục, trên 85 triệu đồng/lượng, chênh lệch khoảng 12 -13 triệu đồng so với vàng thế giới. Trước diễn biến nóng của thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu cần có giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Với động thái mở lại kênh đấu thầu thị trường vàng, NHNN kỳ vọng việc tăng cung sẽ xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.

Đánh giá về động thái này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng câu chuyện đấu thầu vàng không phải chưa từng diễn ra mà đã từng thực hiện hồi năm 2013 với khoảng 76 lượt đấu thầu vàng.

"Tôi cho rằng lần này NHNN cũng đang cho vận hành nghiệp vụ này trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế", ông nói.

Chuyên gia đánh giá động thái này sẽ góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với giá vàng trên thế giới cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Trước đó, vào năm 2013, công cụ đấu thầu vàng cũng đã được NHNN sử dụng nhằm hạ nhiệt giá vàng.

Cụ thể, trong năm 2013, nhà điều hành đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (gần 70 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. 

Phân tích thêm về bối cảnh năm 2013 khi NHNN từng thực hiện động thái đấu thầu vàng, ông Lực cho biết năm 2013 và các năm trước đó, câu chuyện vàng hoá rất nóng trong nền kinh tế.

Thời điểm đó, NHNN cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể vay vàng, cho vay vàng và thanh toán bằng vàng. Chính vì vậy, mức độ vàng hoá ở thời điểm đó rất cao và đã gây ra nhiều biến động trên thị trường.

Sau đó, Nghị định 24 ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hoá. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

"Chúng ta phải nhập khẩu một số lượng vàng nhất định bởi nguồn cung trong nước không đủ. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các bộ ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô", TS. Lực cho biết. 

Theo ông, về cơ bản, NHNN đã có phương án để khắc phục vấn đề của thị trường vàng, sắp tới quan trọng là phải nhất quán trong triển khai thực hiện.

Ông Lực dự báo NHNN sẽ sớm ổn định được thị trường vàng, giải quyết quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua, chủ yếu do giá vàng quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 20%, trong nước tăng 12-13% và chủ yếu do địa chính trị, rủi ro tăng lên, xung đột ở Trung Đông và một số khu vực khác.

Vì vậy, thị trường vàng còn phụ thuộc vào câu chuyện quốc tế, các xu hướng xung đột trên thế giới. Sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối.

Dù vậy, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này như việc phát hành tín phiếu NHNN để tăng lãi suất liên ngân hàng qua đó giảm lãi suất USD – VND, qua đó giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NĐT).

Đồng quan điểm việc đấu thầu vàng sẽ góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng việc NHNN đấu thầu vàng sẽ không có quá nhiều tác động đến giá vàng của SJC và các thương hiệu khác.

Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế xuất phát từ câu chuyện thương mại, xuất nhập khẩu. Việc SJC độc quyền về xuất nhập khẩu và không xuất, không nhập khẩu vàng thời gian qua khiến giá vàng trong nước tăng cao so với thế giới.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng SJC và các thương hiệu vàng khác là do SJC là thương hiệu độc quyền  vàng miếng, độ an toàn cao nên giá của vàng SJC khác với các thương hiệu khác.

"Vì vậy, việc đấu thầu vàng không phải là biện pháp căn bản để xử lý giá vàng chênh giữa SJC và các thương hiệu vàng khác. Biện pháp căn cơ nhất là vấn đề thương mại, phải cho phép một số doanh nghiệp được xuất nhập khẩu bình thường và dùng công cụ thuế, hải quan điện tử để kiểm soát và quản lý thị trường vàng", ông Nghĩa nêu kiến nghị.

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.