|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngấm đòn dịch COVID-19: Nhà hàng đóng cửa hàng loạt, nhân viên thất nghiệp kéo nhau về quê

08:45 | 16/03/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống, kéo theo đó là những hệ lụy không thể cân đo đong đếm.

Theo Cục thuế Hà Nội, thống kê đối với nhóm hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn cho thấy số hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng 1 và cùng kì năm ngoái.

Cụ thể, trong tháng 1 số đơn vị phát sinh hóa đơn là 13.826, với mức tăng doanh thu 5%, thuế phải nộp tăng 4,9% so với cùng kì.

Nhưng sang tháng 2 chỉ còn 4.281 hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn, giảm 57,4% so với cùng kì dẫn đến giảm hơn 53% doanh thu và 50,7% số thuế phải nộp so với cùng kì, tập trung chủ yếu vào nhóm kinh doanh các lĩnh vực như lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là từ giai đoạn 2 của dịch, nhiều nhà hàng tại Hà Nội đồng loạt đóng cửa, trả mặt bằng hoặc tạm nghỉ do lâm vào cảnh ế khách, hụt doanh thu, không "gánh" nổi tiền thuê mặt bằng,…

Nhân viên thất nghiệp, kéo nhau về quê

Anh H, nhân viên một nhà hàng có địa chỉ tại phố Dã Tượng, Hoàn Kiếm (Hà Nội) buồn bã chia sẻ, anh đang chuẩn bị về quê nhưng không phải để tránh dịch mà vì thất nghiệp.

Anh H tâm sự, nhà hàng của anh có 8 cơ sở ở Hà Nội, thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19, tình hình kinh doanh của chuỗi nhà hàng có khó khăn nhưng không nặng nề như mấy ngày gần đây. "Hà Nội cũng có ca nhiễm nên nhiều người sợ không dám đi ăn ngoài", anh nói.

Cũng theo anh H, khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, những ngày sau đó, lượng khách ghé nhà hàng ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có ngày chỉ có đúng một khách. Ngày nào khá hơn thì cũng chỉ có 5 -7 người khiến nhà hàng phải đưa ra phương án cho nhân viên nghỉ luân phiên.

Ngấm đòn dịch COVID-19: Nhà hàng đóng cửa hàng loạt, nhân viên thất nghiệp kéo nhau về quê - Ảnh 1.

Buổi trưa thường là giờ cao điểm nhưng nhà hàng của anh H vẫn vắng khách chưa từng thấy. (Ảnh: NVCC)

"Tình trạng vắng khách diễn ra triền miên khoảng 1 tuần thì nhà hàng của tôi và 7 cơ sở còn lại quyết định đóng cửa. Nhân viên như chúng tôi bất ngờ và vô cùng hụt hẫng bởi không biết phải đi đâu về đâu", anh H nói.

Anh H cũng cho biết, chủ nhà hàng của anh cũng rất buồn nhưng vì chi phí thuê mặt bằng quá lớn mà liên tục không có doanh thu nên không thể duy trì tiếp. Chủ nhà hàng cũng quyết định trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng cho mỗi nhân viên đến khi hết dịch và nhà hàng hoạt động trở lại. "Nhưng biết đến bao giờ mới hết dịch", anh H thở dài.

Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, anh H cho biết, anh chưa quyết định sẽ làm gì trong thời điểm này vì anh vốn chỉ quen với công việc hiện tại. Vì thế, anh cho biết tạm thời sẽ về quê nghỉ ngơi một thời gian, sau đó mới tính tiếp.

Đồng cảnh ngộ, anh T, nhân viên một nhà hàng có địa chỉ tại đường Đào Tấn, Liễu Giai (Hà Nội) chia sẻ: "Khi biết tin Hà Nội xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, tôi vì lo lắng nên đã thu xếp công việc để về quê. Nhưng sau khi nghỉ mấy hôm, tôi trở lại Hà Nội thì đột ngột nhận được thông báo nhà hàng tạm thời đóng cửa. Tôi vô cùng hoang mang".

Theo anh T, vì nhà hàng anh đang làm thuộc phân khúc cao cấp nên lượng khách đến ăn vốn không nhiều. Nay lại thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh thu của nhà hàng bị sụt giảm thê thảm. Có những ngày không có nổi một khách vào ăn.

"Tôi đã lường trước được tình huống xấu nhưng không nghĩ mọi việc lại diễn biến nhanh như vậy. Ngay sau khi nhận được tin từ chủ nhà hàng, tôi lại lập tức về quê. Bao giờ nhà hàng mở cửa trở lại thì chắc có lẽ khi đó tôi mới trở lại Hà Nội. 

Bởi vì đây là tình trạng chung, nhiều nhà hàng và quán ăn cũng đóng cửa rất nhiều, tôi không biết phải đi xin việc ở đâu. Lại một năm kinh tế buồn rồi", anh T nói.

Cũng theo anh T, bạn bè của anh làm tại một số nhà hàng ở Hà Nội cũng đang phải chịu chung hoàn cảnh với anh nên đã kéo nhau về quê.

Là chủ một quán ăn trên phố Thái Thịnh (Hà Nội), chị An chia sẻ, chị vừa phải thông báo một quyết định rất buồn tới các nhân viên của mình đó là đóng cửa quán, trả lại mặt bằng. Bởi khách không có, trong khi tiền thuê mặt bằng lại quá "chát".

"Tôi quyết định trả lại mặt bằng mặc dù chủ nhà nói sẽ chỉ thu tiền thuê mặt bằng 3 tháng một chứ không thu nửa năm một như trước nữa", chị An nói.

Cần các phương án hỗ trợ khách thuê

Trong những tháng đầu năm 2020, cùng với tác động Nghị định số 100 có hiệu lực từ 1/1/2020, xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe, dịch COVID-19 tiếp thêm 1 đòn tác động lên ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Theo khảo sát của Savills gần đây cho thấy, doanh thu một số nhà hàng tại TP HCM đã giảm lên đến 50% trong tháng 2 so với các tháng trước đó.

Đơn vị này cho biết, dịch COVID-19 bùng phát là bước ngoặc mà tại điểm này các chủ kinh doanh ẩm thực đưa ra định hướng kinh doanh, trong khi chủ nhà phố cần xem xét điều chỉnh giá thuê phù hợp hơn.

Bởi trong thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ thì hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều mặt bằng kinh doanh tọa lạc tại những con phố sầm suất tại Hà Nội và TP HCM rơi vào tình cảnh im ắng chưa từng có. Thậm chí nhiều mặt bằng treo biển cho thuê, giảm giá mà cũng không đắt khách.

Ngấm đòn dịch COVID-19: Nhà hàng đóng cửa hàng loạt, nhân viên thất nghiệp kéo nhau về quê - Ảnh 2.

Mặt bằng trung tâm bỏ trống hàng loạt ngay tại quận trung tâm TP HCM. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Ngấm đòn dịch COVID-19: Nhà hàng đóng cửa hàng loạt, nhân viên thất nghiệp kéo nhau về quê - Ảnh 3.

Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại các tuyến phố sầm uất của Hà Nội như Bà Triêu, Phố Huế… (Ảnh: VOV)

Đây một phần là do hệ lụy của dịch COVID-19 khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thua lỗ, không có đủ chi phí trả tiền mặt bằng nên đành phải trả lại cho chủ nhà.

Thật vậy, trước tình hình khó khăn chung như hiện nay, chủ đầu tư các trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ nên chăng cân nhắc đến phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê, phần nào giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng.

Hà Lê