NĐT cá nhân hứng lực xả từ khối ngoại và tự doanh, bán mạnh nhóm ngân hàng để mua cổ phiếu chứng khoán
VN-Index tiến lên vùng đỉnh mới, nhà đầu tư cá nhân trở lại là lực cầu duy nhất trên thị trường
Tiếp nối đà tăng trong tuần trước, chỉ số giao dịch giằng co trong biên độ hẹp trước ngưỡng 1.450 điểm trong ba phiên đầu tuần. Đáng chú, khi VN-Index lao dốc hơn 8 điểm trong phiên 3/11, thanh khoản khớp lệnh tại HOSE lập kỷ lục mới trên 41.000 tỷ đồng.
Sau khi chỉ số có nhịp hồi phục, VN-Index đã chính thức vượt 1.450 điểm trong phiên cuối tuần (5/11) để đóng cửa ở mức 1.456,51 điểm. Với 3 phiên tăng điểm, VN-Index có thêm 12,24 điểm, tương đương mức tăng 0,85% so với tuần trước.
Quan sát trong tuần, giao dịch khởi sắc của các mã ngân hàng là động lực lớn nhất giúp chỉ số vượt cản thành công với 7/10 cổ phiếu trong top10 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index. Lần lượt là BID (tăng 5,06%), SHB (12,7%), CTG (3,81%), TCB (2,71%), theo sau bởi EIB, HDB, LPB.
Đồng thuận với sự gia tăng về điểm số, thanh khoản trong tuần cũng cải thiện tốt. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 31.678 tỷ đồng, tăng 21,65% so với tuần trước đó và tăng tới 47,1% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Trái ngược với tuần trước khi nhà đầu tư cá nhân thực hiện chốt lời mạnh trên đỉnh lịch sử, dòng tiền nội quay lại đóng vai trò lực cầu lớn nhất trên thị trường giúp VN-Index tiếp tục tiến đến đỉnh cao mới.
Theo đó, các cá nhân trong nước quay lại mua ròng 3.079 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh, nhóm này mua ròng 2.919 tỷ đồng và là lực cầu duy nhất hấp thụ toàn bộ lực xả của các nhóm còn lại.
Đối ứng với cá nhân nội, cả ba nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh và các tổ chức trong nước đồng loạt chuyển bán ròng tại HOSE. Trong đó, khối ngoại là lực bán lớn nhất trên thị trường với 1.758 tỷ đồng, tuy vậy điểm tích cực là áp lực xả đã giảm so với 2 tuần trước đó. Theo sau, tự doanh và các tổ chức nội bán ròng lần lượt 964 tỷ đồng và 197 tỷ đồng.
Rút ròng nhóm ngân hàng, NĐT cá nhân mua gom cổ phiếu dịch vụ tài chính, thực phẩm đồ uống, hóa chất
Theo thống kê từ Fiinpro, mặc dù ghi nhận giao dịch tích cực trở, các nhà đầu tư cá nhân tập trung mua ròng tại 8/18 nhóm ngành, trong đó lực cầu chủ yếu hướng đến những nhóm vốn hóa lớn.
Cụ thể, nhóm dịch vụ tài chính chứng kiến sự đảo chiều của dòng tiền khi trở thành nhóm được mua ròng nhiều nhất với 808 tỷ đồng. Với sự thăng hoa của thị trường về cả điểm số và thanh khoản, cổ phiếu ngành chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi trong quý IV. Ngoài ra, câu chuyện tích cực nhóm này còn đến từ cổ phiếu mới lên sàn ORS của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
Nối tiếp, dòng tiền lớn tìm đến các nhóm như hàng & dịch vụ công nghiệp (602 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (569 tỷ đồng), hóa chất (539 tỷ đồng) với câu chuyện giá cả hàng hóa đang tăng mạnh. Theo sau, cổ phiếu ngành bất động sản cũng được mua gom trở lại 519 tỷ đồng sau nhịp rơi mạnh trong tuần.
Mặc dù là nhóm tác động tích cực nhất đến chỉ số, cổ phiếu của các nhà băng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 225 tỷ đồng. Điểm tích cực là quy mô rút ròng đã giảm gần 90% so với tuần trước đó.
Bên cạnh đó, các cá nhân trong nước rút ròng nhẹ hơn khỏi một số ngành, lần lượt là bán lẻ (127 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (101 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (88 tỷ đồng)...
Tâm điểm mua ròng: PAN, SSI, DCM
Trong số 10 mã được mua ròng nhiều nhất tại HOSE, dòng tiền thông minh tập trung chủ yếu ở cổ phiếu PAN của PAN Group (627 tỷ đồng). Lực cầu cá nhân có sự đối ứng mạnh mẽ với giao dịch khối ngoại khi đây là mã bị nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần, chủ yếu đến từ việc thoái vốn của 2 quỹ ngoại lớn Tael Two Partners và Sojitz Corporation.
Nối tiếp, cổ phiếu SSI của ông lớn ngành chứng khoán cũng thu hút hơn 575 tỷ đồng giá trị mua ròng trong tuần. Nối tiếp, VND của Chứng khoán VND được mua ròng nhẹ hơn với 165 tỷ đồng. Trong tuần qua, đây là hai mã có khối lượng giao dịch lớn nhất, trong đó VND là mã tăng mạnh nhất 12,98% trong khi SSI có mức tăng khiêm tốn hơn với 5,93%.
Được hưởng lợi từ giá phân bón tăng mạnh, cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau tiếp tục được mua ròng 489 tỷ đồng, trong đó có hơn 12,8 triệu đơn vị được mua - bán trong phiên tăng trần (5/11).
Theo sau, danh mục mua ròng của các cá nhân còn có NLG (426 tỷ đồng), VNM (363 tỷ đồng), HSG (258 tỷ đồng), MSN (252 tỷ đồng), TCB (169 tỷ đồng)...
Trở lại phía bán, danh mục bán ròng của nhà đầu tư cá nhân có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, lần lượt là CTG (228 tỷ đồng), VCB (158 tỷ đồng), STB (142 tỷ đồng), SSB (113 tỷ đồng), ACB (80 tỷ đồng).
Một số cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc cũng chịu áp lực chốt lời từ các cá nhân sau giai đoạn tăng mạnh, trong đó chủ yếu là NVL (170 tỷ đồng), KBC (102 tỷ đồng) và VHM (81 tỷ đồng).