|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bản Việt - Một ngân hàng kín tiếng sắp lên UPCoM

07:44 | 18/09/2019
Chia sẻ
Từng được nhắc đến nhiều cùng với gương mặt lãnh đạo trẻ là bà Nguyễn Thanh Phượng, hiện là thành viên HĐQT, Ngân hàng Bản Việt có vẻ khá kín tiếng trong thời gian gần đây, ngay cả khi chuẩn bị giao dịch trên "sàn" UPCoM.
dd_1568774858

Ngày 16/9, hơn 317 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) chính thức được lưu kí trên UPCoM với mã chứng khoán là BVB. Tuy nhiên, ngân hàng chưa đưa ra thông tin cụ thể về ngày giao dịch đầu tiên.

Ngân hàng Bản Việt tiền thân là Ngân hàng TMCP Gia Định được thành lập vào năm 1992 với vốn điều lệ ban đầu là 80 tỉ đồng và chỉnh thức đổi tên vào đầu năm 2012. 

Qua vài lần tăng vốn sau đó tới năm 2011, vốn điều lệ của ngân hàng đạt 3.000 tỉ đồng. Mức vốn điều lệ này được giữ đến cuối năm 2018, trong nửa đầu năm 2019, Ngân hàng Bản Việt đã tăng vốn lên 3.171 tỉ đồng.

Tuy nhiên, với vốn điều lệ chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức vốn điều lệ tối thiểu, Bản Việt là một trong những ngân hàng  có qui mô nhỏ nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

viber_image_2019-09-17_15-59-56

Nguồn: DB tổng hợp

Lợi nhuận ngân hàng giảm dần qua các năm

Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 47.073 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2018 và tăng hơn 62% so với con số năm 2015 (29.019 tỉ đồng) và tăng gấp 4,7 lần so với cuối năm 2010.

Qui mô cho vay khách hàng của ngân hàng đạt 31.400 tỉ đồng, gần gấp đôi so với con số năm 2015 với hơn và gấp 7,6 lần nếu so sánh với năm 2010.

viber_image_2019-09-17_15-59-55

Nguồn: DB tổng hợp

Mặc dù tổng tài sản và cho vay khách hàng tăng trưởng khá đều đặn hàng năm kể từ năm 2010 nhưng lợi nhuận của ngân hàng lại không khả quan như vậy. Theo số liệu từ các báo cáo tài chính ngân hàng, lợi nhuận ròng của Bản Việt có xu hướng giảm đi trong những năm gần đây.

Trong khi vào những năm 2011 - 2014, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đều ở trên mốc 100 tỉ đồng (một con số không quá cao so với những ngân hàng cùng qui mô), thậm chí có năm vọt lên 270 tỉ đồng, thì lợi nhuận từ năm 2015 - 2018 lại chưa thể vượt qua mốc 100 tỉ đồng.

Đặc biệt lợi nhuận của năm 2016 lại rất thấp, chỉ chưa đầy 3 tỉ đồng, con số này cũng đang có sự cải thiện dần những năm sau đó.

viber_image_2019-09-17_15-59-54

Nguồn: DB tổng hợp

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 18% so với cùng kì năm trước, đạt gần 48 tỉ đồng. Riêng trong quí II, lợi nhuận trước thuế đạt 26,3 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước ghi nhận lỗ hơn 28 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh (hơn 40%) lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán của ngân hàng.

Cùng với sự sụt giảm về lợi nhuận, tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Bản Việt có xu hướng tăng trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) lại giảm dần qua các năm từ 2015 - 2018.

viber_image_2019-09-17_16-32-31

Nguồn: DB tổng hợp

Điểm nhấn về dàn lãnh đạo ngân hàng

Khi nhắc đến Ngân hàng Bản Việt, có lẽ không thể không nhắc đến dấu ấn của bà Nguyễn Thanh Phượng. 

Đầu năm 2012, khi Ngân hàng TMCP Gia Định được chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bản Việt thì bà Phượng cũng được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, khi đó bà 32 tuổi và một trong những vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất thời gian đó.

Tuy nhiên, hơn một năm sau đó, vị trí của bà được ông Lê Anh Tài thay thế và bà Phượng chuyển về nắm giữ vị trí thành viên HĐQT. Qua 7 năm, cơ cấu thành viên Hội đồng Quản trị của ngân hàng đã có sự rút gọn rất nhiều, từ 9 thành viên xuống còn 5 thành viên.

Screen Shot 2019-09-16 at 11

Cơ cấu Hội đồng quản trị hiện tại của Ngân hàng Bản Việt (Nguồn: VietCapitalBank)

Trước khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch thay bà Phượng, ông Tài giữ vai trò là Thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc, phụ trách khối kinh doanh tín dụng, chính sách khách hàng và phát triển sản phẩm của Ngân hàng Bản Việt. 

Trước khi gia nhập Bản Việt, ông Tài là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa. Ông cũng đã từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như: ACB, BIDV, Nam A Bank, Kienlongbank. 

Ai là cổ đông lớn?

Theo báo cáo thường niên của ngân hàng, đến cuối năm 2018, VietCapitalBank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là CTCP Đầu tư Khu Đô Thị Mới Sài Gòn với số cổ phiếu nắm giữ là gần 40,9 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 13,622% vốn điều lệ.

Cơ cấu cổ đông của ngân hàng gồm 14 cổ đông tổ chức nắm 21,84% vốn và 911 cổ đông cá nhân nắm giữ 78,16% vốn và toàn bộ là cổ đông trong nước.

Picture1

Cơ cấu cổ đông lơn của VietCapitalBank vào cuối năm 2013 (Nguồn: BC thường niên của ngân hàng)

Trước đó, ngân hàng còn hai cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tấn Phát (nắm 12,2% vốn) và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (nắm 8,155% vốn), nhưng đến năm. Tuy nhiên, đến năm 2015, danh sách cổ đông lớn đã không có tên của hai công ty này.

CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm là một trong những cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cùng với nhóm "bầu" Kiên (tức ông Nguyễn Đức Kiên). 

Ông Dương Ngọc Hoà (sinh năm 1956) là người sáng lập và nguyên là Giám đốc của Hoa Lâm hiện là Chủ tịch HĐQT VietBank và con trai của ông là Dương Nhất Nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT.

Tổng số cổ phiếu mà gia đình Chủ tịch Dương Ngọc Hoà sở hữu hiện là hơn 56,3 triệu cổ phiếu, tương đương 13,443% vốn điều lệ của VietBank.

Diệp Bình