'Nếu bạn cố giết ý tưởng mà nó không chết thì hãy khởi nghiệp'
Khi học ngành Tâm lý tại Đại học Cambridge (Anh), Phạm Linh - người sáng lập công ty Logivan - từng khởi nghiệp lần đầu tiên. Cô cùng hai người bạn lập một ứng dụng (app) trên điện thoại để giúp người sử dụng nhận tiếp cận cơ hội mua phiếu giảm giá của các cơ sở dịch vụ. Với ứng dụng của Linh, các cơ sở kinh doanh có thêm cơ hội tăng doanh thu, lấp bớt những chỗ trống trong những thời điểm vắng khách.
Ngay từ đầu Linh xác định đối tượng chủ yếu sử dụng app sẽ là sinh viên của trường Cambridge. Vì thế, cô thường xuyên vào các diễn đàn của sinh viên Đại học Cambridge để quảng bá app. Số lượng người tải app về máy tăng khá nhanh. Việc thuyết phục các cơ sở kinh doanh hợp tác với app cũng tương đối thuận lợi. Tình hình đó thôi thúc nhóm sáng lập mở rộng phạm vi hoạt động sang thành phố London.
Phạm Linh - người sáng lập công ty Logivan - cố gắng "tiêu diệt" ý tưởng khởi nghiệp trước khi biến nó thành hiện thực. Ảnh: Nhạc Dương |
Song khi tới London, thực tế không thuận lợi như Linh kỳ vọng. Các cơ sở kinh doanh ở đây không tỏ ra quan tâm tới ứng dụng của cô vì họ đang sử dụng những app khác để quảng bá phiếu giảm giá. Sinh viên ở London cũng không hào hứng như sinh viên ở Cambridge trong việc tải app của Linh về điên thoại.
Sau khoảng một năm rưỡi, chỉ số về người dùng, doanh thu của app đều giảm - dấu hiệu cho thấy ý tưởng của Linh không thể nhân rộng. Nhóm sáng lập cố gắng duy trì app thêm nửa năm nữa nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Vì thế, họ quyết định xóa app và ngừng kinh doanh.
Rút kinh nghiệm từ thất bại đầu tiên, khi nảy ra ý tưởng lập app để kết nối người có nhu cầu chở hàng với tài xế xe tải, nữ cử nhân của trường Cambridge cố gắng tìm mọi lập luận để chứng minh ý tưởng không khả thi. Cô khảo sát ý kiến của các tài xế và những người có nhu cầu chở hàng. Cả hai đối tượng đều đánh giá cao ý tưởng, bởi nó giúp tài xế không phải chạy xe không chiều về, còn người có nhu cầu chở hàng sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển.
Nhưng Linh vẫn chưa yên tâm. Vì thế, cô gặp nhiều chuyên gia trong ngành vận tải để tham vấn và họ cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của ý tưởng. Linh tìm hiểu những mô hình tương tự nhưng đã sụp đổ để xác định những nguyên nhân khiến họ thất bại. Cuối cùng, cô tìm hiểu thực tế trên thế giới và nhận thấy nhiều mô hình như thế đã thành công ở Brazil, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tới lúc ấy, Linh mới cảm thấy cô có đủ căn cứ để khởi động quá trình khởi nghiệp.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 1 năm nay, Logivan là ứng dụng giúp số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ, có hình thức hoạt động như Uber trong lĩnh vực xe tải. Ứng dụng cung cấp hệ thống kết hợp tự động chất lượng cao, cho phép lái xe kiếm nhiều tiền hơn, doanh nghiệp vận chuyển chi tiêu hiệu quả hơn, bảo vệ môi trường bằng cách giảm rác thải khí CO2 trên mỗi chuyến hàng.
Linh cho biết 93% chủ sở hữu xe tải ở Việt Nam là các cá nhân. Trong bối cảnh 60-7-% chuyến xe tải không có hàng để chở chiều về, chi phí để vận chuyển hàng hóa sẽ cao, còn lượng CO2 mà xe thải ra gấp đôi.
Ưng dụng của Logivan tính phí 5% trên mỗi lượt vận chuyển, 20% hoa hồng ở các dịch vụ bảo hiểm cho xe tải. Ngoài ra, công ty còn có thể thu thêm lợi nhuận từ các chuỗi giá trị khác nằm trong mảng dịch vụ liên quan đến phương tiện vận chuyển, tài chính.