|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Trương Văn Phước: Tăng cung vàng sẽ giúp tỷ giá giảm sức ép

12:31 | 17/04/2024
Chia sẻ
Theo TS. Trương Văn Phước, việc Mỹ chần chừ không hạ lãi suất, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế, một số yếu tố thời vụ và gần đây nhất là cuộc xung đột Iran - Israel đã củng cố sức mạnh của USD. Ông cho rằng NHNN nên sớm sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo VND tương đối ổn định so với USD ở một mức độ lớn nhất có thể.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Tỷ giá tăng không chỉ vì xung đột Iran - Israel

Trong ba ngày liên tiếp, tỷ giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại liên tục tiến sát trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Sáng ngày 17/4, tỷ giá bán tại ngân hàng Vietcombank đã lên mức kỷ lục là 25.440 VND/USD, trong khi trần của NHNN là 25.442 VND/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã sát trần kể từ phiên chiều ngày 15/4 (thứ Hai). 

Tỷ giá bán ra USD đã chạm trần trong ba phiên liên tiếp. (Ảnh: WiChart).

Trước đó vào tối ngày 13/4, Iran đã tiến hành cuộc không kích vào lãnh thổ Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa. Sau vụ không kích, chỉ số USD Index (DXY) đo lường sức mạnh USD đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 trong bối cảnh thị trường chờ đợi phản ứng đáp trả từ phía Israel và lo ngại xung đột lan rộng. 

Trao đổi với người viết, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết ngoài câu chuyện xung đột, cần phải đặt tổng thể câu chuyện tỷ giá trong mối quan hệ giữa USD và các đồng tiền khác. 

"Trong thời gian vừa qua, giới quan sát cho rằng tỷ giá giữa USD và VND có tương thích với biến động của USD Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với một số ngoại tệ chủ chốt khác", ông nói. "Vừa rồi, do Fed chần chừ trong việc giảm lãi suất nên USD trên thị trường thế giới tăng cao".

Chuyên gia thông tin thêm rằng ban đầu, thị trường dự báo lần cắt giảm đầu tiên là tháng 6/2024, nhưng đến nay kỳ vọng đã chuyển sang tháng 9. Theo ông, diễn biến của USD trên thị trường thế giới tạo ra tâm lý kéo USD đi lên, dù NHNN vẫn giữ tỷ giá trung tâm không tăng quá nhiều. 

DXY đã lên gần bằng mức cao ghi nhận hồi tháng 11/2023. 

Theo ông Phước, yếu tố thứ hai tác động đến tỷ giá có liên quan đến vàng: "Trong mấy tháng trở lại đây, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao, Chính phủ đã có công điện yêu cầu hạ chênh lệch. Nhưng đến giờ phút này, NHNN cũng chỉ có một thông báo là sẽ đấu thầu vàng".

Đồng thời, trong hai tháng trở lại đây, tỷ giá thị trường tự do (chợ đen) tăng nhanh. Theo ông Phước, đã có nhiều thông tin, nghi vấn cho rằng tỷ giá chợ đen tăng cao do hiện tượng nhập vàng nguyên liệu từ nước ngoài. Tỷ giá chợ đen có lúc tạo khoảng cách quá lớn, lên tới 700 - 800 đồng so với thị trường trong nước, ảnh hưởng tâm lý thị trường, ông nói thêm.

“Người ta do dự rằng biết đâu tỷ giá của ngân hàng sẽ tăng cao. Tỷ giá thế giới tăng cao, biết đâu Việt Nam cũng vậy", chuyên gia nhận định. 

Đầu năm 2024, tỷ giá giữa thị trường tự do và ngân hàng từng ghi nhận chênh lệch lớn. (Ảnh: WiChart).

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết tỷ giá còn chịu yếu tố thời vụ khi cuối tháng 3 là năm tài chính ở các nước phương Tây, nên có hiện tượng chuyển vốn của năm tài chính về nước, tạo cầu ngoại hối lớn. 

Đồng thời, mặc dù thống kê là Việt Nam có xuất siêu, nhưng chuyên gia cho rằng thực chất lượng tiền ngoại hối về có tương ứng với kim ngạch hay không cũng là một vấn đề cần lưu ý.  Chuyên gia cũng nhắc đến yếu tố tín dụng tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm, có thể khiến các ngân hàng chuyển một phần vốn qua ngoại tệ. 

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định các yếu tố chính trị góp một phần khiến USD mạnh lên và ảnh hưởng tới tỷ giá USD/VND.

"Đương nhiên, yếu tố chính trị hay xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel, Israel - Iran cũng làm tỷ giá tăng lên. Bởi vì bất cứ khi nào mà chính trị, an ninh thế giới có vấn đề, người ta đều lựa chọn USD làm nơi trú ẩn an toàn nhất", ông nhấn mạnh. 

Cho đến nay, NHNN vẫn chưa có nhiều động thái mạnh mẽ hơn việc phát hành tín phiếu để hút tiền hay đưa ra các thông báo, cam kết trên truyền thông (jawboning). 

"Với tư cách là một chuyên gia, ổn định giá cả, bao gồm cả lạm phát, ổn định lãi suất, ổn định tỷ giá hối đoái là các yếu tố căn bản để tạo ra lòng tin, không chỉ với người dân trong nước, doanh nghiệp trong nước mà với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài", TS. Phước nhận định. 

Theo ông, NHNN cần sớm sử dụng các công cụ chính sách của mình điều tiết nhằm đảm bảo VND tương đối ổn định so với USD ở một mức độ lớn nhất có thể.

Đấu thầu vàng tạo tâm lý tốt, hỗ trợ tỷ giá

Đầu tuần này, NHNN cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, NHNN quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Đến thời điểm hiện nay có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. 

Theo chuyên gia, đấu thầu vàng giúp tăng cung cho thị trường và với một mức cầu không đổi, chắc chắn giá giảm. 

"Tôi nghĩ quyết định đấu thầu vàng là quá tốt", ông nói. "Mặc dù chưa thể khẳng định nhưng một sự chênh lệch 18 - 20 triệu/lượng vàng so với quốc tế là yếu tố và cơ hội để cho hiện tượng dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng". Như đã phân tích ở trên, hoạt động nhập khẩu vàng có thể là nguyên nhân khiến tỷ giá chợ đen tăng nhanh và tạo áp lực tâm lý đẩy tỷ giá chính thức đi lên theo. 

"Với nghi vấn như vậy, việc tăng cung vàng sẽ kéo chênh lệch trong nước - thế giới thấp xuống và tạo ra một tâm lý rất quan trọng để tỷ giá hối đoái không chịu sức ép về mặt tâm lý", ông Phước nhận định.

Sau các thông tin NHNN sẽ can thiệp thị trường vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước - quốc tế đã được thu hẹp. (Ảnh: WiChart).

Minh Quang