|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế thế giới đang giảm tốc nhưng không nghiêm trọng như tưởng tượng

11:02 | 24/11/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế thế giới tiếp tục chậm lại khi năm 2022 đi đến hồi kết, nhưng không lao dốc nghiêm trọng như lo ngại trước đây của các nhà kinh tế. Điều này làm tăng khả năng thế giới sẽ tránh được một cuộc suy thoái sâu trong năm tới.

 

(Hình minh họa: Getty Images). 

Bóng tối và ánh sáng

Theo Wall Street Journal (WSJ), các khảo sát được công bố ngày 23/11 cho thấy sản lượng kinh tế của Mỹ và các nước lớn nhất châu Âu đều suy giảm trong tháng 11. 

Song, những số liệu và chỉ báo kinh tế khác cho thấy bức tranh tổng thể vẫn có những điểm sáng. Một số bộ phận trong các nền kinh tế này vẫn thể hiện được sức mạnh bất chấp lạm phát dai dẳng và lãi suất gia tăng.

Triển vọng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang cực kỳ không chắc chắn trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng vọt. Nhưng các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi trong năm sau nhờ việc chính phủ nới lỏng các hạn chế chống dịch.

Thị trường lao động mạnh mẽ và tình hình tài chính vững vàng của các hộ gia đình Mỹ đang hỗ trợ cho chi tiêu tiêu dùng, động cơ chính của nền kinh tế. Mức chi tiêu ổn định của người dân đã tiếp sức cho doanh số bán lẻ trong tháng 10 và có thể giúp Mỹ tiếp tục tăng trưởng cho đến hết năm.

Châu Âu không chứng kiến nhiều gián đoạn kinh tế từ việc Nga hạn chế nguồn cung năng lượng như giới phân tích từng lo sợ. Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết các hộ gia đình và doanh nghiệp đang thích nghi với tình hình bằng nhiều cách, ví dụ giảm tiêu thụ năng lượng.

Các chính phủ trong khu vực cũng tung ra các khoản hỗ trợ tài khóa lớn hơn dự kiến để người dân đối phó với chi phí năng lượng và thực phẩm đắt đỏ. 

Một biển hiệu tuyển nhân viên được đặt ở Philadelphia, Mỹ. (Ảnh: AP). 

Ông Posen dự đoán: “Sau cùng, chúng ta sẽ thấy rằng hơn 75% nền kinh tế thế giới vẫn hoạt động tốt. Mỹ và châu Âu có thể sa sút, nhưng nhiều khả năng suy thoái sẽ chỉ diễn ra tương đối ngắn và không nghiêm trọng. Có lẽ đến quý IV/2023 là hai nền kinh tế này đã tăng trưởng trở lại”.

Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển đang bị tụt lại phía sau. Ông David Malpass, Chủ tịch World Bank, từng cảnh báo về rủi ro mà các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt.

Theo ông Malpass, chính sách tiền tệ - tài khoá mà các nước phát triển triển khai để đối phó với lạm phát và tình trạng giảm tốc của nền kinh tế có thể khiến những quốc gia nghèo hơn thiếu vốn.

Chỉ số sản lượng hỗn hợp của S&P Global – thước đo hoạt động kinh tế và dịch vụ - đã giảm từ 48,2 điểm trong tháng 10 xuống còn 46,3 điểm. Chỉ số dưới 50 báo hiệu hoạt động kinh tế suy giảm.

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế cấp cao tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Doanh nghiệp đang phản ánh ngày càng nhiều trở ngại từ việc chi phí sinh hoạt gia tăng, điều kiện tài chính thu hẹp - đặc biệt là chi phí vay nợ cao hơn trước – và nhu cầu suy yếu ở cả trong lẫn ngoài nước”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ báo cáo rằng áp lực lạm phát đã dịu lại trong tháng 11 nhờ chi phí vật liệu và vận chuyển hạ nhiệt.

Chỉ số PMI tại châu Âu cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm trong tháng 11, phần nào phản ánh thiệt hại kinh tế khi giá năng lượng tăng cao. Chỉ số sản lượng hỗn hợp của S&P cho khu vực đồng euro trong tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm.

Triển vọng bấp bênh

Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất bất định. Một trong những câu hỏi lớn ở Mỹ là lạm phát sẽ giảm nhanh đến đâu. Tốc độ suy giảm của lạm phát sẽ ảnh hưởng lớn đến lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt của Fed và khoảng thời gian Fed duy trì mức lãi suất này.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán chi phí đi vay tăng sẽ khiến chi tiêu của người dân và doanh nghiệp đi xuống trong những tháng tới, đe dọa sự tăng trưởng của Mỹ.

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed, các quan chức nhận định suy thoái “gần như có khả năng xảy ra”. Như vậy, giới chức Fed đã hạ thấp triển vọng của nền kinh tế so với lần họp trước đó.

Theo tờ WSJ, châu Âu là khu vực đối mặt với lực cản kinh tế mạnh nhất trong những tháng tiếp theo.

Hôm 22/11, đại gia năng lượng Nga Gazprom đe dọa sẽ cắt thêm nguồn cung khí đốt tới châu Âu - đoạn đường ống đi qua Ukraine - từ tuần tới. Điều này khiến công chúng đặt câu hỏi rằng liệu một trong những tuyến đường ống cuối cùng để đưa khí đốt sang châu Âu có trụ vững hay không.

Tại Trung Quốc, việc nới lỏng các hạn chế COVID là chìa khóa cho sự phục hồi vào năm tới. Nhưng việc các ca nhiễm gia tăng trong những ngày qua đã làm dấy lên nghi vấn về tốc độ dỡ bỏ chính sách Zero COVID của Bắc Kinh.

Số trường hợp mắc COVID-19 tăng liên tục trong những ngày qua. (Ảnh: Reuters). 

Ông Magdalene Teo, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán trả thu nhập cố định tại châu Á của ngân hàng Julius Baer, đánh giá: “Nỗ lực tinh chỉnh chính sách chống COVID của Trung Quốc đang bị thử thách khi số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, đặc biệt là ở trung tâm sản xuất Quảng Châu. Trung Quốc đang nhận ra rằng việc mở cửa trong mùa đông này không phải là việc dễ dàng”.

Nhiều chuyên gia ước tính GDP toàn cầu sẽ tăng khoảng 2% vào năm tới. Con số này thấp hơn rõ rệt tốc độ trong năm 2022 và mức trung bình 3,3% trong thập kỷ trước COVID-19. Tuy nhiên, GDP tăng 2% vẫn đủ để tạo ra mức tăng nhỏ về sản lượng trên đầu người.

Mỹ được cho là sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm tới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ tăng 0,5% vào năm 2023, thấp hơn đáng kể ước tính 1,8% của năm 2022.

Châu Âu có vẻ sẽ tránh được kết cục tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng. Thời tiết tháng 10 ôn hòa và lượng khí đốt dự trữ cao giúp làm giảm khả năng các nhà máy châu Âu phải tạm ngừng sản xuất để tiết kiệm năng lượng. Do đó, các nhà kinh tế tai Barclays dự doán GDP châu Âu sẽ chỉ giảm 1,3% trong năm 2023, tránh được kịch bản xấu nhất là GDP giảm 5%.

Tuy các điều kiện kinh tế có thể sẽ bắt đầu cải thiện vào năm sau, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở trong vị thế cực kỳ bấp bênh.

Giang