NĐT cá nhân có phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đợt hồi phục, bán chốt lời khi thị trường dấu hiệu rung lắc?
Áp lực bán chốt lời xuất hiện
Trong phiên 4/8, mặc dù xuất hiện nhịp tăng ngay từ đầu phiên, diễn biến rung lắc liên tục được ghi nhận khi áp lực bán xuất hiện trong những nhịp tăng của chỉ số. Dù vậy, lực cầu đối ứng nhanh chóng hấp thụ giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh về cuối phiên.
Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 2,3 điểm (0,17%) lên 1.334,74 điểm, HNX-Index tăng 0,28% lên 320,02 điểm, riêng UPCoM-Index đảo chiều giảm 0,08% về mốc 87,52 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 489 mã tăng, 336 mã giảm và 186 mã tham chiếu. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với tổng khối lượng giao dịch đạt 843 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 25.184 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 19.369 tỷ đồng, giảm 4% so với phiên trước đó.
Xu hướng giao dịch giữa các nhóm NĐT có sự biến động nhẹ khi khối tự doanh công ty chứng khoán thế chỗ các cá nhân, trở thành lực mua trên kênh khớp lệnh. Giao dịch cùng chiều, khối ngoại với giá trị mua ròng trên 392 tỷ đồng cũng chính thức bước vào xu hướng mua ròng trong ngắn hạn sau 4 phiên mua ròng liên tiếp.
Trái lại, chiều bán áp đảo trong cán cân giao dịch của NĐT cá nhân khiến nhóm này quay sang bán ròng mạnh nhất trên sàn HOSE. Cụ thể, giá trị bán ròng trên 863 tỷ đồng, trong đó qua kênh khớp lệnh là 460 tỷ đồng. Đồng hành với các cá nhân là tổ chức trong nước khi nhóm này tiếp tục xu hướng bán ròng với giá trị khớp lệnh 157 tỷ đồng.
Tiếp tục bán ra cổ phiếu ngân hàng, nhưng duy trì mua ròng nhóm bất động sản
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng tại 10/18 nhóm ngành. Lực xả vẫn tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng và dịch vụ tài chính và đang có xu hướng gia tăng.
Về giá trị cụ thể, hai nhóm này bị bán ròng lần lượt là 537 tỷ đồng và 133 tỷ đồng, với áp lực bán gia tăng tương ứng 62% và 12%. Giao dịch tương tự diễn ra ở nhóm thực phẩm & đồ uống khiến các cổ phiếu này bị bán ròng 120 tỷ, tăng gần 100% so với phiên trước.
Chiều mua ròng tập trung chỉ yếu ở ngành bất động sản, tuy lực mua có phần giảm nhiệt sau phiên gom mạnh trước đó. Cụ thể, NĐT cá nhân chỉ mua vào 279 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức hơn 700 tỷ đồng trong phiên 3/8.
Tâm điểm bán cổ phiếu STB của Sacombank
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bị các cá nhân trong nước xả mạnh nhất với giá trị áp đảo gần 380 tỷ đồng, gấp 4 lần trong phiên 3/8. Đây có thể coi là động thái chốt lời của nhà đầu tư khi STB đã tăng 6,79% giá trị chỉ sau 2 tuần giao dịch gần đây. Giao dịch này khá đối ứng với lực cầu từ NĐT nước ngoài, với việc STB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều thứ 2 trong phiên 4/8.
Kế tiếp, các cá nhân trong nước duy trì xả ròng lần lượt hai cổ phiếu SSI (147,1 tỷ đồng) và MBB (145,1 tỷ đồng). Lực xả hai mã này tăng tương ứng 25% và 55% so với phiên liền trước và tiếp tục đối ứng với nước ngoài. Theo ghi nhận, bộ đôi SSI và MBB đã được nước ngoài mua ròng liên tiếp 6 phiên gần đây sau khi lần lượt công bố nhiều điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý II.
Là nhóm tập trung lực bán lớn nhất, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng lần lượt góp mặt trong top bán ròng của NĐT cá nhân, bao gồm TCB (62,3 tỷ đồng), ACB (25,9 tỷ đồng) và HDB (23,7 tỷ đồng). Dòng tiền cũng rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu đầu ngành như MSN (81 tỷ đồng), FPT (31,7 tỷ đồng), VNM (27,8 tỷ đồng) cùng FLC (23,4 tỷ đồng).
Trở lại chiều mua ròng, VHM của Vinhomes vẫn là mã được mua ròng nhiều nhất, tuy rằng đà mua ròng đã "hạ nhiệt" đáng kể khi giá cổ phiếu đã tăng 2,59% trong phiên hôm qua. Cụ thể, các cá nhân trong nước chỉ còn mua gom 146,7 tỷ đồng VHM, giảm so với mức 560,8 tỷ đồng phiên trước đó. Theo sau, lực mua tại VIC cũng suy yếu còn 74,8 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ đồng.
Chiều giao dịch mua của các cá nhân vẫn chứng kiến sự góp mặt của CTG (43,3 tỷ đồng), HPG (38,4 tỷ đồng), TCO (36,8 tỷ đồng). Một số cái tên mới góp mặt trong top mua ròng phải kể đến DIG (62,3 tỷ đồng), HCM (32,7 tỷ đồng) cùng bộ ba ngành ngân hàng được mua ròng nhẹ là VCB (32,6 tỷ đồng), LPB (26,2 tỷ đồng) và SSB (21,7 tỷ đồng).