|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 4/8: Khối ngoại gia tăng mua ròng hơn 800 tỷ đồng, tâm điểm mua VHM và STB

16:28 | 04/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên chỉ số rung lắc và chỉ tăng 2,3 điểm, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp trên sàn HOSE gần 830 tỷ đồng. Tâm điểm mua ròng trên trăm tỷ đồng các mã large-cap như VHM, STB, SSI.

Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index có thời điểm giảm gần 4 điểm. Tuy nhiên lực cầu đối ứng nhanh chóng hấp thụ giúp chỉ số cân bằng trở lại. Các nhịp rung lắc liên tục trong phiên dù không đủ khiến VN-Index đảo chiều nhưng đã thu hẹp đáng kể đà tăng của chỉ số.

Kết phiên, VN-Index tăng 2,3 điểm (0,17%) lên 1.334,74 điểm, HNX-Index tăng 0,28% lên 320,02 điểm, riêng UPCoM-Index đảo chiều giảm 0,08% về mốc 87,52 điểm.

Thanh khoản toàn sàn ở mức 25.184,8 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng 843 triệu đơn vị, tăng 2,18% so với khối lượng trong phiên liền trước.

Trên sàn HOSE, lực mua tiếp tục được gia tăng giữa những nhịp giảm điểm của chỉ số. Theo đó, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp với 829,79 tỷ đồng, tương ứng 19.762.340 đơn vị.

Phiên 4/8: Khối ngoại gia tăng mua ròng hơn 800 tỷ đồng, tâm điểm là giao dịch cổ phiếu VHM - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cụ thể, cổ phiếu VHM của Vinhomes vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị đạt 386,6 tỷ đồng, gấp 5,25 lần so với phiên trước. Theo ghi nhận, trong phiên xuất hiện nhiều lệnh giao dịch thỏa thuận VHM với tổng khối lượng 4.853.300 đơn vị cổ phiếu, tương ứng với giá trị trên 522,3 tỷ đồng.

Kế tiếp, cổ phiếu của ngân hàng Sacombank là STB được mua ròng 316,2 tỷ đồng. Về khối lượng, mã này được mua ròng khủng hơn 10,4 triệu đơn vị. Theo công bố thông tin, STB đã bán hết hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 7 với mức giá bình quân 29.899 đồng/cp nhằm mục đích tăng vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.

Lực cầu vẫn duy trì tại SSI (137,5 tỷ đồng) và MBB (106,1 tỷ đồng). Cùng chiều, khối ngoại mua ròng với giá trị dưới 100 tỷ đồng các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF khác.

Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND và E1VFVN30 vẫn được mua ròng lần lượt là 40,3 tỷ đồng và 11,8 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền ngoại cũng tìm đến các mã MSN (35,5 tỷ đồng), PLX (18,1 tỷ đồng), VNM (15,4 tỷ đồng), HDB (11,9 tỷ đồng).

Phiên 4/8: Khối ngoại gia tăng mua ròng hơn 800 tỷ đồng, tâm điểm là giao dịch cổ phiếu VHM - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trái chiều, mặc dù mua ròng VHM, khối ngoại vẫn thẳng tay xả trên 86,4 tỷ đồng cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. Đóng cửa, cổ phiếu VHM đánh mất đà tăng, dùng lại ở 114.000 đồng/cp (giảm 0,44%). Cổ phiếu VRE của Vincom Retail cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều khi bị bán ròng nhẹ 22,8 tỷ đồng.

Dòng tiền ngoại duy trì rút ròng khỏi một số mã vốn hóa lớn, phải kể đến như HPG (60 tỷ đồng), NVL (34,3 tỷ đồng), VCB (28 tỷ đồng). Theo sau, các cổ phiếu ghi nhận giao dịch nhẹ hơn lần lượt là DIG (13,3 tỷ đồng), VPB (12,6 tỷ đồng), DHC (9,4 tỷ đồng), SZC (9,2 tỷ đồng). Cổ phiếu GVR cũng bất ngờ bị bán ròng 8,2 tỷ đồng sau phiên mua ròng trên 17 tỷ đồng trước đó.

Tại HNX, chiều bán trở lại chiếm ưu thế khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển bán ròng 9,78 tỷ đồng, tương ứng với 139.420 đơn vị.

Cụ thể, cổ phiếu PLC của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex bị bán ròng mạnh nhất trên sàn HNX với 8,4 tỷ đồng. Dòng tiền còn rút ròng mạnh khỏi những cái tên như VND (4 tỷ đồng), SHB (2,1 tỷ đồng), BVS (1,2 tỷ đồng), NBP (1 tỷ đồng). Các mã bị xả ròng nhẹ hơn còn có VCS (957 triệu đồng), KHG (397 triệu đồng), TVB (339 triệu đồng), IVS (225 triệu đồng)...

Trái chiều, cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services là mã duy nhất được mua ròng trên 1 tỷ đồng trong phiên. Cụ thể, NĐT khối ngoại mua ròng hơn 7,2 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng 279.500 cổ phiếu, tăng 12,5% so với phiên liền trước.

Theo sau, lực mua tìm đến các mã KLF (594 triệu đồng), PVS (240 triệu đồng), DTD (211 triệu đồng)...

Tại thị trường UPCoM, tương quan giữa chiều mua/bán lần lượt là 27,78 tỷ đồng/5,84 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại mua ròng 21,94 tỷ đồng, hay mua ròng về khối lượng 585.400 cổ phiếu.

Tại chiều mua ròng, BSR vươn lên thành mã được mua ròng nhiều nhất với 8,7 tỷ đồng. Kế tiếp, khối ngoại duy trì rót vốn mạnh vào các mã CTR (6 tỷ đồng), MCH (5,7 tỷ đồng) và ACV (2,8 tỷ đồng) sau khi cổ phiếu này được giao dịch trở lại trên UPCoM. Cùng chiều, khối ngoại mua ròng VTP (215 triệu đồng), đồng thời gom ròng dưới 100 triệu đồng các mã SBS, AMS, VNA, VFS...

Ở chiều bán, lực xả tập trung tại MPC (1 tỷ đồng), NTC (372 triệu đồng), SBH (164 triệu đồng), AAS (138 triệu đồng). Một số mã ghi nhận lực xả dưới 100 triệu đồng phải kể đến ABI, SIV, OIL, VEA....

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.