|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 24/27 mã giảm giá, EIB điều chỉnh mạnh trong tuần chia cổ tức

07:45 | 24/09/2023
Chia sẻ
24/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần qua. Cổ phiếu EIB giảm mạnh nhất toàn ngành cũng trong tuần ngân hàng Eximbank lần đầu chia cổ tức sau 10 năm.

Sắc đỏ bao phủ cổ phiếu ngân hàng, STB dẫn đầu thanh khoản

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy khả quan trong tuần qua (18 - 22/9) khi có tới 24/27 mã kết tuần trong sắc đỏ.

Cụ thể, EIB là mã giảm mạnh nhất toàn ngành tuần qua với mức -8,9%, tạm đóng cửa tại mức giá 19.600 đồng/cp. Ngay ở phiên đầu tuần, cổ phiếu này đã gần chạm sàn và giảm hơn 3% ở phiên tiếp theo. Đây cũng là tuần Eximbank chia cổ tức 18% bằng cổ phiếu, lần đầu tiên sau 10 năm.

Xếp sau đó là LPB với mức giảm 8,6%. Đây là phiên thứ 8 liên tiếp của cổ phiếu ngân hàng LPBank đóng cửa trong sắc đỏ.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác như SGB, VIB, VPB, SSB, KLB, ... ghi nhận mức giảm tuần trên 4%. Nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn như MBB, CTG, TCB, BID cũng không ngoại lệ. VCB, cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất ngành điều chỉnh nhẹ 0,6% trong tuần.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu tăng giá trong tuần là NAB, STB và VBB; song mức tăng cao nhất chỉ là 2%.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản toàn ngành duy trì được ở mức cao tuần qua với gần 1,1 tỷ cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 1 tỷ USD (23.581 tỷ đồng).

Trong đó, vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về STB khi có gần 4.200 tỷ đồng được giao dịch trong tuần, bỏ xa mức 2.200 tỷ đồng của TCB và VPB xếp sau đó. Phần lớn cổ phiếu STB được giao dịch theo phương thức khớp lệnh. STB, TCB và VPB cũng là 3 mã duy nhất trong tuần có giá trị giao dịch đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Ở tuần này, các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu ngân hàng bớt sôi động so với các tuần trước đây. Cụ thể, nhóm này bán ròng hơn 100 tỷ đồng cổ phiếu STB và VPB mỗi loại và mua ròng hơn 63 tỷ đồng OCB. Ngoài ra, không mua ròng hay bán ròng cổ phiếu nào trên mức 50 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán mua ròng 47 tỷ đồng MBB, 32 tỷ đồng STB và bán ròng 77 tỷ đồng VCB.

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần qua

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8.

Trong 2 ngày 21 - 22/9, NHNN đã hút gần 20.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu với kì hạn 27 - 28 ngày, lãi suất lần lượt là 0,69% và 0,5%/năm.

Ngày 20/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết tiếp tục triển khai về việc tiếp tục thi hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đến hết năm 2023.

NHNN đã chỉ định ông Phan Đình Điền, nguyên Thành viên HĐTV Agribank, làm Chủ tịch HĐQT SCB thay thế cho người được chỉ định trước đó là ông Vũ Anh Đức.

KienlongBank bổ nhiệm ông Đỗ Văn Bắc giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Ông Bắc gia nhập KienlongBank từ tháng 9/2021 và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Phó Giám đốc phụ trách Khách hàng cá nhân Hội sở, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp Hội sở…

HDBank đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 26/9 đến ngày 24/10 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Lê Huy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.