|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân và tổ chức trong nước giao dịch như thế nào trong tuần VN-Index đỏ lửa?

11:00 | 24/09/2023
Chia sẻ
Kịch bản dòng tiền qua kênh khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư không có sự thay đổi nhiều so với tuần trước khi tổ chức trong nước cùng khối ngoại duy trì bán ròng với giá trị lần lượt 879 tỷ đồng và 1.326 tỷ đồng. Ngược lại, cá nhân trong nước mua ròng gần 2.192 tỷ đồng. Riêng khối tự doanh đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 12 tỷ đồng.

Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới.VN-Index liên tục rung lắc mạnh trong 3 phiên đầu tuần với sự thận trọng của nhà đầu tư.

Tuy có được phiên phục hồi vào giữa tuần nhưng thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng mạnh sau đó, nhất là phiên cuối tuần đã khiến cho chỉ số chung giảm điểm mạnh, đánh mất mốc 1.200. Tín hiệu bán tháo đã có lúc xuất hiện vào phiên 22/9 khiến cho nhiều cổ phiếu giảm sàn, tác động tiêu cực, đè nặng áp lực lên thị trường và đã có lúc kéo chỉ số chung về vùng điểm 1.175.

Nhìn chung, VN-Index đóng cửa tuần tại mốc 1.193,05 điểm, giảm 34,31 điểm tương đương 2,8% so với tuần trước đó. Chỉ số này đã giảm khoảng 4,1% so với đỉnh gần nhất thiết lập vào ngày 11/9. Số phiên giảm điểm áp đảo tuần vừa qua (4/5 phiên), trong đó phiên thứ 6 ghi nhận mức giảm mạnh nhất (-1,62%) khi áp lực bán chủ động với khối lượng lớn xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành, nổi bật là chứng khoán và bất động sản.

Giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường ở mức 27.136 tỷ đồng, giảm 10,2% so với mức bình quân của tuần trước đó. Kịch bản dòng tiền qua kênh khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư không có sự thay đổi nhiều so với tuần trước khi tổ chức trong nước cùng khối ngoại duy trì bán ròng với giá trị lần lượt 879 tỷ đồng và 1.326 tỷ đồng. Ngược lại, cá nhân trong nước mua ròng gần 2.192 tỷ đồng. Riêng khối tự doanh đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 12 tỷ đồng. 

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng khớp lệnh gần 2.200 tỷ đồng tuần VN-Index giảm hơn 34 điểm

Trong tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1.784 tỷ đồng trên HOSE. Đây là tuần mua ròng thứ 3 liên tục của các cá nhân trong nước, dù quy mô đã giảm 65% so với tuần trước đó. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 2.192 tỷ đồng.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 14/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu tài nguyên cơ bản được mua ròng 576 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm dịch vụ tài chính (500 tỷ đồng), ngân hàng (389 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (245 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (162 tỷ đồng), …

Giao dịch bên bán không có nhiều điểm nhấn khi không nhóm ngành nào bị rút ròng trên trăm tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân được chứng kiến ở các lĩnh vực hàng cá nhân & gia dụng, ô tô & phụ tùng, xây dựng & vật liệu, y tế với giá trị 2 – 11 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân trong tuần diễn ra ở hầu hết các ngành, tập trung ở các nhóm thép (HPG, NKG), chứng khoán (SSI, HCM, VND), ngân hàng (VPB, STB, LPB, VIB) và bất động sản (VHM, DIG, VRE). Đây là các ngành được cá nhân mua ròng tuần thứ ba liên tiếp, trong đó thép và bất động sản giảm lần lượt 1,6% và 12,3% trong 3 tuần.

Trong khi đó, Top bán ròng của NĐT cá nhân nằm rải rác ở nhiều nhóm vốn hóa. KBC dẫn đầu danh mục rút ròng với quy mô 118 tỷ đồng. Theo sau, OCB và MBB lần lượt bị bán ròng với giá trị 63 tỷ đồng và 49 tỷ đồng, …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Dòng tiền tổ chức nội chủ yếu rút khỏi nhóm bank – chứng – thép, bất động sản

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 189 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh, họ rút ròng 878,6 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 12/18 ngành, giá trị lớn nhất là dịch vụ tài chính với 303 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng (228 tỷ đồng), bất động sản (162 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (109 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước lại tìm đến cổ phiếu của các nhóm ngành như hàng & dịch vụ công nghiệp (55 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (23 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (17 tỷ đồng), bảo hiểm (6 tỷ đồng), y tế (1 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trong top 5 cổ phiếu được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất tuần qua không có mã nào được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 51 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 49 tỷ đồng mã PDR.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như CTR (37 tỷ đồng), VCI (24 tỷ đồng), EIB (21 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 230 tỷ đồng. Trái với áp lực bán ròng từ các tổ chức trong nước, mã này được nhà đầu tư cá nhân ưa thích trong tuần qua với quy mô rót ròng hơn 334 tỷ đồng.

Kế đó, các đại diện từ nhóm thép (HPG), ngân hàng (VPB), bất động sản (DIG, DXG) cũng bị bán ròng 79 – 108 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi