|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân trở lại mua ròng 413 tỷ đồng phiên đầu tháng 8

07:53 | 03/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tăng hơn 4 điểm (2/8), các cá nhân trong nước mua ròng 413 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. Giao dịch mua ròng tập trung ở nhóm bất động sản (VHM, FLC) trong khi bán ròng nhóm dịch vụ tài chính (SSI).

VN-Index thu hẹp đà tăng về cuối phiên, chỉ còn tăng hơn 4 điểm

Mặc dù ghi nhận giao dịch khởi sắc trong phần lớn thời gian giao dịch, áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến VN-Index đánh mất xung lực tăng điểm trước đó và chỉ còn tăng hơn 4 điểm khi đóng cửa.

Kết phiên, VN-Index tăng 4,17 điểm (0,32%) lên 1.314,22 điểm, HNX-Index tăng 0,08 điểm (0,03%) lên 314,93 điểm, UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (0,48%) lên 87,35 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 465 mã tăng, 367 mã giảm và 159 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 781,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 23.649 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với phiên cuối tuần trước.

Đà tăng từ các cổ phiếu vốn hóa lớn đồng thuận cùng các nhóm ngành dầu khí, du lịch & giải trí, chứng khoán, bán lẻ, bất động sản... giúp chỉ số duy trì sắc xanh. Trái lại, nhóm ngân hàng đánh mất vị thế hồi phục, đảo chiều giảm điểm và là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index khi lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số.

NĐT cá nhân trở lại mua ròng - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

NĐT cá nhân trở lại mua ròng sau phiên chốt lời cuối tuần trước

Thống kê theo nhóm nhà đầu tư, các tổ chức trong nước tiếp tục xả ròng hơn 380 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sàn HOSE, đánh dấu phiên bán ròng thứ ba liên tiếp. Cùng chiều, nhóm tự doanh công ty chứng khoán cũng đảo chiều bán ròng hơn 229 tỷ đồng. 

Chiều mua ròng ghi nhận sự góp mặt của khối ngoại cùng các cá nhân trong nước. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 197 tỷ đồng tuy đã suy giảm so với phiên cuối tháng 7. Còn các cá nhân nội đảo chiều mua ròng 413 tỷ đồng sau khi chốt lời vào cuối tuần trước.

Xét theo nhóm ngành, NĐT cá nhân mua ròng tại 10/18 ngành, trong đó lực mua tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản. Ngược lại, nhóm dịch vụ tài chính bị bán ròng mạnh nhất, đối ứng với giao dịch của khối ngoại và các tổ chức trong nước.

Tâm điểm mua ròng VHM và FLC, bán ròng SSI

NĐT cá nhân trở lại mua ròng - Ảnh 2.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Đóng góp lớn nhất cho chiều mua ròng của các nhà đầu tư cá nhân là giao dịch cổ phiếu VHM của Vinhomes. Cổ phiếu này được mua ròng với giá trị 296,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với phiên cuối tuần trước. Theo công bố, doanh thu và lợi nhuận ròng quý II/2021 của doanh nghiệp này lần lượt đạt 28.725 tỷ đồng và 10.232 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 75% và 198% so với cùng kỳ năm 2020.

Kế tiếp, dòng tiền nội cũng mua ròng 105 tỷ đồng cổ phiếu FLC của nhóm bất động sản. Mặc dù được mua ròng mạnh, FLC đóng cửa phiên 2/8 ở mức 10.900 đồng/cp, giảm 2,24%. Theo kế hoạch, Tập đoàn FLC dự định khánh thành khách sạn 5 sao FLC City Hotel Beach Quy Nhơn vào ngày 22/8 tới đây. Trường hợp tỉnh Bình Định kéo dài thời gian giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, kế hoạch trên có khả năng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh 2 ông lớn của nhóm bất động sản, lực mua của các cá nhân trong nước tiếp tục tìm đến cổ phiếu FPT với giá trị 66,7 tỷ đồng, tuy đã giảm 9% so với phiên liền trước. Theo sau, dòng tiền phân bổ vào các mã DGW (36,2 tỷ đồng), DPM (31,7 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (30,9 tỷ đồng). 

Là nhóm tác động tiêu cực nhất đến chỉ số, nhiều đại diện nhóm ngân hàng vẫn góp mặt trong top mua ròng của các cá nhân. Cụ thể là SSB (31,2 tỷ đồng), TCB (29,2 tỷ đồng), VCB (28,9 tỷ đồng), VPB (27,6 tỷ đồng).

Trái chiều, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 154,6 tỷ đồng qua khớp lệnh. Phiên 2/8 cũng đánh dấu phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp của SSI, với mức giá đóng cửa 55.000 đồng, tăng 0,73%. Giao dịch này của NĐT cá nhân đối ứng với lực mua từ khối ngoại và các tổ chức trong nước.

Theo sau, dòng tiền phân hòa tại nhóm ngân hàng khi bán ròng nhiều cổ phiếu như HDB (62 tỷ đồng), VIB (37,8 tỷ đồng), ACB (22,3 tỷ đồng) và BID (17,3 tỷ đồng). Nhiều mã bluechips cũng ghi nhận lực xả ròng nhẹ hơn, phải kể đến như MSN (37,9 tỷ đồng), NVL (28,9 tỷ đồng), KDH (28,9 tỷ đồng), GEX (22,8 tỷ đồng) và HPG (18,4 tỷ đồng). 

Thảo Bùi