|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 1 - 5/11: Khối ngoại đảo chiều rút hơn 2.000 tỷ đồng khi rung lắc mạnh, tiền từ dịch chuyển từ nhóm bất động sản sang ngân hàng

08:58 | 06/11/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index vươn tới mức đỉnh cao mới sau những phiên giao dịch đan xen, khối ngoại trở lại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên toàn sàn, tâm điểm giao dịch các nhóm vốn hóa lớn. Điểm tích cực là dòng vốn ngoại đã quay lại trạng thái tích cực trong những phiên cuối tuần.

VN-Index đóng cửa tuần ở vùng đỉnh mới, khối ngoại giao dịch tích cực trong những phiên cuối tuần

Sau khi thử thách không thành công ngưỡng 1.450 điểm, chỉ số giao dịch tương đối giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.440 điểm trong phiên thứ Hai (1/11). Sau phiên tăng nhẹ tiếp theo, VN-Index lao dốc hơn 8 điểm với thanh khoản lập kỷ lục mới đạt gần 50.000 tỷ đồng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt bị bán tháo và chỉ có cổ phiếu ngân hàng níu giữ chỉ số.

Trong hai ngày cuối tuần (4 - 5/11), trước những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ, lực cầu trong nước được kích hoạt giúp VN Index hồi phục khá tích cực và đạt mức đỉnh cao mới khi kết tuần.

Sau những phiên tăng giảm đan xen, VN-Index đóng cửa tuần thứ 45 của năm 2021 có thêm 12,24 điểm (0,85%) và dừng lại ở 1.456,51 điểm, HNX-Index cũng tăng 3,77% và tạm dừng ở 427,64 điểm.

Đồng thuận với điểm số là sự cải thiện của dòng tiền. Thanh khoản bình quân tại HOSE đạt 31.678 tỷ đồng, tăng 21,65% so với tuần trước và cao hơn 47,1% so với mức trung bình 5 tuần trước đó.

Tuần 1 - 5/11: Khối ngoại bán ròng trên toàn thị trường, dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Sau khi bán ròng mạnh trong hai phiên đầu tuần, nhà đầu tư ngoại bất ngờ mua ròng 280 tỷ đồng tại HOSE trong phiên chỉnh sâu. Tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại được duy trì đến hết tuần khi nhóm này chỉ rút ròng nhẹ khi chỉ số có dấu hiệu hồi phục và đẩy lực cầu lên 230 tỷ đồng ủng hộ sự bứt phá của chỉ số vào thứ Sáu (5/11).

Sàn HOSE: Duy trì mua gom nhóm ngân hàng nhưng xả mạnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn

Tại HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 7.267 tỷ đồng, đồng thời bán ra với giá trị 9.177 tỷ đồng. Với quy mô bán ra tăng so với tuần trước, nhóm này quay lại xu hướng bán ròng 1.910 tỷ đồng ngay sau tuần mua gom trước đó. Tính riêng giao dịch bán ròng, nhóm này rút ròng 1.758 tỷ đồng.

Theo Fiintrade, qua kênh khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại vẫn tập trung mua gom 334 tỷ đồng cổ phiếu của các nhà băng. Mặc dù giảm hơn 36% so với quy mô giải ngân trong tuần trước, đây vẫn là nhóm duy nhất thu hút trên 100 tỷ đồng vốn ngoại.

Sau khi đóng vai trò là trụ đỡ của thị trường khi nhóm bất động sản nằm sàn hàng loạt, cổ phiếu ngân hàng bất ngờ đánh mất xung lực tăng trong hai phiên cuối tuần và giao dịch tương đối ảm đạm.

Nối tiếp, khối ngoại cũng mua gom nhẹ một số nhóm ngành khác như hóa chất (86,2 tỷ đồng), điện nước & xăng dầu khí đốt (70,5 tỷ đồng)...

Với việc chiều bán chiếm ưu thế, khối ngoại gia tăng áp lực bán ròng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Trong đó các cổ phiếu bị xả ròng nhiều nhất là nhóm bất động sản với giá trị 630 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với tuần trước. Áp lực chốt lời khiến nhiều cổ phiếu đã tăng điểm mạnh đồng loạt nằm sàn trong phiên 3/11 như L14, DIG, NLG, HDC, NDN, DRH...

Áp lực bán ròng mạnh còn tập trung ở các nhóm thực phẩm & đồ uống (496 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (492 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (466 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (184 tỷ đồng)...

Tuần 1 - 5/11: Khối ngoại bán ròng trên toàn thị trường, dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va trở thành mã bị xả ròng nhiều nhất lên tới 584 tỷ đồng, tương đương 5,19 triệu cổ phiếu. Sau khi chạm mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây là 109.600 đồng/cp, mã này ngay lập tức chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư ngọi.

