|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu 'họ Vingroup' phiên dậy sóng

07:28 | 04/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tiếp tục giao dịch khởi sắc, NĐT cá nhân duy trì mua ròng hơn 340 tỷ đồng trên sàn HOSE. Điểm sáng giao dịch là cổ phiếu bất động sản với tâm điểm mua ròng trên 700 tỷ đồng hai mã VHM, VIC.

VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày, tăng hơn 18 điểm

Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư xuất hiện vào cuối phiên 3/8 kéo chỉ số đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày. Đóng cửa, VN-Index tăng 18,22 điểm (1,39%) lên 1.332,44 điểm, HNX-Index cũng tăng 4,2 điểm (1,33%) lên 319,13 điểm, còn UPCoM-Index tăng nhẹ hơn 0,27% lên 87,59 điểm

Toàn thị trường ghi nhận 481 mã tăng, 326 mã giảm và 825 mã tham chiếu. Trong phiên 3/8, sức hút của nhóm bất động với đại diện chính là cổ phiếu họ Vingroup đóng góp lớn nhất hơn 9 điểm cho đà tăng của VN-Index.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 825,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 25.914 tỷ đồng, tăng hơn 9,5% so với phiên trước.

NĐT cá nhân tập trung mua ròng nhóm bất động sản trong phiên VN-Index tăng hơn 18 điểm - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

Trong phiên 3/8, xu hướng giao dịch giữa các nhà đầu tư tham gia thị trường không thay đổi so với phiên trước đó, dù quy mô giao dịch ròng đã thu hẹp.

Chiều bán vẫn đánh dấu sự góp mặt của các tổ chức nội cùng nhóm tự doanh công ty chứng khoán. Hai nhóm này xả ròng lần lượt 366,9 tỷ đồng và 17 tỷ đồng qua hình thức giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE.

Trái chiều, nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại vẫn đồng thuận mua ròng, đối ứng với lực xả từ các tổ chức. Trong đó, các cá nhân nội mua ròng 341 tỷ đồng, giảm 17% so với quy mô trong phiên trước.

Cổ phiếu bất động sản được mua vào mạnh nhất, giao dịch tại nhóm ngân hàng đảo chiều

NĐT cá nhân tập trung mua ròng nhóm bất động sản trong phiên VN-Index tăng hơn 18 điểm - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Tuy mua ròng về giá trị, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chỉ diễn ra tại 7/18 nhóm ngành. Cổ phiếu bất động sản được mua ròng 716 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong phiên đồng thời gấp hơn 2 lần lực cầu trong phiên trước đó. 

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng quay lại mua ròng hơn 97 tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm tài nguyên cơ bản sau 2 phiên liên tiếp bán ròng.

Áp đảo về số lượng với 11/18 ngành, nổi bật tại chiều bán là giao dịch xả ròng 331 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng. Dễ thấy dòng tiền cá nhân đang có xu hướng chuyển dịch sang những nhóm khác khi liên tục rút ròng mạnh các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây.

Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng duy trì tại nhóm dịch vụ tài chính (118 tỷ đồng), thực phẩn & đồ ướng (64 tỷ đồng)...

Bộ đôi VHM, VIC là điểm sáng tại chiều mua ròng

NĐT cá nhân tập trung mua ròng nhóm bất động sản trong phiên VN-Index tăng hơn 18 điểm - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, bộ đôi nhà Vingroup là hai cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 100 tỷ đồng. Dẫn đầu, cổ phiếu VHM của Vinhomes được mua ròng mạnh 560,8 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. Trong phiên thứ 3 liên tiếp được mua ròng, lực mua tại VHM tăng 89% so với phiên liền trước. 

Theo số liệu 6 tháng đầu năm, VHM là doanh nghiệp bất động sản có doanh thu và lãi ròng cao nhất trong ngành, lần lượt là 41.712 tỷ đồng và 15.629 tỷ đồng, tăng 82% và 52% so với cùng kỳ 2020. Với lực cầu từ phía các NĐT cá nhân, VHM tăng 2,59%, đóng góp tới 2,47 điểm cho đà tăng của VN-Index.

Theo sau, lực mua các cá nhân tìm đến VIC của Vingroup sau thông tin tập đoàn vừa ký kết với Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19. 

Với giá trị mua ròng trên 174 tỷ đồng, cổ phiếu VIC có lúc tăng trần trong phiên, kết phiên tăng kịch trần 6,51% và là mã đóng góp lớn nhất tới 6,6 điểm cho chỉ số.

Top mua ròng của NĐT cá nhân bất ngờ có sự góp mặt của cổ phiếu TCO của CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải với giá trị 42,5 tỷ đồng trong phiên 4/8. 

Theo thống kê, mặc dù VN-Index đã điều chỉnh mạnh trong tháng 7 khiến nhiều cổ phiếu lao dốc, TCO vẫn ghi nhận mức tăng 36,03% tính đến hết ngày 27/7. Trong 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế của TCO tăng hơn 662% so cùng kỳ.

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến hai mã bluechips là HPG (98,6 tỷ đồng) và CTG (73,3 tỷ đồng). Theo sau, nhóm này mua ròng nhẹ hơn các cổ phiếu DPM, VCI, SZC, GAS, DGC.

Tại chiều bán ròng, giao dịch vẫn tập trung mạnh nhất ở SSI với 118 tỷ đồng. Tuy lực xả đã suy yếu 24% so với phiên đầu tuần, SSI vẫn là mã duy nhất bị xả ròng trên 100 tỷ đồng.

Kế tiếp, các cá nhân trong nước có động thái chốt lời hàng loạt cổ phiếu ngân hàng sau phiên nhóm này đồng loạt dậy sóng. Có tới 7 cổ phiếu ngân hàng góp mặt trong top10 bán ròng của NĐT cá nhân, lần lượt là MBB (93,8 tỷ đồng), STB (87 tỷ đồng), HDB (67,1 tỷ đồng), ACB (42,9 tỷ đồng), VPB (41,9 tỷ đồng), VCB (25,5 tỷ đồng), TCB (25,1 tỷ đồng). Tuy vậy, lực cầu đối ứng từ tổ chức nội và khối ngoại giúp sắc xanh vẫn lan tỏa tại nhóm này.

Cùng chiều, các cá nhân rút vốn ròng khỏi 2 ông lớn MSN (49,6 tỷ đồng) của nhóm thực phẩm & đồ uống và DXG (28,8 tỷ đồng) ngành bất động sản.

Thảo Bùi