Đáng chú ý, lực xả lớn trong tuần tập trung ở cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN (527 tỷ đồng) và SSI của Chứng khoán SSI (464 tỷ đồng).

Thông tin trong tuần, cổ đông ngoại Tael Two Partners đã bán ra 15 triệu cổ phiếu PAN trong phiên 4/11 và tiếp tục đăng ký bán hơn 9,3 triệu đơn vị còn lại nhằm thoái vốn toàn bộ khỏi PAN Group. Bên cạnh đó, Chứng khoán SSI, công ty liên kết của PAN Group cũng thông báo bán ra 15 triệu cổ phiếu PAN trong tháng 11 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư.

Nối tiếp, dòng tiền ngoại tiếp đà rút ròng hơn 316 tỷ đồng khỏi mã NLG của CTCP Đầu tư Nam Long. Trước đó, quỹ ngoại PYN Elite Fund cũng đã bán hơn 19,5 triệu cổ phiếu NLG trong ngày 22/10 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Cũng thuộc nhóm bất động sản, giao dịch cùng chiều xuất hiện ở VRE (182 tỷ đồng), VIC (144 tỷ đồng), KDH (127 tỷ đồng)...

Trở lại chiều mua, khối ngoại rót ròng mạnh nhất 188 tỷ đồng mua ròng hơn 3,1 triệu cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn KIDO. Ngày 3/11, KIDO đã đăng ký tham gia chào mua 44,2 triệu cổ phần Vocarimex của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam từ SCIC. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 8/11 tại HNX.

Theo sau, danh mục mua ròng được nối dài bằng sự góp mặt của nhiều cổ phiếu ngân hàng, lần lượt gồm CTG (180 tỷ đồng), STB (128 tỷ đồng), VCB (121 tỷ đồng),...Mặc dù bán ròng HSG, nhóm này quay lại mua ròng 116 tỷ đồng cổ phiếu HPG của "anh cả" ngành thép Tập đoàn Hòa Phát. Một số mã cũng ghi nhận giao dịch tích cực tuần qua là KBC, VCI, SAB, GAS, PHR...

Tại HNX: Quy mô bán ròng giảm hơn 50% so với tuần trước

Xu hướng bán ròng tại HNX được kéo dài khi khối ngoại mua vào với giá trị 76,05 tỷ đồng và bán ra với giá trị 149,88 tỷ đồng. Điểm tích cực là quy mô bán ròng trong tuần chỉ còn 78,83, giảm chỉ còn gần nửa so với tuần giao dịch trước.

Dẫn đầu tại chiều bán ròng, cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone bị bán ròng 19,8 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, mã này vẫn liên tục duy trì xu hướng tăng điểm và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.

Kế tiếp, lực xả tập trung tại PVS (15,9 tỷ đồng) và PDB (12,6 tỷ đồng). Trong tuần, cổ đông nước ngoài Peter Eric Dennis đã báo cáo bán ra 77.300 cổ phần PDB của CTCP Tập đoàn Đầu tư Din Capital trong ngày 28/10, qua đó không còn là cổ đông lớn. Dù vậy, cổ phiếu PDB vẫn đóng cửa tuần với 3 phiên tăng trần và 1 phiên giảm sàn, có thêm hơn 27% giá trị.

Tuần 1 - 5/11: Khối ngoại bán ròng trên toàn thị trường, dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O là mã giao dịch tích cực nhất khi được mua ròng trên 10 tỷ đồng. Theo sau, dòng vốn ngoại rót ròng nhẹ hơn vào một số cổ phiếu, lần lượt là SHS (3,5 tỷ đồng), TDN (2,6 tỷ đồng), HUT (2,4 tỷ đồng), NBC (2 tỷ đồng)...

Thị trường UPCoM: Đảo chiều bán ròng, tâm điểm xả cổ phiếu QNS, HHV

Sau một tuần giao dịch tích cực, nhà đầu tư ngoại quay lại xu hướng rút ròng tại thị trường UPCoM khi bán ròng gần 91 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch bán tập trung ở hai cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi và HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.

Cụ thể, QNS là mã bị bán ròng nhiều nhất lên tới 56,3 tỷ đồng với 5 phiên bán ròng liên tục trong tuần. Cổ phiếu HHV theo sau khi bị chốt lời hơn 35 tỷ đồng, theo sau lực xả cũng tìm đến các mã RGC (12,5 tỷ đồng), LTG (6,4 tỷ đồng), SKH (5,7 tỷ đồng)...

Tuần 1 - 5/11: Khối ngoại bán ròng trên toàn thị trường, dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều bán, dòng tiền ngoại chủ yếu mua gom 15 tỷ đồng cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Giao dịch khối ngoại nối tiếp tập trung ở các cổ phiếu CLX (4,7 tỷ đồng), VGT (2,7 tỷ đồng), VTP (2,5 tỷ đồng), TCI (2,4 tỷ đồng)...

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.